1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hòa Bình:

Bản trường thọ giữa lưng chừng trời

(Dân trí) - Xã Lũng Vân, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), nằm ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, mà còn là nơi được mệnh danh là bản “đệ nhất trường thọ” của tỉnh Hòa Bình.

Bản “đệ nhất trường thọ”

Lũng Vân hay Thung Mây còn có tên gọi xa xưa là Mường Chậm. Cái tên Lũng Vân, có lẽ được bắt nguồn từ điểm đặc trưng của một thung lũng với bốn bề là núi cao dựng đứng, nối nhau trùng điệp quanh năm mây bao phủ nên được ví như cái nóc nhà của vùng đất Mường Bi, là một trong 4 Mường lớn nhất của tỉnh Hòa Bình.

Đã 100 tuổi, nhưng cụ Hà Thị Ni vẫn lên nương rẫy làm cùng con cháu và tự nấu ăn, tắm giặt được.
Đã 100 tuổi, nhưng cụ Hà Thị Ni vẫn lên nương rẫy làm cùng con cháu và tự nấu ăn, tắm giặt được.

Ông Đinh Thanh Dững, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Lũng Vân cho biết: “Xã Lũng Vân có đến 70 người trên 80 tuổi, trong đó có gần 20 người trên 100 tuổi. Nhưng đây chỉ là số liệu cũ thôi, chắc bây giờ nhiều cụ còn ngoài 90 nữa ấy chứ. Người thọ nhất bản này là cụ Đinh Thị Huệ, sinh năm 1897. Nhưng cụ mất vào tháng 2/2011, thọ 115 tuổi. Trước đó cũng có hai cụ bà xóm Chiềng mất lúc cụ 112 tuổi”.

Theo lời giới thiệu của ông Dững, chúng tôi tìm đến thôn Pò, hỏi thăm người bản xứ nhà cụ Đinh Thị Trẵn năm nay đã 95 tuổi. Cụ Trẵn nói được cả tiếng Kinh, tuy chưa thuần thục lắm. Nhà cụ có 5 người con và có tới hơn 20 cháu chắt, nội ngoại. Mặc dù đã 95 tuổi nhưng cụ vẫn lên nương làm rẫy cùng con cháu, thậm chí việc may vá cụ còn làm cẩn thận và rất khéo léo như những thiếu nữ Mường đôi mươi .

Cách nhà cụ Trẵn không xa, là gia đình cụ Bùi Thị Ón năm nay đã 97 tuổi. Cụ Ón vẫn còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Cụ kể: “Mới hôm vừa rồi xuống thị trấn hai ngày mà thấy nhớ bản làng quá. Nên bà bảo cháu nó chở bà về, ngồi không làm gì khó chịu lắm”.

Dù đã gần 100 tuổi nhưng cụ Ón mỗi ngày vẫn ăn đều 3 bữa. Cụ ăn đầy đủ chất từ rau, quả, thịt, nhưng cụ thích ăn rau nhất. Cụ Ón sinh được 7 người con, 2 trai, 5 gái. Con trai đầu của cụ cũng đã gần 80 tuổi. Cháu của cụ cả nội cả ngoại cũng vài chục đứa.

Được một số dân bản giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà cụ Hà Thị Nỉ ở bản Bục. Nhìn thấy khách đến chơi, cụ vội vàng gác lại công việc mời chúng tôi vào nhà uống nước. Cụ Hà Thị Ni (sinh năm 1912) năm nay đã tròn 100 tuổi. Nhưng nếu nhìn bề ngoài thì khó có thể ai tin được cụ Ni đã sống một thế kỷ. Tuy làn da đã nhăn nheo vì thời gian và tuổi tác, nhưng vẫn đỏ hồng, riêng hàm răng thì không còn chiếc nào. Cụ vẫn mặc bộ quần áo truyền thống dân tộc Mường. Mặc dù đã 100 tuổi nhưng cụ vẫn cùng con cháu làm rẫy, nuôi lợn gà.

Con trai của cụ Ni năm nay cũng đã 70 tuổi. Ông Hà Văn Bưng, con trai cụ Ni cho biết: “Mế nhiều tuổi rồi, nên bảo mế ở nhà, không cho mế lên nương, mế giận, bỏ ăn cả ngày. Hàng ngày mế vẫn thường dậy từ sớm, nấu cơm ăn bữa sáng, rồi đi cho vịt ăn. Không cho mế đi làm thì mế bảo chồn chân chồn tay không chịu được”.

Cụ Trẵn 95 tuổi, nhưng cụ vẫn may khéo léo như những thiếu nữ Mường đôi mươi.
Cụ Trẵn 95 tuổi, nhưng cụ vẫn may khéo léo như những thiếu nữ Mường đôi mươi.

Ông Hà Văn Khuê, Phó chủ tịch UBND xã Lũng Vân cho biết: “Xã Lũng Mây này có hơn 400 hộ gia đình, hầu hết là người dân tộc Mường. Mỗi khi Tết đến, chính quyền xã lại đi chúc thọ những già làng, nếu ngồi đếm chắc không thể đếm được trong chốc lát các cụ được Chủ tịch nước tặng lụa”.

Bí quyết trường thọ của người dân Lũng Vân

Trò chuyện với các già làng trường thọ, chúng tôi thắc mắc về “bí quyết” đế được thọ như người dân Lũng Vân. Hầu hết các già làng chỉ cười và nói không có bí quyết gì cả. Hàng ngày họ đều dậy từ rất sớm, đi làm nương, làm rẫy.

Ở Lũng Vân có ba dòng suối lớn là: suối Hượp, suối Trong và suối Miêu hợp thành một hợp lưu, người dân làng bao đời cứ đến đó lấy nước về sinh hoạt, tất cả đều từ thiên nhiên mà ra. Đặc biệt những già làng Lũng Vân gần như là không ăn gan động vật.

Bí quyết trường thọ của người dân nơi đây cũng không có gì là đặc biệt.
Bí quyết trường thọ của người dân nơi đây cũng không có gì là đặc biệt.

Ở Lũng Vân, trà uống hàng ngày là các vị thuốc được người dân lấy từ trong rừng về phơi khô rồi đun lên. Những vị thuốc này họ cứ để trong góc nhà sàn uống dần trong ngày. Người dân Lũng Vân uống những loại nước cây rừng này như một loại nước để chống chọi lại với thời tiết khắc nghiệt của thiên nhiên. Mùa hè uống nước này, người uống có cảm giác rất mát, mùa đông lại có thể giữ ấm cho cơ thể rất tốt.

Bà con ở đây từ trước sống ở Lũng Vân hầu như biệt lập với bên ngoài, họ gần như sống theo lối tự cung tự cấp. Cá bắt dưới suối, lúa lấy trên nương, và khái niệm “ô nhiễm môi trường” thì chưa bao giờ xuất hiện ở đây.
 
Lũng Vân, vùng đất giống của thiên nhiên ban tặng với những con người sống lâu trăm tuổi (Ảnh: TT)

Lũng Vân, vùng đất giống của thiên nhiên ban tặng với những con người sống lâu trăm tuổi (Ảnh: TT)
 
Nhiều khách du lịch đến Lũng Vân thấy cuộc sống của người dân nơi đây còn khó khăn, nhưng lại có nhiều cặp vợ chồng lại sống với nhau đến “bách niên giai lão”, thì đều nhận xét rằng nơi đây quả là một vùng đất đáng sống.

Đức Văn - Trần Lê

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm