1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Bắn không rơi, tôi xin lao thẳng vào B52”

(Dân trí) - Thượng úy phi công Vũ Xuân Thiều báo cáo: “Bắn B52 địch không rơi tại chỗ, tôi xin lao thẳng vào nó”. Ngày 28/12/1972, anh đã lao thẳng chiếc Mig của mình vào B52 địch. Hoa Kỳ công nhận đây là chiếc máy bay cuối cùng bị không quân Bắc Việt bắn hạ tại chỗ.

Xác máy bay B52 bị quân dân Thủ đô bắn hạ, rơi trên đường Hoàng Hoa Thám.
Xác máy bay B52 bị quân dân Thủ đô bắn hạ, rơi trên đường Hoàng Hoa Thám.
 
Trung tướng Vũ Xuân Vinh, nguyên phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, người đã có mặt tại Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân suốt 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội cho biết: Tính đến tháng 11 năm 1972, Hội nghị 4 bên ở Paris đã họp đến gần 160 phiên nhưng vẫn bế tắc. Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lệnh cho các lực lượng vũ trang: “Có nhiều khả năng địch sẽ đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả việc dùng pháo đài bay chiến lược B52 đánh vào Hà Nội - Hải Phòng. Do đó nhiệm vụ của quân chủng Phòng không - Không quân là tập trung mọi khả năng, nhằm đúng đối tượng B52 mà tiêu diệt”.

 

Đúng vậy, ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn ký phê chuẩn chiến dịch Lai-nơ Bếch-cơ 2, bắt đầu đánh trên không vào Hà Nội, Hải Phòng vào 7 giờ sáng ngày 18/12/1972 (giờ Hà Nội là 19 giờ ngày 18/12/1972), đồng thời tiếp tục thả thuỷ lôi phong toả Cảng Hải Phòng.

 

B52 là loại "siêu pháo đài bay chiến lược" do hãng Bô-inh sản xuất, chiếc đầu tiên được đưa bay thí nghiệm vào 16/4/1952 nên được gọi B52. Sau 20 năm, năm 1972, B52 đã được qua 8 lần cải tiến từ B-52A đến B-52G, B-52H. Mỗi chiếc B-52G hoặc H (loại bị bắn rơi tại Hà Nội tháng 12/1972) có thể mang trên dưới 100 quả bom với trọng lượng từ 17 đến 30 tấn cùng nổ chỉ trong phạm vi 3 đến 10 giây đồng hồ.

 

Mỗi B52 được trang bị 15 máy điện tử phát nhiễu chống các loại ra-đa của đối phương. Khi B52 tấn công mục tiêu còn có máy bay EB66 gây nhiễu phía ngoài và nhiều tốp F4 thả nhiễu tiêu cực là những bó sợi hợp kim nhôm trong khu vực độ dài khoảng từ 40km đến 70km, dầy khoảng 2km để gây nhiễu. Trung bình mỗi B52 đi chiến đấu có 7 máy bay chiến thuật đi kèm.

 

Hoa kỳ cho rằng “Đối phương không thể có cách chống đỡ và không còn một sinh vật nào tồn tại nổi dưới những trận mưa bom kinh khủng của loại B52 bất khả xâm phạm”.
 
Hà Nội - 12 ngày đêm đánh thắng “pháo đài bay” B52 Mỹ

Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp duyệt kế hoạch đánh B52 Mỹ tại  Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân tháng 12 năm 1972.
 

Theo Thượng Tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài: “Từ mùa xuân năm 1968, Bác Hồ đã nói: Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ dung B52 ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Trước đây, trước khi ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

 

Trung tướng Vũ Xuân Vinh cho biết Quân chủng Phòng không - Không quân đã cử nhiều đoàn cán bộ vào các chiến trường nghiên cứu cách chống nhiễu trong đánh máy bay địch. Từ thực tế chiến trường, cán bộ chiến sĩ Quân chủng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý, xây dựng thành những cẩm nang “Cách chống nhiễu thông tin”, “Quy trình bắt B52 trong nhiễu”... và đặc biệt là cuốn sách “Cách đánh B52 của Bộ đội Tên lửa”. Cuốn sách này dày 30 trang, là sự đúc kết kinh nghiệm, công sức, trí tuệ của một tập thể và phải đổi bằng cả xương máu của nhiều cán bộ, chiến sĩ...

