1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Băn khoăn việc thêm chức danh Giám đốc, Tổng giám đốc cơ quan báo chí

(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Chương - Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TPHCM cho rằng việc dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) thiết kế thêm chức danh Giám đốc, Tổng giám đốc cơ quan báo chí sẽ làm tăng thêm chức danh, phát sinh biên chế, tầng nấc trong quản lý cũng như những rắc rối liên quan.

Ông Đặng Đình Luyến phát biểu tại hội thảo.
Ông Đặng Đình Luyến phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức hôm qua (8/3), ông Đặng Đình Luyến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn về tiêu chuẩn người đứng đầu cơ quan báo chí (Điều 23) và Tổng biên tập (Điều 24).

Theo ông Luyến, một số tiêu chuẩn của người đứng đầu cơ quan báo chí như “là công dân Việt Nam”, “có phẩm chất đạo đức tốt”, “không trong thời gian thi hành hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động” là chưa rõ, đầy đủ và cần phải làm rõ hơn nữa.

Chính vì thế, ông Luyến đề nghị bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn như không mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; không bị tạm giữ, tạm giam, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiệm bắt buộc,...

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chương - Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TPHCM băn khoăn vì sao dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lại thiết kế thêm chức danh Giám đốc, Tổng giám đốc cơ quan báo chí?

“Chỉ ở các cơ quan báo chí quy mô lớn, nhiều loại hình, nhiều sản phẩm theo dạng tập đoàn truyền thông truyền thông chủ lực của nhà nước như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã VN, báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thì mới cần thiết có chức danh Giám đốc, Tổng giám đốc”- ông Chương nói.

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc có thêm chức danh Giám đốc - người đứng đầu cơ quan báo chí bên cạnh chức danh Tổng biên tập như trước nay là nhằm phù hợp với xu thế phát triển của báo chí hiện nay: Các cơ quan báo chí đã và đang phát triển thành nhiều loại hình báo chí (báo in, báo điện tử) với nhiều sản phẩm báo chí. Một mình Tổng biên tập khó có thể kiểm soát nội dung toàn bộ sản phẩm báo chí mà thường phân công một số người trực tiếp phụ trách từng loại hình, sản phẩm báo chí như các Phó tổng biên tập, Tổng thư ký và Phó tổng thư ký tòa soạn.... Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, nhất là đối với các cơ quan báo chí tự chủ về tài chính, ngoài việc chịu trách nhiệm về nội dung toàn bộ sản phẩm báo chí, Tổng biên tập - người đứng đầu cơ quan báo chí còn phải vất vả lo toan các vấn đề về kinh tế, tài chính cũng như phải điều hành hoạt động chung (về hành chính, tổ chức nhân sự...) của cơ quan báo chí. Giám đốc, Tổng giám đốc sẽ gánh vác các nhiệm vụ ngoài nhiệm vụ tổ chức nội dung giao cho Tổng biên tập, các Tổng biên tập phụ trách.

Cho rằng việc thiết kế chức danh Giám đốc, Tổng giám đốc với tư cách là người đứng đầu cơ quan báo chí là sự dự liệu cần thiết, thể hiện trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trước xu thế phát triển của báo chí nước ta, nhưng ông Nguyễn Văn Chương khẳng định đang có những luồng ý kiến băn khoăn, bởi với tầm nhìn 10-15 năm nữa thì việc có thêm chức danh này đã thực sự cần thiết.

“Thực tế cho thấy, ngay cả ở các cơ quan báo chí có nhiều loại hình báo chí, nhiều ấn phẩm báo chí, việc Tổng biên tập phân công các Phó tổng biên tập, Tổng thư ký- Phó tổng thư ký tòa soạn… trực tiếp phụ trách nội dung các loại hình, sản phẩm báo chí thuộc cơ quan báo chí của mình vẫn bảo đảm sự chỉ đạo, xuyên suốt, thống nhất, Tổng biên tập vẫn là người chịu trách nhiệm cao nhất về nội dung và các hoạt động khác của cơ quan báo chí. Và thực tế cho thấy, đối với đa phần các cơ quan báo chí, áp lực về các công việc ngoài công việc nội dung, các Tổng biên tập vẫn đảm đương, gồng gánh rất tốt”- ông Chương nói.

Ông Chương cho rằng việc “đẻ” thêm một chức danh như vậy sẽ làm tăng thêm chức danh, phát sinh biên chế và tầng nấc trong quản lý cũng như những rắc rối có thể phát sinh.

“Theo tôi hiểu, dự thảo thiết kế theo hướng Tổng biên tập dưới quyền Giám đốc, tuy cả hai cùng được gọi là lãnh đạo cơ quan báo chí. Nhưng trong điều kiện báo chí của ta là cơ quan thuộc hệ thống cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, hội đoàn... Giám đốc thường là đại diện cho ý chí của cơ quan chủ quản còn Tổng giám đốc là người làm nghề, làm nghiệp vụ chuyên sâu, nếu hai ông không thống nhất về chủ trương, quan điểm xử lý nội dung cụ thể thì sao ?. Tất nhiên, Giám đốc có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình nhưng trong trường hợp Tổng biên tập bảo lưu và thực hiện quyền “quyết định đăng, phát các tác phẩm báo chí” như dự thảo thì sao?”- ông Chương đặt vấn đề.

Trước vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Đinh Xuân Thảo thừa nhận khi đưa ra bàn thảo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc có thêm chức danh Giám đốc, Tổng giám đốc ở cơ quan báo chí được nêu trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) nhận được rất nhiều ý kiến băn khoăn, thắc mắc trái chiều.

“Nếu tới đây cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn muốn giữ điều này thì khi trình ra Quốc hội sẽ phải giải trình rõ ràng để Quốc hội cho ý kiến, quyết định”- ông Thảo nói.

Thế Kha