Bản quyền trong hoạt động báo chí còn hời hợt, nhức nhối
(Dân trí) - Khẳng định vấn đề bản quyền trong hoạt động báo chí còn hời hợt và đang trở thành nỗi nhức nhối lớn nhất của báo chí Việt Nam, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Media JSC đề nghị loại bỏ khái niệm “trang tin điện tử tổng hợp” trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).
Trong hai ngày 7-8/3, tại Hải Phòng, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).
Ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội khẳng định việc xem xét quy định trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí cần được thực hiện kỹ lưỡng để vừa đảm bảo tinh thần về quyền tự do báo chí được thể hiện xuyên suốt toàn bộ dự thảo luật, vừa không tạo kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng, gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, tổn hại uy tín, danh dự của các cá nhân, tổ chức và quyền lợi hợp pháp của công dân.
Theo ông Giles Lever - Đại sứ Anh tại Việt Nam, một nền báo chí vững mạnh và sôi nổi là cấu thành quan trọng của bất kỳ xã hội nào.
Đề xuất bỏ “Trang tin điện tử tổng hợp” trong dự thảo Luật Báo chí
Tại hội nghị, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Media JSC thẳn thắn đánh giá vấn đề bản quyền trong hoạt động báo chí còn hời hợt, thiếu tác dụng thực tế và đang trở thành nỗi nhức nhối lớn nhất của báo chí Việt Nam.
“Báo chí là một phần của kinh tế sáng tạo. Giá trị của báo chí hoàn toàn nằm ở khả năng bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ các tác phẩm báo chí. Mất quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, báo chí mất người đọc, mất luôn khả năng gia tăng doanh thu quảng cáo và các cơ hội kinh doanh khác. Vậy mà, toàn bộ dự thảo Luật Báo chí chỉ có một điều duy nhất đề cập đến vấn đề này”- ông Lê Quốc Vinh thẳng thắn.
Trên thực tế, mặc dù có đầy đủ hệ thống pháp lý, luật về sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả, nhưng khả năng thực thi, bảo hộ bản quyền tác giả, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí hầu như là không thể. Các cơ quan báo chí chỉ có thể dựa vào ý thức tự giác của các đồng nghiệp và các hoạt động vận động tự thân.
Trong khi đó, Luật Sở hữu trí tuệ quá rộng và không có văn bản dưới luật nào trực tiếp điều chỉnh hành vi trong lĩnh vực báo chí, không có định nghĩa hay hướng dẫn rõ ràng thế nào là vi phạm bản quyền tác giả đối với sản phẩm báo chí. Đăng lại bao nhiêu %, dịch bao nhiêu % từ bản gốc, trích dẫn như thế nào, chỉnh sửa hình ảnh ra sao… thì coi như là vi phạm bản quyền và phải trả phí tác quyền ra sao...
Ông Lê Quốc Minh đề nghị bỏ “Trang tin điện tử tổng hợp” trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).
“Đó là lý do vì sao tình trạng “đạo” tác phẩm báo chí, vi phạm bản quyền diễn ra thường xuyên, liên tục và không có hướng giải quyết. Các trang tin điện tử tổng hợp là các đơn vị xâm phạm bản quyền nhiều nhất. Sự tồn tại của loại hình truyền thông này trong dự Luật Báo chí đã là sự bất hợp lý”- ông Vinh nói.
Hơn nữa, điều kiện để cấp phép cho những phương tiện truyền thông này lại là “được phép sao chép lại ít nhất 5 cơ quan báo chí”. Trên thực tế, không một cơ quan báo chí nào (trừ phi đó là cơ quan báo chí quá nhỏ bé) cho phép một website sao chép lại bài vở của họ bởi đó là một cách gián tiếp giảm bớt lượng bạn đọc hoặc lượng truy cập vào chính tờ báo đó.
Ông Vinh nhận định, do luật không cho phép tự làm nội dung nên các trang điện tử này sẽ nghiễm nhiên "xào" lại, cóp nhặt bài vở của các trang báo chí khác, chứ không thể tồn tại chỉ với nội dung từ 5 tờ báo. Vì số lượng loại website này quá nhiều, nên khả năng ngăn chặn là rất khó. Nếu luật làm chặt, họ buộc phải tự làm nội dung thì lại vi phạm giấy phép.
“Vì vậy, tôi kiến nghị loại bỏ khái niệm “trang tin điện tử tổng hợp” trong dự Luật Báo chí. Chỉ các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản các website có tính chất báo chí, cho dù đó là báo chí điện tử hay chuyên trang điện tử. Các loại website, kênh thông tin điện tử khác, thuộc các tổ chức hoặc cá nhân sẽ được xuất bản và điều chỉnh theo quy chế của các phương tiện truyền thông phi báo chí”- ông Lê Quốc Vinh kiến nghị.
Chung quan điểm, ông Lê Quốc Minh - Tổng biên tập Vietnamplus (TTXVN) cho rằng việc quy định báo điện tử khác với trang điện tử của các báo in, các kênh phát thanh - truyền hình hay trang thông tin điện tử tổng hợp chỉ được đăng lại nội dung có sẵn mà không được sản xuất thông tin là điều bất cập và không có ý nghĩa thực tế.
Theo ông Minh, đa phần các trang thông tin tổng hợp không hội đủ điều kiện về sự chấp thuận của các cơ quan báo chí mà họ trích dẫn, nhưng vẫn tự sản xuất nội dung, vi phạm sở hữu trí tuệ của các báo khác mà không hề bị chế tài. Trong khi đó, những cơ quan báo chí nỗ lực đổi mới, tìm ra những hướng phát triển mới thì lại bị khoanh vùng trong lĩnh vực mà họ bị quản lý (!).
Báo chí cần được phản biện vấn đề “nhạy cảm”
Theo ông Đặng Tâm Chánh - nguyên Tổng biên tập báo Sài gòn Tiếp thị, xu hướng lạm dụng dấu mật trong các văn bản hành chính nhà nước quá phổ biến. Nhiều cơ quan nhà nước còn đặt ra các quy định hạn chế quyền tiếp cận thông tin của báo chí. Chức năng thông tin cho công chúng từ trước đến nay vẫn được quan niệm là tuyên truyền, bảo vệ lợi ích của nhà nước. Một số lãnh đạo cơ quan nhà nước còn cố tình lợi dụng các phương tiện truyền thông để đánh lạc hướng dư luận, thậm chí để “đánh đấm” các đối thủ chính trị của mình.
“Bản chất thông tin phải xây dựng được lòng tin của xã hội, chứ công cụ thông tin trong tay nhà nước không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích nhà nước. Trách nhiệm của nhà nước là phải phổ biến thông tin đáng tin cậy cho công chúng, xây dựng lòng tin giữa nhà nước và người dân. Vai trò thông tin cho công chúng theo vậy cần phải được thay đổi từ việc tuyên truyền, bảo vệ lợi ích của nhà nước sang tạo kênh trao đổi thông tin và xây dựng lòng tin với người dân”- ông Chánh nói.
Trên cơ sở đó, để quyền tiếp cận thông tin có ý nghĩa của quyền tự do thông tin, ông Đặng Tâm Chánh cho rằng Luật Báo chí phải luật hoá chức năng phản biện xã hội của báo chí. Mặt khác cũng cần được sửa đổi nhằm ngăn chặn sự can thiệp vào hoạt động báo chí bằng cách xác định nguyên tắc “mọi can thiệp đều trái pháp luật kể cả từ cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí và người nào cho rằng thông tin trên các phương tiện truyền thông sai lệch thì kiện ra tòa án và chỉ có tòa án mới có quyền phán xét”.
“Cơ quan báo chí cũng phải có quyền phản biện, phải được tranh luận vì sao một chủ đề nhất định lại được xem là nhạy cảm, và vì sao không được phép đưa tin”- ông Chánh nêu vấn đề.
GS-TS Nguyễn Đăng Dung - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội thẳng thắn: Không có một nền báo chí nào thành công mà lại được dựa trên một khả năng tiếp cận thông tin hạn chế. Việc thu thập thông tin của các nhà báo là không thể thiếu được của thông tin tự do. Nếu không tiếp cận được thông tin thì các nhà báo chủ yếu chỉ tham gia vào việc bày tỏ quan điểm của mình.
“Cũng giống các doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh phải dựa trên quyền tự do kinh doanh của mọi người dân, thì các nhà báo cũng gần vậy, phải dựa trên quyền tự do thông tin của mọi người dân. So với người dân họ không có quyền nào khác với người dân. Họ cũng như các doanh nhân kinh doanh trong kinh tế, họ được quyền tự do kinh doanh thông tin trong môi trường tự do thông tin của người dân. Nếu như người dân không có quyền tự do thông tin thì các nhà báo cũng không có quyền và không có môi trường cho việc hành nghề của họ”- ông Dung đánh giá.
Nhà báo cần được bảo vệ
Tại hội thảo, nhà báo Thuận Hải - Chương trình Bảo vệ tác nghiệp Trung tâm nghiên cứu RED (Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam) đề xuất chế tài xử phạt hành vi cản trở và hành hung nhà báo.
Theo ông Thuận Hải, Khoản 10, Điều 9, Chương I của dự thảo Luật Báo chí đã quy định một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí là “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật” nhưng chưa nêu rõ nếu vi phạm thì cá nhân sẽ bị xử lý theo điều khoản của bộ luật nào. Hiện nay, những quy định về xử phạt hành chính được quy định tại Nghị định 159 của Chính phủ chưa đủ sức răn đe và trong thực tế chưa được nghiêm chỉnh chấp hành.
“Tổ chức hay cá nhân cản trở phóng viên chính là người không muốn thông tin ấy được công khai. Chỉ những người có hành vi tiêu cực hoặc phải chịu trách nhiệm về hậu quả vấn đề thuộc phạm vi chức trách mới bất chấp từ tính mạng của nhà báo cho tới pháp luật để thực hiện bằng được việc che đậy, bưng bít các hoạt động tiêu cực, trái pháp luật của mình. Các cơ quan báo chí và nhà báo đi đầu, dấn thân trong cuộc đấu tranh này rất cần được bảo vệ. Vì thế, pháp luật cần phải có chế tài và hình thức xử phạt tương xứng với bản chất của hành vi vi phạm đó”- nhà báo Thuận Hải nêu chính kiến.
Thế Kha