 

Cuốn cẩm nang đánh B52 hoàn chỉnh trong tháng 11/1972 đã nhanh chóng được phổ biến, triển khai đến các đơn vị chiến đấu, được gọi là "Cuốn sách đỏ", đã góp phần làm sụp đổ thần tượng Pháo đài bay B52 Mỹ.

 

Trung tướng Vũ Xuân Vinh nhớ lại sự kiện ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Quân chủng phòng không không quân và chỉ thị: “Cho phép tên lửa các cậu bắn thoải mái, không phải bắn phát một nữa!”.

 

Ngày đầu tiên của “Điện Biên Phủ trên không” (18/12/1972), 3 máy bay B52 bị tiêu diệt và trận quyết định ngày 26/12/1972 có 8 máy bay B52 bị tiêu diệt.

 

Mức độ B52 bị tiêu diệt đạt 17,6% (34/193 chiếc), vượt xa mức mà Nhà Trắng có thể chấp nhận được từ 1 - 2%, buộc Mỹ phải chấm dứt cuộc tập kích chiến lược và trở lại Hội nghị Paris...

 

Đêm 18 rạng sáng ngày 19/12/1972, Đế quốc Mỹ cho 87 lần chiếc B52, 135 lần chiếc máy bay chiến thuật ném bom Hà Nội. Đêm 19/12, chúng tổ chức tiếp 3 đợt bắn phá dã man Hà Nội với 93 lần chiếc B52 và 163 lần chiếc máy bay chiến thuật.

 

Đêm 20 rạng sáng 21/12/1972, không quân Mỹ đánh phá Hà Nội với 8 tốp B52 (24 chiếc), gần 170 chiếc máy bay chiến thuật. Đêm đầu, quân dân Hà Nội đã bắn rơi 3 B52 Mỹ, 4 máy bay chiến thuật, bắt sống 6 giặc lái. Chiếc B-52G đầu tiên rơi tại chỗ ở Phù Lỗ, Đông Anh. Sau đó ta hạ tiếp 7 B52, bắt sống nhiều giặc lái.

 

Trong những ngày “Điện Biên Phủ trên không”, báo chí phương Tây nhận định chua cay: “Cứ với tốc độ này, chỉ 3 tháng nữa B52 sẽ bị tuyệt chủng!”.
 
Việt kiều mừng chiến thắng trước Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kléber - Paris
Việt kiều mừng chiến thắng trước Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kléber - Paris sau buổi ký kết Hiệp định Paris về lập lại hoà bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973.

 

Trong phiên 171 của Hội nghị Paris tại Kléber ngày 21/12/1972, vừa vào họp, trưởng đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên bố: “Để biểu thị sự phản đối những cuộc ném bom cực kỳ dã man và thái độ đàm phán lật lọng của phía Mỹ, đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa với sự đồng ý của đoàn đại biểu Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam quyết định bỏ phiên họp lần thứ 171”.

 

Cả 2 đoàn Việt nam bỏ Hội nghị ra về. Cuộc họp chỉ kéo dài 58 phút.

 

Đêm 28/12/1972, được thông báo có B52, thượng úy phi công Vũ Xuân Thiều nhận lệnh xuất kích. Anh báo cáo với trung đoàn trưởng: “Bắn mà B52 địch không rơi tại chỗ, tôi sẽ xin lao thẳng vào nó”.

