1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Bài toán khó" ở điểm nóng ngập lụt tại Đà Nẵng

Hoài Sơn

(Dân trí) - Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng, triển khai các dự án thoát nước tại khu vực Mẹ Suốt ở thời điểm hiện nay cần phải cân nhắc kỹ, nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư, phù hợp định hướng quy hoạch sử dụng đất.

Xóm nhà "ba lá" chạy lụt

Nhằm di dời nhà ga ở trung tâm thành phố ra ngoại ô, năm 2004, Đà Nẵng quy hoạch dự án ga đường sắt (cũ) nằm ở khu vực giáp ranh các phường Hòa Khánh Nam, Hòa Minh và Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu).

Ở phường Hòa Khánh Nam, dự án này chủ yếu nằm trên đường Mẹ Suốt. Đây chính là điểm nóng của tình trạng ngập lụt tại Đà Nẵng trong 2 năm qua.

Bài toán khó ở điểm nóng ngập lụt tại Đà Nẵng - 1

Khu vực đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, bị ngập vào ngày 14/10 (Ảnh: Hoài Sơn).

Từ khi được phê duyệt quy hoạch, dự án ga đường sắt trên không được triển khai do nhiều nguyên nhân. Đến năm 2022, UBND TP Đà Nẵng đã hủy bỏ quy hoạch.

Suốt 18 năm dự án bị "treo", sự quản lý lỏng lẻo của địa phương khiến hàng loạt ngôi nhà "ba lá" (giấy tờ đăng ký sở hữu đất chỉ được cấp bởi UBND cấp phường, xã, không được cấp sổ đỏ hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền - PV) hình thành. Kéo theo đó là hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh không được đầu tư, chỉnh trang.

Khu vực đường Mẹ Suốt ở gần chợ, trường học, bệnh viện và gần khu vực nhộn nhịp của trung tâm quận Liên Chiểu. Bên cạnh đó, giá đất ở đây khá thấp nên nhiều người chọn mua nhà "ba lá".

Bài toán khó ở điểm nóng ngập lụt tại Đà Nẵng - 2

Đất xây nhà trước đây là đất nông nghiệp, cao trình thấp, không có hệ thống thoát nước (Ảnh: Hoài Sơn).

Theo ông Lê Cư Anh, Bí thư Chi bộ khu dân cư 8 Đà Sơn, năm 2004, thành phố đã có quy hoạch dự án ga đường sắt (cũ). Một năm sau khi công bố dự án, người dân có đất ven đường Mẹ Suốt bắt đầu xây nhà trên đất nông nghiệp, chia đất để bán. Theo ông Anh, có 95% người mua từ địa phương khác đến.

Chị Huỳnh Thị Nguyên Hương (39 tuổi, trú tổ 36, phường Hòa Khánh Nam) mua căn nhà nằm trong hẻm với giá 400 triệu đồng cách đây 7 năm. Khi mua, chị biết đây là đất "ba lá". "Nếu có tiền thì tôi đã ra ngoài ở, không có tiền mới mua đất "ba lá"", chị Hương nói.

Chuyển về ở tại ngõ 161, đường Mẹ Suốt vào 6 năm trước, bà Nguyễn Thị Tuyết (62 tuổi) cho rằng, thời điểm đó, bà mua khu đất này với giá 100 triệu đồng, mong muốn thoát nạn đi thuê nhà nên không nghĩ đến chuyện sẽ vướng quy hoạch và ngập lụt như vậy.

Hướng đi nào của quy hoạch phân khu?

Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay, đối với vị trí trước đây quy hoạch ga đường sắt, hiện nay, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ định hướng thành một khu sử dụng hỗn hợp để khuyến khích phát triển thương mại dịch vụ, tạo thành một trung tâm CBD (trung tâm hành chính, thương mại) mới của quận Liên Chiểu.

Khu vực này sẽ là một nút giao thông quan trọng với tuyến đường vành đai phía tây 2 và tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc nối dài, kết nối với đường Bà Nà - Suối Mơ.

Bài toán khó ở điểm nóng ngập lụt tại Đà Nẵng - 3

Người dân ở đường Mẹ Suốt tất tả dọn đồ chạy lụt trong ngày 17/10 (Ảnh: Hoài Sơn).

Thành phố đang cụ thể hóa định hướng trên trong đồ án quy hoạch phân khu ven vịnh Đà Nẵng và lõi xanh trung tâm (đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, đang tổ chức triển khai đồ án và dự kiến phê duyệt trong năm 2023).

Việc UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định hủy bỏ quy hoạch dự án ga đường sắt tại quận Liên Chiểu, đồng thời gấp rút triển khai quy hoạch phân khu là cơ sở để xác định dự án, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư tiếp theo theo đúng quy hoạch chung được duyệt, giúp giải quyết tình trạng đã tồn tại kéo dài trước đây.

Ngoài ra, quy hoạch phân khu được duyệt sẽ xác định được các khu vực dân cư giữ lại chỉnh trang (không giải tỏa) để làm cơ sở cho việc triển khai quy hoạch chi tiết nâng cấp hạ tầng, tái thiết đô thị.

Trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, kết hợp hỗ trợ kinh phí để người dân tự nâng nền nhà ở đến cao trình phù hợp, giảm tối đa ảnh hưởng của ngập úng, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Khu vực này trước đây người dân tự xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, cao trình thấp, không có hệ thống thoát nước.

Đồng thời rà soát, bổ sung, nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội; về lâu dài, từng bước đáp ứng nhu cầu, đời sống của người dân trong khu vực.

Bài toán khó ở điểm nóng ngập lụt tại Đà Nẵng - 4

Kênh thoát nước nằm ở khu vực đường Mẹ Suốt (Ảnh: Hoài Sơn).

Về phương án xử lý ngập úng trước mắt, thành phố đã giao UBND quận Liên Chiểu đề xuất giải pháp cụ thể trên cơ sở tình hình ngập tại các trận mưa vừa qua.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Sở Xây dựng, việc triển khai các dự án thoát nước tại khu vực này ở thời điểm hiện nay cần phải cân nhắc kỹ, nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư và phù hợp với định hướng quy hoạch sử dụng đất tại khu vực.

Vừa qua, Sở Xây dựng đã làm việc nhiều lần với các ban quản lý dự án và đơn vị tư vấn để nghiên cứu giải pháp thoát nước tổng thể trên địa bàn quận Liên Chiểu.

Dự kiến sẽ đầu tư bổ sung 1 tuyến thoát nước chính ra khu vực vịnh Đà Nẵng, nhằm giảm tải sông Phú Lộc (sông Phú Lộc là tuyến chính thoát ra biển của lưu vực rất lớn trên địa bàn quận Liên Chiểu, bao gồm khu vực đường Mẹ Suốt).

Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho rằng hiện nay, nếu đầu tư hạ tầng nhỏ lẻ "chắp vá" tại khu vực này, sẽ không bao giờ xử lý triệt để vấn đề ngập úng. Do đó, cần nguồn lực đầu tư lớn và có bài toán tổng thể, lâu dài, bắt đầu từ việc quy hoạch lại các khu vực trên.