1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bài hát dung tục sẽ ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống trẻ em

(Dân trí) - “Phát tán bài hát có nội dung dung tục sẽ ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của trẻ em. Mà thực tế những cái xấu lại còn dễ tiếp nhận hơn cái tốt”, đại biểu Quốc hội Đào Trọng Thi trăn trở.

Ngày 18/6, bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên, nhi đồng - đã trao đổi với báo chí những vấn đề xung quanh các bài hát có nội dung dung tục đang lan truyền trên một số trang mạng thời gian qua.
Bài hát dung tục sẽ ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống trẻ em
Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên, nhi đồng đã trao đổi với báo chí (Ảnh Việt Hưng)

Gần đây trên một số trang mạng xuất hiện các bài hát mang nội dung dung tục. Là người đứng đầu Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, ông nghĩ gì về hiện tượng này?

Đăng tải nội dung dung tục như vậy không thể chấp nhận được vì nó ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Để đối phó với tình trạng này, trước hết chúng ta vẫn phải dùng dư luận xã hội. Tất nhiên, khi nó đã đi quá đà thì cơ quan quản lý văn hóa có thể xử lý về mặt hành chính.

Những bài hát có nội dung dung tục được phát tán trên các trang mạng, ông có lo ngại nó ảnh hưởng xấu đến lối sống của giới trẻ hiện nay không?

Việc phát tán những bài hát có nội dung dung tục như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của trẻ em. Trong xã hội tiếp cận internet dễ dàng như hiện nay, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Mà thực tế những cái xấu lại còn dễ tiếp nhận hơn cái tốt.

Như vậy cần phải xử lý nghiêm những đối tượng đăng tải bài hát có nội dung dung tục?

Nội dung bài hát đó đã vi phạm những tiêu chuẩn đạo đức, thuần phong mỹ tục. Do vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật, chúng ta có thể xử lý. Đặc biệt, khi nó đã vượt ngưỡng thì phải xử lý về mặt hành chính.

Tuy nhiên, tôi cũng phải nói thật là không dễ để quản lý nội dung trên internet. Lý do điều kiện trang thiết bị kỹ thuật, quy mô đội ngũ quản lý của chúng ta rất khó khăn. Do vậy, trước mắt chúng ta nên tập trung xử lý nghiêm những vấn đề tương đối tiêu biểu. Đối với những cái “lặt vặt” phải dùng biện pháp giáo dục, tuyên truyền và dùng cái tích cực trong xã hội để đấu tranh lại cái tiêu cực.

Thực tế, các quy định hiện hành cũng rất chặt chẽ để xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn có hàng loạt “rác văn hóa” lọt qua?

Như tôi đã nói, thanh tra ngành văn hóa vẫn phải áp dụng các biện pháp để xử lý vì nó vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức lối sống và làm méo mó tiếng Việt. Nhưng hiện nay mình khó xử lý vì năng lực của đội ngũ quản lý còn mỏng, yếu nên chưa thể quan sát được hết. Hơn nữa, đây là một dạng vi phạm rất khó nắm bắt, có khi mình được tin thì họ đã đổi rồi, trong khi lại lan truyền rất nhanh trên các trang mạng xã hội.

Trước sự ảnh hưởng xấu của những thứ gọi là “rác văn hóa” hiện nay tràn lan trên các trang mạng, liệu Ủy ban có vào cuộc cùng các Bộ, ngành để xử lý không?

Trước hết, để xử lý vấn đề này vẫn phải dùng biện pháp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, khi nó đã phát triển mạnh mẽ đến mức pháp luật phải tham gia vào để quản lý thì Ủy ban sẽ có những chuyên đề để làm việc.

Hiện nay, Ủy ban có khảo sát, đáng giá về việc giới trẻ sử dụng ngôn ngữ thô tục trong đời sống hay không và làm sao để kiểm soát nó?

Các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban nói riêng vẫn quan tâm chủ yếu đến các vấn đề vĩ mô trong việc thực thi pháp luật. Chúng tôi chưa đặt ra vấn đề khảo sát này, tuy nhiên nếu nó nóng đến mức tác động đến việc hình thành đạo đức, nhân cách lối sống của trẻ em thì nó lại trở thành nội dung được ưu tiên. Khi đó Ủy ban sẽ khảo sát, hoặc giám sát chuyên đề về vấn đề này. Nếu như đã tổ chức các biện pháp như vậy thì mình phải hình thành chính sách mới, thậm chí những quy định pháp luật để quản lý vấn đề này tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (ghi)