 

21 giờ 45 ngày 28/12/1972, Vũ Xuân Thiều bắn bị thương chiếc B-52D của phi công Lơ-uýt rồi anh đã lao thẳng chiếc Mig của mình vào B52 địch. Phía Hoa kỳ công nhận đây là chiếc máy bay cuối cùng bị không quân Bắc Việt bắn hạ tại chỗ.

 

Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, không lực Mỹ đã huy động gần một nửa số máy bay chiến lược B52 (193/400 chiếc) với 663 lần xuất kích; một phần ba số máy bay chiến thuật (1.077/3.041 chiếc) với 3.920 lần xuất kích, cùng nhiều lực lượng, phương tiện, vũ khí khác. Đó thực sự là một cuộc chiến tàn bạo và huỷ diệt mà theo Mỹ, chúng có thể biến Hà Nội thành bình địa...

 

Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đến ngày 29/12, riêng Hà Nội đã bắn rơi 23 B52, nhiều chiếc bị rơi ngay tại chỗ, bắt sống nhiều giặc lái.

 

Sau sự kiện này, Tổng thống Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom trên toàn miền Bắc Việt Nam từ 30/12/1972, đi đến việc ký kết Hội nghị về "chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam" tại Paris ngày 27/1/1973.

 

Những chiến thắng này thuộc công lao tập thể của toàn thể các cán bộ chiến sĩ Phòng không- Không quân, từ Tư lệnh đến anh em các đơn vị tên lửa, cao xạ, ra-đa; của toàn thể lực lượng vũ trang, công an, tự vệ...

 

Ngoài ra không thể quên công lao của các chiến sĩ áo trắng ngành Y. Ngay khi có báo động B52, mặc cho bom rơi đạn nổ trên đầu, anh chị em không ngại hi sinh, nhanh chóng từ nhà đến bệnh viện cấp cứu những người bị thương do bom đạn giặc Mỹ. Hàng chục bác sĩ, dược sĩ , công nhân viên các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Sanh Pôn..., sinh viên trường Đại học Y thực tập tại các bệnh viện đã trở thành liệt sĩ.

 

Trước những đống gạch đổ nát của bệnh viện Bạch Mai, chị bác sĩ Y-vo-nơ, chuyên gia huyết học người Pháp đã không cầm nổi nước mắt nói:

 

- Tôi chỉ là một bác sĩ, một người làm khoa học nhưng lúc này thấy cần phải làm chính trị để tố cáo tội ác man rợ của Đế quốc Mỹ đã ném bom tàn phá một bệnh viện mà ở đó chỉ có tình thương.

 

Cũng tại đây, chị Jane Fonda, một nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ bày tỏ:

 

- Tôi sẵn sàng từ bỏ những thu hoạch kinh tế lớn đến hàng trăm nghìn đô-la mỗi lần hợp đồng đóng phim của tôi để dành cho một việc làm chính trị: đấu tranh chấm dứt cuộc chiến tranh tàn bạo ở Việt nam, chấm dứt những hành động bất nhân của những tên G.I.(Gendarmeri international; có nghĩa là: sen đầm quốc tế) khét tiếng.

 

Tổng thư ký Hội đồng hòa bình thế giới, ông Rô-mét Săng-đờ-ra nói:

 

- Cuộc chiến tranh của các bạn Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh mới trong lịch sử, trong từ điển của tất cả các thứ tiếng. Nó có nghĩa là lòng dũng cảm tuyệt vời, lòng quyết tâm và chủ nghĩa anh hùng, nó có nghĩa là tất cả những gì mà mọi người mong muốn tìm trên thế giới này.

 

* * *

 

Tháng 12 năm 2012. Đã 40 năm qua, nhớ lại những câu chuyện mười hai ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội năm xưa, càng thấy tự hào về tinh thần chiến đấu ngoan cường, về lòng yêu nước vĩ đại của những người con quê hương Thăng Long - Hà Nội đã trên 1.000 năm tuổi.

 

Đỗ Sâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm