Đại biểu Quốc hội nói về vụ ca từ thô tục, kích dục

(Dân trí)- Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến trao đổi với PV Dân trí xung quanh vụ ca khúc thô tục như “Phiếu bé ngoan” hiện được đăng tải, lan truyền trên các trang mạng gây phản ứng, bức xúc trong dư luận.

 
Đại biểu Quốc hội nói về vụ ca khúc dung tục, phản cảm
Đại biểu Lê Như Tiến: "Rác" lan tỏa tới hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn công chúng, tác hại rất lớn". 

Bộ VH, TT&DL vừa chính thức lên tiếng về vụ ca khúc rap “Phiếu bé ngoan” và nhiều ca khúc khác có ca từ thô tục, kích dục được đăng tải công khai trên nhiều website nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam. Bộ đã khẳng định sẽ xử lý sự việc đến cùng nhưng việc lại thêm một thứ “rác văn hóa” lọt cửa kiểm soát chứng tỏ quy chế quản lý trong lĩnh vực này vẫn nhiều lỗ hổng, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng tất cả các hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã có quy chế do Bộ Văn hóa ban hành. Chúng tôi ở UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cũng đã góp ý cho Bộ rất nhiều về việc xây dựng quy chế và làm việc, xử sự theo quy chế. Hiện tại, tất cả các hoạt động văn hóa nghệ thuật, từ vấn đề hình thức như nghệ sỹ ăn mặc hở hang, phản cảm, sân khấu thiết kế vi phạm đến nội dung như biểu diễn các bài hát không đúng với thuần phong mỹ tục, giá trị nhân văn, giá trị xây dựng con người thấp… đều có những hình thức xử lý nhất định như thổi còi, quyết định ngừng biểu diễn… Bài hát nói chung có nội dung phản cảm, giá trị thẩm mỹ chưa cao, giá trị nhân văn rất thấp thì phải ngăn chặn được trước khi đưa ra công chúng.

Như ông nói, câu chuyện ở đây là bài hát được thể hiện bởi các ca sĩ có tên tuổi, nổi tiếng, thu hút giới trẻ như Yanbi, Bueno, Mr.A, Mr.T… mà thu âm từ lúc nào, tổ chức sản xuất ra sao không ai hay. Chỉ khi sản phẩm được đưa công khai trên các trang nhạc trực tuyến, qua báo chí phản ánh, Bộ VH, TT&DL mới nắm được thông tin, thổi còi. Có vướng mắc gì trong quy trình khi đáng ra, những thứ “rác” này phải được chặn trước khi đổ vung ra giữa chốn công cộng, gây ô nhiễm rồi cơ quan chức năng lại phải đi gom, dọn lại?

Khi thông qua chương trình hoặc cấp các thủ tục để nghệ sỹ biểu diễn, sản xuất, tôi chắc cơ quan quản lý nhà nước đã phải xem xét xem họ biểu diễn gì, nội dung thế nào. Tôi sợ trường hợp hoặc là do buông lỏng, hoặc là người ta đăng ký một đằng nhưng hoạt động biểu diễn thực sự lại diễn ra kiểu khác. Với việc họ đăng ký – biểu diễn theo kiểu gian lận để trốn kiểm soát, biểu diễn theo tinh thần hoặc lời nhạc khác thì cũng phải xem xét, lỗi chính là ở các ca sỹ và người tổ chức sản phẩm biểu diễn đó.

Còn trường hợp dù biết rõ nội dung mà cơ quan cấp phép vẫn chấp nhận cho biểu diễn thì đó là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước.

Như lý giải của cơ quan quản lý, lỗi ở đây là của các website nghe nhạc trực tuyến đã đăng tải, công bố những sản phẩm âm nhạc này khiến đông đảo công chúng vô tình phải tiếp xúc với “rác”. Cách giải thích này, nhiều người cho là chưa tròn trách nhiệm?

Tôi cho là bài hát đó, với nội dung không lành mạnh thì việc các trang nghe nhạc đưa lên hay không đưa lên thì cũng đã có cái sai từ gốc vì dù không phải đông đảo công chúng có thể tiếp cận mạng mà chỉ một vài người khán giả tiếp nhận văn hóa ấy cũng đã không nên. Còn việc lan tỏa của “rác” tới hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn công chúng thì tác hại của nó sẽ lớn hơn nhiều.
 
Hai ca sỹ Yanbi và Mr.T trong đêm Young Music tại Hải Phòng cuối năm 2013
Hai ca sỹ Yanbi và Mr.T trong đêm Young Music tại Hải Phòng cuối năm 2013

Có một số ý kiến biện giải, đây là một dòng nhạc thực tế có mặt trong cuộc sống, dù không chính thống, không phải là đại chúng, các nghệ sỹ cũng học tập xu hướng này từ Âu, Mỹ về. Sự tồn tại của loại nhạc này cần được chấp nhận như một nhu cầu có thật của cả nghệ sỹ và khán giả nghe nhạc?

Tôi cho là không phải cái học nào cũng áp dụng vào Việt Nam được vì truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục, các quy định về chuẩn văn hóa của Việt Nam không chấp nhận hình thức thể hiện nghệ thuật như thế. Không thể mang mọi đặc trưng văn hóa ở phương Tây vào áp dụng được. Ví dụ, trong đời sống xã hội phương Tây khá phổ biến, được chấp nhận như chuyện bình thường những hoạt động mà như ở ta coi là tệ nạn xã hội. Mỗi quốc gia có những quy định riêng nên cách biện giải là “học hỏi” như thế không xác đáng.

Còn ở một chừng mực nào đó, tầng văn hóa khác đi, nhận thức khác đi, xu hướng chung thay đổi thì chúng ta xem xét điều chỉnh sau còn trong thời điểm hiện nay, cần thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Trước đây, cuối năm 2013, Bộ Văn hóa đã từng phạt ca sĩ Yanbi và Mr.T 10 triệu đồng khi biểu diễn ca khúc Thu cuối bị dư luận lên án gay gắt bởi ngôn từ tục tĩu tại một đêm nhạc ở Hải Phòng. “Dính án” lần này, biện pháp xử lý của cơ quan chức năng nên theo hướng nào khi việc phạt tiền rõ ràng đã tỏ ra không mấy tác dụng?

Quy định xử lý hành chính trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có nhiều mức, không chỉ có tiền mà có cả những quy định về cấm biểu diễn trong khoảng thời gian nhất định, công khai sự việc lên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí nếu vi phạm nghiêm trọng thì có thể không cho biểu diễn vĩnh viễn. Việc này chúng ta cần chờ để các cơ quan quản lý xem xét quyết định.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm