1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bàn chân trái diệu kỳ

Em Lê Thị Thắm - con gái anh chị Nguyễn Thị Tình ở thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn (Thanh Hoá) - ngay từ khi sinh ra đã không có tay. Điều đó làm cho cả gia đình buồn rầu, lo lắng trong suốt những năm tháng bé Thắm còn thơ dại.

Nhưng khả năng tư duy của khối óc và sự diệu kỳ của bàn chân trái giúp Thắm vươn lên, để em có thể làm những điều mà ngay cả người bình thường cũng khó làm được.

 

Nhìn những dòng chữ trên các cuốn vở không ai nghĩ rằng đó là sản phẩm của một cô bé đang học lớp 3 tại Trường Tiểu học xã Đông Thịnh viết bằng bàn chân trái. Những nét chữ gọn gàng, đều đặn và sạch sẽ này ngay cả những đứa trẻ cùng trang lứa với Thắm viết bằng tay chưa chắc đã đẹp bằng.

 

Ông hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thịnh nói với tôi rằng đó là điều kỳ diệu, là sự mong đợi của người cha, người mẹ, các thầy, cô giáo. Lật từng trang vở càng khâm phục hơn nghị lực của một cô bé vừa tròn 9 tuổi. Trong cuốn tập môn toán, không có một điểm số nào dưới 8; môn tiếng Việt còn xuất sắc hơn, chỉ toàn 9 với 10. Thắm học đều các môn nhưng trội nhất là hai môn toán và tiếng Việt.

 

Bàn chân trái diệu kỳ - 1

 Chị Nguyễn Thị Tình tâm sự: “Khi mang thai mọi chuyện chẳng có gì khác thường nên vợ chồng bàn nhau không đi siêu âm”. Thế rồi ngày 28/3/1998 chị Tình sinh hạ một bé gái làm mọi người sửng sốt, cháu thiếu hẳn đi đôi cánh tay. Lúc này cả hai bên nội ngoại đều giấu không cho chị Tình biết vì sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Bà nội và bà ngoại cứ thay nhau săn sóc cho bé Thắm nên mẹ cháu cũng không nghi ngờ điều gì. “Hôm đó bà ngoại về bên nhà, cháu tè ra tã nên khóc tợn lắm. Tôi ngồi dậy thay mới biết con gái mình bị tật nguyền” - chị Tình kể.

 

Người mẹ trẻ đã ngất đi và để mặc cho con gào khóc cho đến khi bà hàng xóm nghe thấy. Từ đó bé Thắm trở thành tâm điểm chú ý của người dân địa phương. Cháu lớn dần, nhưng phải 6 tháng mới biết lật; một năm rưỡi tuổi mới biết trườn và hai năm sau bắt đầu tập đi; lên 4 tuổi Thắm mới nói rõ; 5 tuổi, Thắm được mẹ cho vào học lớp mẫu giáo.

 

Thấy cháu có những tố chất không khác gì các bạn, cô giáo mới thử tập cho Thắm viết những nét chữ đầu tiên bằng chân phải. Thế nhưng bàn chân trái mới là sự diệu kỳ mang lại cho em và gia đình niềm hạnh phúc. Chị Tình nói rằng thấy em viết được cả gia đình mừng lắm. May mà ông trời đã dành cho Thắm khả năng tư duy tốt, đôi bàn chân của em đã làm thay phần lớn những công việc của đôi bàn tay.

 

Tròn 6 tuổi, Thắm vào lớp 1 như tất cả các bạn cùng trang lứa và tự làm được những việc sinh hoạt cá nhân chải đầu, đánh răng, rửa mặt... đều bằng đôi bàn chân. Không dừng lại ở đó, ở trường em đã vươn lên trở thành một học sinh giỏi trong suốt hai năm qua. Giờ bé Thắm đã bước vào lớp 3. Càng lớn Thắm càng nhanh nhẹn, hoạt bát và tỏ rõ mình là một cô bé thông minh ngoan ngoãn. Ý chí và nghị lực đã giúp em vượt qua tật nguyền để nuôi dưỡng ước mơ.

 

Theo Nguyễn Anh Tuấn

Lao Động