1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bãi miễn tư cách đại biểu với bà Châu Thị Thu Nga tại kỳ họp Quốc hội này

(Dân trí) - Xác nhận về việc Quốc hội sẽ đưa ra biểu quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu với bà Châu Thị Thu Nga tại cuộc họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 9, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định, sự việc của nữ đại biểu này rất đáng tiếc.

Đến thời điểm này vẫn chưa có chương trình cụ thể cho từng ngày, từng nội dung làm việc của Quốc hội kỳ họp thứ 9 nên chưa biết việc biểu quyết bãi miễn với bà Nga sẽ tiến hành vào ngày nào.

Đặt trong bối cảnh Quốc hội đang cố gắng nâng tỷ lệ đại biểu nữ lên mà trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII, ông Phúc đánh giá đến nay đã có 2 nữ đại biểu phải đi đến bước quyết định cuối cùng này (trước trường hợp của bà Châu Thị Thu Nga, Quốc hội cũng đã bãi miễn tư cách đại biểu với bà Đặng Thị Hoàng Yến) là thực sự đáng tiếc. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây đều là những người tự ứng cử.

“Đại biểu Nga đã có những hoạt động vi phạm pháp luật, không còn tín nhiệm trước cử tri nữa nên vừa qua Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội và Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã cũng ra văn bản đề xuất bãi miễn với đại biểu Nga. Trước đó, UB Thường vụ Quốc hội cũng đã thống nhất tạm đình chỉ hoạt động của đại biểu Quốc hội đối với bà Nga (trước khi bà Nga bị khởi tố, bắt giam – PV). Vì thế, theo quy định Quốc hội sẽ đưa ra xem xét việc bãi miễn đối với nữ đại biểu trong kỳ họp này” – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

Về mức độ hành vi phạm tội của bà Nga, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc đáp, đó là việc của cơ quan điều tra, đến nay cũng chưa có thông tin cụ thể.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Về nhiệm vụ giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Đây là một dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tại kỳ họp trước, Chính phủ đã trình xin ý kiến về Báo cáo đầu tư dự án. Trong giai đoạn xây dựng báo cáo này, Chính phủ đã trình, cung cấp một cách tương đối chuẩn xác tình hình, số liệu để chứng minh có sức thuyết phục về các phương án đưa ra về địa điểm lựa chọn xây dựng sân bay (Long Thành- Đồng Nai; sự phù hợp của dự án với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh; vấn đề sử dụng đất, phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư; việc lựa chọn công nghệ, kỹ thuật và mô hình quản lý, vận hành, khai thác; tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư (đặc biệt là vấn đề huy động các nguồn vốn đầu tư của xã hội, khả năng hoàn vốn)…

Kỳ này, Chính phủ sẽ báo cáo giải trình bổ sung đối với những nội dung đã được góp ý trong báo cáo đầu tư dạ án. Một số vấn đề Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, thảo luận là sự cấn thiết của dự án và các phương thức đầu tư; tổng mức đầu tư; phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư; diện tích sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; về chồng lấy vùng trời bay… sao cho khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của ngành hàng không Việt Nam và khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển.

Trả lời thêm câu hỏi liên quan đến dự án này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, Trung ương Đảng đã có chủ trương phải làm, phải đầu tư dự án này, từ Hội nghị 4 chứ không phải đến Hội nghị 11 vừa diễn ra mới bàn thảo. Tuy nhiên, đây mới là quan điểm, chủ trương chung, còn việc Quốc hội cho ý kiến cụ thể là về cách làm, về phương thức đầu tư, sử dụng vốn, sử dụng đất… làm sao để đảm bảo hiệu quả của dự án.

“Không phải là TƯ quyết rồi thì các đại biểu, Quốc hội không thể có ý kiến khác mà TƯ Đảng cũng có mong muốn Quốc hội đóng góp cho đề án đầu tư xây dựng sân bay này” – ông Phúc nói.

Trong 31 ngày làm việc, dự kiến Quốc hội thông qua 11 luật, 1 Nghị quyết, cho ý kiến với 4 bộ luật sửa đổi, 11 dự án luật.

Đây là lần đầu, Quốc hội thảo luận về luật trưng cầu ý dân. Luật nhằm phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân, góp phần tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước.

Đây được xem là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của nền dân chủ XHCN Việt Nam bởi từ Hiến pháp 1946 đến nay, vấn đề trưng cầu ý dân mới được cụ thể hoá thành luật của Quốc hội.

Dự thảo luật được thiết kế gồm 9 chương, 58 điều với các nội dung chính về đề nghị trưng cầu ý dân, quyết định trưng cầu ý dân, tổ chức trưng cầu ý dân; các tổ chức phụ trách trưng cầu ý dân; danh sách cử tri và khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân; tuyên truyền trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân; kết quả trưng cầu ý dân; xử lý vi phạm về trưng cầu ý dân và điều khoản thi hành.

Được biết, cùng với luật Trưng cầu ý dân, luật Biểu tình cũng là một yêu cầu, đòi hỏi đặt ra để người dân thực hiện quyền của mình theo quy định của Hiến pháp 2013. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chính là người đề xuất sớm làm luật Biểu tình. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Chính phủ đã xin rút luật Biểu tình khỏi chương trình xây dựng luật của khoá này. Luật Trưng cầu ý dân đã chuẩn bị kỹ hơn, được “làm” trước.

Quốc hội cũng nghe báo cáo của UB Thường vụ về kết quả giám sát chuyên đề tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trọng hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo, những năm gần đây, tình hình phạm tội tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, số người phạm tội. Về cơ bản, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các cơ quan đã triển khai áp dụng nhiều biện phá để chấn chỉnh khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; nhờ đó tình hình oan, sai đã giảm so với trước đây. Tuy số người bị oan không nhiều, các trường hợp sai phạm đã hạn chế đáng kể và giảm dần theo từng năm nhưng so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì việc phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Về tình hình oan, sai, cơ quan giám sát nhận định trách nhiệm thuộc về Cơ quan điều tra; trách nhiệm cơ quan Bộ đội biên phòng, Hải quan, kiểm lâm và Cảnh sát biển; trách nhiệm của Viện kiểm sát; trách nhiệm của Toà án. Báo cáo cũng chỉ ra nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan của tình hình oan, sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

P.Thảo

Dòng sự kiện: Vụ án Châu Thị Thu Nga