1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bán sân bay Nội Bài: “Được quyền khai thác nhưng không được độc quyền!”

(Dân trí) - “Việc chuyển nhượng quyền khai thác nhà ga hàng không các nước trên thế giới đã làm nhiều, để thu hút được nguồn lực tài chính đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao sự cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng và giúp hành khách có sự lựa chọn tốt nhất khi đi máy bay”.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Lại Xuân Thanh trao đổi với PV Dân trí về chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực hàng không và đề xuất “mua” lại nhà ga T1 Nội Bài của Vietnam Airlines và Vietjet Air mới đây.

Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài hiện do Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) khai thác, nhưng Vietjet Air và Vietnam Airlines ngỏ ý muốn mua lại ga hàng không T1 tại cảng này. Ở góc độ quản lý nhà nước, ông đánh giá thế nào về việc này?

Nhà ga T1 Nội Bài là nhà ga có thể đem lại lợi ích tài chính cho nhà khai thác. Nếu bỏ tiền vào T1, nhà đầu tư sẽ vừa có được nhà ga để phục vụ trực tiếp cho hoạt động của mình và vừa thu được lợi nhuận từ việc khai thác hạ tầng cảng hàng không.

Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.
Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang thực hiện Đề án Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, đây là cơ sở để thực hiện việc chuyển nhượng quyền khai thác thương mại cho các nhà đầu tư có nhu cầu “mua” lại hạ tầng từ ACV theo các trình tự thủ tục và các nguyên tắc pháp lý cụ thể. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Vụ Pháp chế và các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở đó hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan để thúc đẩy xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, đưa ra cơ chế rõ ràng, công khai, minh bạch nhằm tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Hiện tại đã có Vietjet Air và Vietnam Airlines đề xuất mua nhà ga T1. Bộ GTVT đã đồng ý chuyển nhượng toàn bộ sảnh E của nhà ga T1 Nội Bài cho Vietjet Air, và chuyển nhượng toàn bộ nhà ga quốc nội T1 (trừ sảnh E) cho Vietnam Airlines. Tôi cho rằng việc chuyển nhượng này hợp lí cả về chủ trương và nhu cầu khai thác của các hãng.

Việc định giá chuyển nhượng quyền khai thác thương mại nhà ga T1 Nội Bài cho Vietnam Airlines và Vietjet Air đã có được con số cụ thể, thưa ông?

Phải nghiên cứu kỹ càng việc này. Giá chuyển nhượng sẽ tuỳ thuộc vào yếu tố khai thác cũng như các quy định hiện hành. Trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư cùng quan tâm (ngoài Vietnam Airlines và Vietjet Air) thì cơ quan quản lý có thể sẽ thực hiện đấu giá… Ngoài giá cả, chắc chắn còn có các điều khoản khác liên quan đến quản lý khai thác và phát triển.

Được biết chuyện “mua”, “bán” nhà ga hàng không không phải mới lạ ở các nước trên thế giới nhưng yếu tố nào đảm bảo việc này thực hiện thành công ở Việt Nam?

Mô hình chuyển nhượng này ở nước ngoài có nhiều. Theo khảo sát thì mô hình này diễn ra mạnh nhất ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), và có việc họ “bán” hạ tầng nhà ga cho một hãng hàng không thực hiện khai thác thương mại.

Nhà ga hành khách T1 Nội Bài

Nhà ga hành khách T1 Nội Bài

Trở lại với nhà ga T1 Nội Bài, sau khi “bán” cho Vietnam Airlines và Vietjet Air, cũng có nhiều ý kiến lo ngại khả năng xảy ra tình trạng độc quyền khai thác của hãng bỏ tiền "mua đứt"?

Việc chuyển nhượng nhà ga hàng không đầu tiên là để tạo điều kiện cho nhà khai thác chính trong việc hợp lý hóa hoạt động của mình, thêm nguồn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đó. Như đề xuất “mua” cảng và sự phân chia mặt bằng chuyển nhượng quyền khai thác thương mại là sảnh E cho Vietjet Air và T1 cho Vietnam Airlines là hợp lí, vì thực tế thì đó cũng là những hãng hàng không chủ đạo đang khai thác trên các phần hạ tầng này.

Có thể nhiều người e ngại về tình trạng độc quyền khai thác cảng sẽ xảy ra, nhưng với vai trò quản lý nhà nước chuyên ngành thì Cục Hàng không Việt Nam và cao hơn là Bộ GTVT sẽ có trách nhiệm trong việc đảm bảo cho các nhà đầu tư được nhượng quyền khai thác không lợi dụng vị thế độc quyền.

Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam sẽ làm gì để thể hiện vai trò của mình nhằm đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng, thưa ông?

Quản lý Nhà nước phải tăng cường hoạt động giám sát để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh giữa các hãng hàng không. Trong quá trình xây dựng hợp đồng nhượng quyền và trong các quy định của pháp luật phải có các biện pháp để đảm bảo tính bình đẳng và hoạt động bình thường của tất cả các nhà khai thác. Bộ GTVT đã yêu cầu rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cần thiết phải bổ sung để kiểm soát chặt chẽ.

Sau khi nhượng quyền khai thác, thậm chí "bán đứt" cho nhà đầu tư, nhà nước phải nắm được quyền kiểm soát việc này chứ không phải hãng nào “mua” được rồi có nghĩa là được độc quyền muốn cho hay không muốn cho hãng hàng không khác vào tham gia khai thác. Còn việc hãng khác khi vào cảng thì phải trả tiền là chuyện đương nhiên.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Châu Như Quỳnh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm