1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bài 2: Thiếu thốn trăm bề trước mùa khai giảng

(Dân trí) - Trường mầm non gần bãi tha ma, trường tiểu học “bao vây” đình làng, phòng học phải dùng bạt hứng mưa, sân trường không đủ chỗ cho học sinh xếp hàng… là tình cảnh của một số trường học mà chúng tôi có dịp ghé thăm.

Trường trú “tạm” bên đình làng, nghĩa địa

 

Tiếp tục chuyến đi, chúng tôi ghé vào cơ sở 2 trường mầm non An Cựu, đường Nguyễn Khoa Chiêm, phường An Cựu, TP Huế. Con đường đi vào không xa nhưng hơi khấp khuỷu với nhiều mồ mả xung quanh.
 
Bài 2: Thiếu thốn trăm bề trước mùa khai giảng - 1
Trường mầm non An Cựu ngay sát nghĩa địa nên ngày càng vắng học sinh.

 

Trong lớp chỉ vỏn vẹn có 17 em với 3 cô giáo dạy trẻ. Phòng học có sức chứa hơn 70 em nhưng đã từ lâu nay, con số học sinh tuổi mẫu giáo và nhà trẻ chỉ dao động không quá 30. Điều này đã làm trường thất thu một khoản đáng kể và luôn bị thiếu chỉ tiêu khi báo cáo kết quả cuối năm lên Phòng Giáo dục đào tạo TP Huế.

 

Nguyên do chính là trường nằm quá khuất trong xóm, vị trí không phù hợp với độ tuổi mầm non khi sau lưng là cả một bãi tha ma rộng với hàng trăm ngôi mộ. Cô Nguyễn Thị Tài, Hiệu trưởng trường mầm non An Cựu cho biết, đã đề xuất vấn đề lên cấp trên và đã được sự đồng ý, nhưng phải… chờ đợi.

 

Dù trường đã điều chỉnh học phí cho đúng với đời sống  người dân, một năm chỉ thu 410 ngàn đồng, đủ tiền ăn cho các em, nhưng phụ huynh cũng không cho con em đi học vì sợ “hơi” từ nghĩa địa ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cháu.

 

Cùng chung với hoàn cảnh với trường An Cựu là trường tiểu học Phú Hiệp. Ngôi trường này khá “độc đáo” khi có 3 dãy phòng học và nhà hiệu bộ nằm ôm lấy đình làng Thế Lại Thượng, phường Phú Hiệp. Do không có quỹ đất nên có rất nhiều vấn đề xảy ra.

 

Giờ chào cờ đầu tuần, học sinh và giáo viên luôn trong tình trạng “chen chân không lọt” vì sân trường quá hẹp. Đến giờ sinh hoạt đội toàn trường, Tổng phụ trách đội không tìm đủ chỗ cho số lượng gần 400 học sinh nên đành phải chia thành 2 nhóm sáng - chiều để sinh hoạt.

 

Vì nằm sát sông đào Đông Ba và ở vị trí thấp, hễ lụt to hay nhỏ, trường lại đầy nước trong sân, ngoài đường thì lội ngang ngực. Vì thế nên năm nào trường cũng xin khai giảng sớm trước 1-2 tuần để khi mùa lụt về các em được nghỉ hàng tuần tránh lụt.

 

Thầy cô ra sân… tát nước

 

Có lẽ “cơ cực” nhất trong số các trường học chúng tôi từng khảo sát trong chuyến đi này là trường Tiểu học Phú Tân - trường có số lượng học sinh vào học đông nhất tại huyện Phú Vang với trên dưới 850 em/năm học.

 

Được xây dựng từ năm 1956, đến nay trường vẫn còn lại một dãy 14 phòng học xập xệ với bàn ghế cũ mèm, cái gãy chân, cái lủng liểng, bàn giáo viên cũng gần sập vì đã quá lâu không sửa. Nền lớp học thì không thể đếm hết những hố lõm lớn nhỏ nằm chi chít. Hàng ngày, học sinh ở đây vừa học vừa phải… ngửi mùi xú uế từ trại lợn gia đình của các hộ dân bên cạnh…
 
Bài 2: Thiếu thốn trăm bề trước mùa khai giảng - 2
Tại trường Tiểu học Phú Tân, 9 phòng đang phải che bạt như thế này “chào đón” học sinh trong năm học mới

 

Tại các vách tường, nhiều đường nứt đã lộ ra từ chân đến mái, có nguy cơ sập khi bão lớn. Riêng có 9 phòng phải che bạt từ mùa nắng qua mùa mưa vì mái ngói đã hư hại gần hết, mỗi khi mưa xuống, cả cô lẫn trò lại phải chạy đi tìm xô chậu hứng nước mưa.

 

“Chúng tôi đã đề nghị lên Sở GD & ĐT tỉnh TT-Huế cho sửa lại dãy phòng này vì quá lo sợ mùa lụt bão đang đến gần mà trường thì không biết lúc nào sẽ bị “thổi” đi bởi nước to gió lớn”, thầy Nguyễn Đình Lượng, hiệu trưởng trường cho biết

 

2 trường tiểu học Phú Cát và Phú Bình thuộc TP Huế cũng “thấp thỏm” lo sợ vì mùa khai giảng sắp đến cũng là mùa mưa, thầy cô sẽ phải tái diễn “cảnh” ra sân múc nước, tháo nước do cả 2 trường đều nằm trong địa bàn thấp trũng, hàng năm luôn bị ngập úng khi mưa xuống.

 

Tại trường THCS Thống Nhất, toàn bộ gần 80 thầy cô giáo phải đi chung trong một nhà vệ sinh với các điều kiện không đảm bảo. Trường THCS Lý Tự Trọng cũng chỉ có duy nhất 1 nhà vệ sinh cho 17 lớp học, nằm tách biệt ở ngoài các phòng học, hễ mưa là phải đội áo mưa chạy… Trường tiểu học Kim Long 1 thì quá thiếu phòng học nên hiện vẫn là trường tiểu học duy nhất trên địa bàn TP Huế cho học sinh học 1 buổi/ngày.
 
Một số hình ảnh “thảm thương” của các ngôi trường trên địa bàn TP Huế trước mùa khai giảng năm học mới:
 
Bài 2: Thiếu thốn trăm bề trước mùa khai giảng - 3

Tấm biển hiệu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” sắp... rụng.

Bài 2: Thiếu thốn trăm bề trước mùa khai giảng - 4

Trường Tiểu học Phú Hiệp “trú” trong một đình làng

Bài 2: Thiếu thốn trăm bề trước mùa khai giảng - 5

Đình làng trở thành.. kho chứa đồ của trường

Bài 2: Thiếu thốn trăm bề trước mùa khai giảng - 6

Mái phòng học thủng nhiều chỗ

Bài 2: Thiếu thốn trăm bề trước mùa khai giảng - 7

Bục giảng

Bài 2: Thiếu thốn trăm bề trước mùa khai giảng - 8

Bàn ghế học sinh

Bài 2: Thiếu thốn trăm bề trước mùa khai giảng - 9
Tường nứt ngang dọc.

 

Ông Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng phòng GD & ĐT TP Huế cho biết, mỗi năm thành phố đã trích ra từ 60 - 70 tỷ đồng cho việc đầu tư cơ sở vật chất trường học khối mầm non, tiểu học, THCS, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ. “Những trường nào bị thiếu cơ sở, trang thiết bị “đột xuất” cần làm báo cáo gửi lên phòng GD & ĐT cuối dịp nghỉ hè để đoàn về kiểm tra gấp và có phương án ứng cứu”, ông Hòa cho biết.

 

Theo hiện trạng xây dựng cơ bản trường học tại tỉnh TT-Huế năm 2010, vẫn còn đến 16 trường, trung tâm cần đầu tư với số vốn 88,5 tỷ, chủ yếu là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Có 4 trường, trung tâm đề nghị cấp đất xây dựng tại địa điểm mới nhưng cho đến nay vẫn chưa có quyết định cụ thể, phải chờ đến kế hoạch năm 2011.

 

Mùa học mới đang gần kề, vấn đề trường học đang được đặt ra như một dấu hỏi lớn cho các cấp lãnh đạo của tỉnh, sở ban ngành khi vẫn còn quá nhiều trường học xập xệ, không đáp ứng được nhu cầu dạy và học của giáo viên lẫn học sinh.

 

Đại Dương