1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Dương Chí Dũng: “TGĐ Mai Văn Phúc cố đẩy tôi khỏi Vinalines”

(Dân trí) - Những “lắt léo”, đổ vỡ trong nội bộ một DNNN đặc biệt lớn, quan trọng mỗi lúc một bộc lộ qua diễn biến phiên xét xử Dương Chí Dũng và các đồng phạm. Tòa cũng “sốt ruột” thay cho sự dửng dưng của cơ quan chủ quản các bị cáo, doanh nghiệp.

Trong phiên tòa chiều nay 13/12, LS Trần Đại Thắng dò hỏi lý do Trần Hải Sơn “đổ tội” cho Dương Chí Dũng, dựng chuyện Dũng chỉ đạo mua bằng được ụ nổi 83M, chỉ đạo chia chác 1,666 triệu USD rút ruột được qua thương vụ này. Dũng cho biết, gần đây suy nghĩ nhiều và suy ra một việc, Sơn muốn được giảm nhẹ tội nên đổ cho lãnh đạo trước đó Sơn đã “dính” một vụ tham ô khác.

“Sơn sẽ là người biết rõ hơn ai hết việc này. Tôi thà chết mà trái tim thanh thản còn hơn là sống mà sống trong ăn năn, tội lỗi” - cựu Chủ tịch Vinalines thống thiết đặt tay lên ngực trái để diễn tả ý tứ.

Dương Chí Dũng: “TGĐ Mai Văn Phúc cố đẩy tôi khỏi Vinalines”
2 "kình địch" liên tục tố nhau tại tòa về những hành vi chơi xấu, lật lọng nhau trong công tác

LS Nguyễn Huy Thiệp gợi ý Dương Chí Dũng nói lại về “quan hệ không tốt” với Mai Văn Phúc, Dũng xác nhận thực tế “đúng như Phúc trình bày trước tòa, anh em mâu thuẫn đến mức đối nghịch, không thể chia sẻ, tâm sự với nhau”.

Bị Phúc tố là “ném đá”, xúi giục các thành viên HĐQT không bỏ phiếu bầu Tổng GĐ TCty cho Phúc, Dũng cũng “ngả bài” cho rằng Phúc đã hoạt động để đẩy mình khỏi Vinalines (Dũng sau đó được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải, chức vụ tương đương Chủ tịch Vinalines).

Vì vậy, Dương Chí Dũng lập luận, nếu có được thông tin Dũng “đi đêm” với công ty AP, Tổng GĐ Mai Văn Phúc chắc chắn sẽ sử dụng ngay cho mục đích “đẩy” đổi thủ đi. Dũng phân trần, vì tình hình tại Vinalines như vậy, bị cáo luôn rất thận trọng trong mọi động thái. Do đó, không có lý do gì bị cáo lại chỉ đạo Trần Hải Sơn chia tiền cho Phúc.

“Nếu có việc chia chác, tôi nhất định chia cho anh Triều (Phó Tổng GĐ), cô Loan (kế toán trưởng) vì hoàn cảnh đặc biệt của những anh em mà tôi rất quý. Đó mới là điều hợp logic. Khai chia tiền như thế chỉ Sơn được lợi, cả về trách nhiệm dân sự và hình sự, còn tôi và anh Phúc sẽ chết” - Dương Chí Dũng tỏ ra hoạt ngôn.

Phần  xem xét về trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đại diện TCty Hàng hải cho biết, ụ nổi 83M hiện đang giữ tại cảng Vòi Rồng (Long An). Hiện nhà máy sửa chữa tàu biển đang phải thuê chỗ neo đậu này. Nhà máy hiện thuộc công ty TNHH 2 thành viên do TCty và 1 DN ngoài ngành góp vốn đầu tư. Các chi phí liên quan đến việc bảo vệ, trông coi, đảm bảo an toàn cho ụ tốn khoảng 1 tỷ đồng/tháng.

Nhà máy sửa chữa tàu biển đã báo cáo lên TCty và Bộ GTVT về tình hình sửa chữa ụ nổi nhưng hiện mọi phương án khai thác hiện không còn khả thi nữa, ụ nổi chỉ để nguyên ở đó. Đơn vị xin được phép thanh lý để giảm thiểu thiệt hại nhưng chưa cơ quan nào cho phép thanh lý. CQĐT cho ý kiến là phải giữ chờ xét xử vụ án xong mới xem xét giải quyết được.

Chủ tọa yêu cầu trình bày về tổng thiệt hại gây ra từ khối sắt phế liệu khổng lồ này, đại diện Vinalines nói không nhớ. Nhiều lần thẩm phán lặp lại gợi ý người đại diện của Vinalines nêu yêu cầu áp trách nhiệm bồi thường những thiệt hại các cựu lãnh đạo TCty gây ra nhưng nguyên đơn dân sự này lần nào cũng… lảng.

Tòa giải thích thiệt hại gây ra là tài sản của nhà nước. Vốn nhà nước cấp cho TCty, đơn vị có quyền sử dụng nhưng doanh nghiệp cũng có trách nhiệm bảo vệ tài sản nhà nước, bảo đảm bảo an toàn, bảo tồn vốn. Người đại diện cho TCty cần có yêu cầu trực tiếp để có căn cứ buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho nhà nước. “Hay chính vì là tài sản nhà nước nên không cần quan tâm?” - chủ tọa phiên tòa bức xúc.

Đại diện Vinalines vẫn lặp lại câu trả lời “không yêu cầu, chờ phán quyết của tòa”.
 
Dương Chí Dũng tranh thủ trao đổi với người thân khi được dẫn giải vào phòng xử án.
Dương Chí Dũng tranh thủ trao đổi với người thân khi được dẫn giải vào phòng xử án.

Với câu hỏi của tòa về trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát Vinalines, đại diện Bộ Tài chính trả lời thanh tra Bộ này có thẩm quyền kiểm tra hoạt động tài chính của doanh nghiệp nhưng chưa lần nào tổ chức thanh tra tại đơn vị. Đại diện Bộ GTVT thì viện dẫn, Vinalines là một TCty 91 - doanh nghiệp thuộc trách nhiệm quản lý trực tiếp của Chính phủ nên theo luật, Bộ chủ quản không có thẩm quyền thanh kiểm tra, Thanh tra Chính phủ mới có thẩm quyền.

Dự án đầu tư ụ nổi của Vinalines, đại diện Bộ GTVT cũng cho biết, giá trị chỉ khoảng 500 tỷ đồng, hoàn toàn thuộc quyền tự quyết của đơn vị, không cần xin ý kiến Bộ. TCty có gửi báo cáo, xin ý kiến, 6 ngày sau đó, Bộ trả lời là đồng ý về nguyên tắc.

Người ký văn bản này khi đó - nguyên Thứ trưởng Trần Văn Thọ thì khẳng định, ụ nổi là thiết bị chuyên dùng của nhà máy sửa chữa tàu biển, không phải là tàu biển, dù có 3 cơ quan (trong đó có Cục đăng kiểm) đã kết luận đây là tàu biển và thực tế đã cấp giấy chứng nhận tàu biển tạm thời cho ụ.

Ông Thọ, phân tích, ụ nổi chỉ dùng để nâng hạ, không có động cơ, muốn di chuyển phải có tàu kéo đẩy hoặc tàu chở đi, khi sử dụng phải đào 1 hố sâu hoặc neo đậu thật kỹ cả 4 phía. Ụ nổi 83M hiện cũng đang được đặt ở trạng thái này.

Theo nguyên Thứ trưởng GTVT, áp điều 11 Nghị định 16 để cho rằng phải khống chế tuổi của ụ nổi như tàu biển (không quá 15 tuổi) không hợp lý.

Tuy nhiên, điều luật này sau đó được đại diện VKS trích dẫn nguyên văn thể hiện “tàu biển hoặc cấu trúc nổi di động trên biển khác (không bao gồm tàu quân sự) hoặc không có động cơ nhưng có tổng dung tích từ 100DT trở lên phải đăng ký như tàu biển”.  

P.Thảo