1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bài 1: “Phập phồng” nỗi lo trường… sập

(Dân trí) - Tình trạng hạ tầng cơ sở xuống cấp nghiêm trọng với đủ kiểu hư hại từ nhỏ đến lớn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cũng như tinh thần dạy và học của thầy và trò tại nhiều trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Trường em dễ sập lắm!

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Tiểu học Dương Nổ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang. Trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 1999. Chưa tới ngày học nên rất ít học sinh. Duy chỉ có một nhóm học sinh đang tập hát ở phòng Đoàn đội.

Do trường vắng nên rất dễ quan sát các vị trí hư hỏng nặng ở hai dãy phòng sau cổng ra vào. Đi trên dãy hành lang, nhìn lên sẽ bắt gặp đủ loại đường nứt, chi chít đan vào nhau thành từng rãnh dài. Những cây cột chống trần hành lang nứt nẻ lộ cả sắt ở trong, thậm chí có cột ở phần dưới bị mài mòn gần hết, đường kính còn lại 1/3 so với ban đầu, có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.
 
Bài 1: “Phập phồng” nỗi lo trường… sập - 1
Những cây cột chống trần chỉ còn 1/3

Tại bờ tường trong và ngoài 12 phòng học ở đây, tường xuống cấp rất thảm hại, nhiều mảng tường bong ra lộ những miếng bờ lô. Có phòng còn bị nứt toác ra hai mảng tường, thấy cả… cây cối bên ngoài. Mái ngói bị xệ xuống, những viên ngói sắp rớt nằm cả một hàng dài có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào cho cả giáo viên lẫn các em học sinh nhỏ.

Em Đoàn Quốc Dũng, lớp 3B nói với chúng tôi “Cách đây 5 tháng, khi em đi ra hành lang đến nhà vệ sinh lúc đổi tiết bỗng một viên đá to rớt từ trần xuống cách em nửa mét. Em sợ quá, từ đó đi đâu cũng phải ngước nhìn lên trên xem thử có gì rớt nữa không”.

Em Trần Thị Ái Linh (lớp 3C) và nhóm bạn nữ luôn miệng nói với chúng tôi “trường chúng em dễ sập lắm. Cứ thấy đá từ trần và tường bong ra rớt hoài à. Em và mấy bạn đây rất sợ khi học ở trường lắm”.

Trao đổi với thầy Trần Lộc, hiệu phó trường Tiểu học Dương Nỗ được biết,  cả 12 phòng học trên trường nứt nẻ đã lâu nhưng chưa làm lại được vì kinh phí tuyến trên rót về trường có hạn, dù trường đã nhiều lần đề nghị sửa chữa. Tuy nhiên do số lượng học sinh đã nhận vào đủ với tiêu chuẩn của trường nên vẫn phải cho các em ngồi vào học ở các phòng thiếu điều kiện này.

Hết nứt tường rồi đến dột nước
 
Trường chuẩn quốc gia Nguyễn Huệ được công nhận vào năm 2006 nhưng đến nay vẫn có một dãy phòng 10 phòng học được xây dựng cách đây 46 năm đã hư hỏng rất nhiều.
 
Qua khảo sát, rất nhiều mảng trần bị tróc, cả những gờ mái giao nhau giữa hai dãy cũng đã bị lòi cột sắt ra ngoài. Trong 5 năm nay, trường cứ “thấp thỏm” chờ vốn từ sở GD & ĐT tỉnh nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Và giải pháp tạm thời là …vá tường tạm.
 
Bài 1: “Phập phồng” nỗi lo trường… sập - 2
Cột trụ xuống cấp, lộ cả lõi sắt bên trong

Có vài lần trong giờ học, đột nhiên vài mảng xi măng từ trần rớt xuống, may mà không ai bị thương. Nhưng cũng từ đó, tâm lý giáo viên lẫn học sinh đều hơi bất ổn mỗi khi vào lớp học. Ngoài ra, sân trường Nguyễn Huệ cũng đầy ổ gà nhỏ trên nền xi măng đã lở loét khá nặng, không ít lần thầy cô đi dạy đã “vồ ếch”, phải nghỉ dạy cả buổi.

Mang tiếng là THPT chuyên, đạt chuẩn quốc gia hàng chục năm nay nhưng ở trường Quốc Học cũng đang có nhiều phòng học bị thấm dột cần được duy tu bảo dưỡng. Trường thừa hưởng lối kiến trúc Pháp và cũng đã sửa chữa lại trên 10 năm nên tình trạng xuống cấp cũng là điều dễ hiểu.

Cả hai trường Nguyễn Huệ và Quốc Học đều nằm trong danh mục “cần đầu tư” theo Báo cáo “Tình hình xây dựng cơ bản năm 2010 và nhu cầu những năm tiếp theo” của sở GD & ĐT tỉnh TT-Huế với tổng kinh phí 7,5 tỷ. Nguồn vốn để đầu tư theo ông Nguyễn Duy Hân, trưởng phòng Kế hoạch Hành chính của sở này cho biết là “Đang phải chờ, có thể đến sang năm. Trong khi chờ đợi, chúng tôi cũng rất hy vọng nhiều nhà hảo tâm, tổ chức ban ngành quan tâm để giáo viên và học sinh ở đây được dạy và học mà không phải lo lắng gì về chất lượng trường học”.

Bên cạnh đó, trường tiểu học Trần Quốc Toản là trường đạt chuẩn quốc gia, vừa là trường học thân thiện mới được bộ GD & ĐT công nhận. Tuy nhiên, phần mái hiên của dãy nhà phía trước đã có hiện tượng bong tróc và nứt nẻ, rất nguy hiểm đến tính mạng của các em học sinh. Để “chữa cháy” tạm thời, trường đã gia cố trần bằng tôn phía dưới để đảm bảo chất lượng phòng học.
 
Bài 1: “Phập phồng” nỗi lo trường… sập - 3
Tường nứt tới độ có thể nhìn ra bên ngoài

Trường tiểu học Thuận An 1 ở Thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, đạt chuẩn đã 15 năm nay, hiện tại vẫn phải sử dụng hai dãy nhà không đạt chuẩn với 14 phòng học được xây dựng chỉ bằng xi măng, không có cốt sắt từ thời điểm trước giải phóng. Ngoài ra, những phòng bộ môn, phòng thực hành, vệ sinh cũng không đạt chuẩn, đã xập xệ xuống cấp.

“Những phòng học ở đây luôn luôn đóng kín cửa sổ nên thiếu ánh sáng tự nhiên cho các em học. Lý do là vì hệ thống cửa sổ đã mục nát, hễ mở ra là vỡ vụn. Mỗi khi có mưa là nước tuôn vào phòng học, khiến cả thầy và trò rất khổ. Mưa thấm lâu, những vết nứt trên tường theo đó xuất hiện càng dày đặc với kích thước ngày càng lớn khiến giáo viên, học sinh lo sợ”- ông Phạm Hữu Phước, Hiệu trường nhà trường cho biết.  

Đại Dương
(Còn nữa)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm