1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Về nơi "điểm nóng" ngập lụt ở Đà Nẵng

Hoài Sơn

(Dân trí) - Có vị trí thấp, trũng, lưu lượng nước chủ yếu trên núi đổ về trong khi đó hệ thống thoát nước chưa đảm bảo khiến đường Mẹ Suốt (quận Liên Chiểu) luôn là "điểm nóng" ngập lụt ở Đà Nẵng.

"Tròn 1 năm con mất, nhà mình lại chạy lụt"

Đà Nẵng là một thành phố giáp biển, với hệ thống sông Cẩm Lệ, sông Cái, sông Hàn... bao bọc, về lý thuyết Đà Nẵng ít có khả năng ngập kéo dài.

Về nơi điểm nóng ngập lụt ở Đà Nẵng - 1

Một khu ngõ trên đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) bị ngập trong ngày 14/10 (Ảnh: Hoài Sơn).

Tuy nhiên, trận mưa lịch sử ngày 14/10/2022, khiến nhiều khu dân cư ở kiệt (ngõ) trên đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) ngập đến 2m. Một nữ sinh đã thiệt mạng.

Trận mưa kéo dài từ 12/10 đến 15/10 vừa qua, "điểm nóng" đường Mẹ Suốt tiếp tục ngập 1-2m. Lực lượng chức năng, quân đội, cảnh sát phải sơ tán hơn 4.000 người dân.

Đặt bó hoa lên bàn thờ con gái, chị Huỳnh Thị Nguyên Hương (39 tuổi, trú tổ 36, phường Hòa Khánh Nam) lại bật khóc vì nhớ con. Ngày 14/10 năm ngoái, cô con gái 17 tuổi của chị đã mất khi cố đưa em trai 6 tuổi vượt khỏi dòng nước lũ. Năm nay, đúng ngày 14/10, nhà chị lại ngập nước.

"Đợt này, tôi đưa mấy đứa nhỏ đi sơ tán, còn tôi ở lại cùng bàn thờ bé lớn. Tôi không muốn bỏ con ở lại nhà trong nước lụt nữa", chị Hương nghẹn giọng.

Về nơi điểm nóng ngập lụt ở Đà Nẵng - 2

Chị Hương bật khóc khi nhớ lại trận ngập lịch sử năm 2022 (Ảnh: Hoài Sơn).

Trận mưa lịch sử năm 2022, phường Hòa Khánh Nam có tổng cộng 3 người chết. Ngoài trường hợp con gái chị Hương, còn có 2 cha con ở tổ 45, đường Hoàng Văn Thái.

"Sợ" là từ mà anh Bùi Văn Lộc, Tổ trưởng tổ dân phố 36 (phường Hòa Khánh Nam), nghĩ đến đầu tiên khi nói về trận ngập 14/10 năm ngoái.

Trong ký ức của ông Lộc, ngày 14/10 năm ngoái, trời có mưa lớn nhưng cứ tưởng như mọi lần nước sẽ không dâng cao. Nhưng rồi khoảng 18h, nước bắt đầu dâng cao khiến ai cũng bị động trong việc chống ngập.

Về nơi điểm nóng ngập lụt ở Đà Nẵng - 3

Mực nước dâng tại nhà chị Hương vào trận ngập tháng 10/2022 (Ảnh: Hoài Sơn).

Anh Lộc hỗ trợ bà con xong, khi quay về thì đồ trong nhà hư "không còn gì hết", mặc dù nhà anh thuộc khu cao nhất ở tổ.

Ở nhà mình, anh Lộc nhìn ra cửa sau tầng hai thì "chảy nước mắt" với cảnh tượng nhiều người ngồi trên nóc nhà, tiếng kêu cứu khắp nơi. Nhưng may mắn, hầu hết mọi người đều bảo toàn tính mạng đến khi nước rút.

Trong đợt ngập vừa rồi, anh Lộc nhận định mực nước ngập thấp hơn năm 2022 và không thiệt hại nhiều vì người dân đã chủ động hơn trong việc ứng phó và di tản khi có mưa lớn.

Nguyên nhân nào tạo thành "điểm nóng" ngập?

Ghi nhận của phóng viên, cả khu vực ngập có 1 kênh thoát nước, con kênh này rộng khoảng 10m, dòng nước chảy ngoằn nghèo qua các khu dân cư, trước khi đổ ra sông Phú Lộc và thoát ra biển.

Vào thời điểm mưa lớn, nước lũ chảy qua khu dân cư cuốn theo đủ loại rác thải. Rác bám vào cống khiến việc thoát nước hạn chế.

Bên cạnh đó, nơi này từng nằm trong quy hoạch ga đường sắt cũ nên hạ tầng chưa được đồng bộ và việc xây nhà "ba lá" (giấy tờ nhà đất trước đây do UBND phường, xã ký xác nhận) cũng là một phần khiến việc thoát nước trở nên hạn chế.

Về nơi điểm nóng ngập lụt ở Đà Nẵng - 4

Kênh thoát nước nằm ở khu vực đường Mẹ Suốt (Ảnh: Hoài Sơn).

Anh Lộc (Tổ trưởng tổ dân phố 36) cho rằng, nguyên nhân khu vực này bị ngập là do dòng chảy bị hạn chế, khu vực thoát nước kênh Đa Cô có dòng chảy thu hẹp vì bị lấn chiếm.

Đồng quan điểm này, ông Lê Cư Anh, Bí thư Chi bộ khu dân cư 8 Đà Sơn, cũng cho rằng khu vực thoát nước thuộc kênh Đa Cô bị thu hẹp do xây dựng lấn chiếm. Dự án quy hoạch ga đường sắt "treo" lâu năm cũng khiến thành phố chưa đầu tư hạ tầng thoát nước.

Theo ông Anh, năm 2004, thành phố đã có quy hoạch dự án ga đường sắt nằm ở khu giáp ranh ba phường Hòa Khánh Nam, Hòa Minh và Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu). Ở phường Hòa Khánh Nam, dự án chủ yếu nằm trên đường Mẹ Suốt.

Một năm sau khi công bố dự án, người dân có đất ven đường Mẹ Suốt bắt đầu xây nhà trên đất nông nghiệp, chia đất để bán. Theo ông Anh, có 95% người mua từ địa phương khác đến.

Người dân nhiều lần kiến nghị lên thành phố, nhưng được trả lời đã quy hoạch dự án, dân xây nhà "chui", nguồn gốc đất không rõ ràng nên không thể đầu tư hạ tầng.

Về nơi điểm nóng ngập lụt ở Đà Nẵng - 5

Lực lượng chức năng cứu hộ đưa người dân từ vùng ngập sâu ở đường Mẹ Suốt ra ngoài (Ảnh: Hoài Sơn).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Ngô Tiến Dũng, Bí thư phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), cho hay, đợt ngập năm nay nhẹ hơn năm trước.

Toàn phường có 12 vị trí ngập 0,5-1m, 6 vị trí ngập dưới 0,5m, 8 vị trí ngập 1-2m, nơi ngập nặng là khu vực Mẹ Suốt. Khu vực này có vị trí thấp, trũng, hạ tầng chưa được đồng bộ, lưu lượng nước chủ yếu trên núi đổ về, trong khi đó hệ thống thoát nước chưa đảm bảo.

Ông Dũng có nêu ví dụ, hệ thống kênh chưa đảm bảo như cầu qua kênh Đa Cô (ngay đường quốc lộ 1), hiện nay mặt cống bằng với mặt đường, lẽ ra trong quy hoạch cống phải cao hơn, trong khi đó hạ lưu lại bị thu hẹp khiến thoát nước chậm. Bên cạnh đó, mưa lớn cùng thủy triều lên nên nước dâng gây ngập.

Cần tái thiết quy hoạch để hết ngập

Bí thư phường Hòa Khánh Nam cho hay, trong đợt ngập vừa qua, phường đã sơ tán hơn 4.000 hộ dân, trong đó có 156 hộ sơ tán tập trung.

Ông Dũng nhìn nhận, qua đợt lũ 14/10/2022, người dân cũng đã chủ động, ưu tiên sơ tán tại chỗ.

Về nơi điểm nóng ngập lụt ở Đà Nẵng - 6

Người dân ở trong các ngõ đường Mẹ Suốt chủ động kê cao đồ đạc để tránh ngập (Ảnh: Hoài Sơn).

Theo ông Dũng, năm ngoái đương nhiên đến giờ cao điểm đã bị cô lập, tuy nhiên nhờ các đơn vị bộ đội, các Bí thư chi bộ, Tổ dân phố thực hiện "4 tại chỗ".

"Từ việc này, phường cũng cảnh báo nhân dân, trước đây sơ tán rất khó, nhưng giờ người dân "sợ" nên vừa rồi nhân dân chấp hành đi sơ tán", ông Dũng nói.

Sau trận ngập 2022, phường đã rút kinh nghiệm. Năm nay, phường đã vận động để trang bị áo phao đến từng người dân, phao tròn, thúng ghe, dây thừng, thành lập các tổ xung kích sẵn sàng ứng phó ngập hiệu quả.

Về nơi điểm nóng ngập lụt ở Đà Nẵng - 7

Người dân trên đường Mẹ Suốt tất tả dọn bùn non khi nước rút (Ảnh: Hoài Sơn).

Ông Dũng cho rằng, về lâu về dài, nên tái thiết quy hoạch. "Để như thế này thì phường vất vả liên tục", ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng kiến nghị nhanh chóng làm các tuyến kênh hở và về căn cơ, thành phố sớm thực hiện quy hoạch phân khu.

Về việc hầu hết người dân ở khu Mẹ Suốt mong muốn được cho phép nâng cao cốt nền, ông Dũng cho rằng, cách này vừa tốn kém lại có khi gây tác dụng ngược, phá vỡ quy hoạch.

"Hàng loạt người dân làm như thế thì thành một cái đập ngăn nước, ở dưới được thì ở trên sẽ bị úng nước", ông Dũng giải thích.