Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ giờ phút không thể nào quên khi chống dịch

Quang Phong

(Dân trí) - "Có những em bị mắc Covid-19 nhưng không nghỉ, xin vào phòng bệnh ở với bệnh nhân để chăm sóc họ 24/24h. Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn của ngành y!", bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nhớ lại.

Ngày 21/2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Đại dịch Covid-19 và chính sách đối với nhân viên y tế" với sự tham dự các vị khách mời là lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, các chuyên gia y tế.

Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, khi dịch bệnh bùng phát, bệnh nhân tăng gây quá tải cho hệ thống y tế. Đặc biệt tại các cơ sở điều trị Covid-19, một nhân viên y tế phải theo dõi, chăm sóc hàng chục đến hàng trăm bệnh nhân. Ngoài việc hy sinh quên mình làm việc ở môi trường nguy cơ lây nhiễm cao, các y bác sĩ thường làm việc từ 10 đến 12 tiếng mỗi ngày.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ giờ phút không thể nào quên khi chống dịch - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, khi dịch bệnh bùng phát, mỗi nhân viên y tế phải chăm sóc hàng chục bệnh nhân (Ảnh: Quang Thương).

"Do thiếu hụt nhân lực, các y bác sỹ phải làm việc với thời gian rất dài (từ 15 ngày) sau đó mới được thay ca. Thế nhưng, trước khi về với gia đình họ còn phải cách ly thêm 7 ngày. Như vậy một nhân viên y tế sau mỗi đợt làm việc phải xa gia đình ít nhất 21 ngày. Nhưng rồi do người bệnh đông nên họ phải nhanh chóng quay trở lại làm việc. Có những nhân viên vài ba tháng không được về thăm gia đình", Thứ trưởng Tuyên chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, sau khi đại dịch xảy ra, ngoài việc chi viện các tỉnh, Bộ Y tế giao cho đơn vị này xây dựng bệnh viện điều trị Covid-19 ở Hoàng Mai. Bệnh viện này có nhiệm điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch với quy mô 500 giường. 

Với 500 giường của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tại Hoàng Mai cần thêm khoảng gần 1.000 cán bộ nhân viên. Bệnh viện này đang điều trị bệnh nhân rất nặng của Hà Nội. Sáng nay, vẫn còn 200 bệnh nhân, số lượng không tăng lên mà vẫn duy trì.

Tuy nhiên, để điều hành 200 giường hồi sức, ECMO, thở máy… bệnh viện này cần nhân lực rất lớn. "Khó khăn nhất là nếu chúng ta vẫn duy trì tình trạng này thì chắc là không thể nào trụ được. Nếu chúng ta cứ coi là đại dịch, thực hiện những quy định như Thứ trưởng Tuyên vừa nói là 21 ngày xong thay vòng thì không thể nào duy trì được lực lượng", bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.

Để dần biến Covid-19 trở thành bệnh lý chuyên khoa, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho biết, hàng ngày các bác sĩ của bệnh viện này mặc những đồ bảo hộ bình thường, đồng thời được kiểm tra sức khỏe định kỳ để tránh lây nhiễm chéo.

"Khó khăn lớn nhất của chúng tôi không phải là mệt, chịu nóng lực, vất vả do công việc, mà khó khăn nhất đối với chúng tôi là khi người bác sĩ chữa bệnh không giữ lại được tính mạng người bệnh trên tay mình", bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nói.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ giờ phút không thể nào quên khi chống dịch - 2

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ có những y bác sĩ mắc Covid-19 đã không nghỉ mà vào phòng bệnh để chăm sóc bệnh nhân.

Có những học trò của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu không ăn cơm được, bị stress, xin nghỉ phép đóng cửa ở trong phòng 2-3 ngày chỉ vì không thể quên được những ca bệnh mà mình không bảo vệ được.

"Đó là giờ phút không thể nào quên được. Tôi rất tự hào về các em! Có những em bị mắc Covid-19 nhưng không nghỉ, xin vào phòng bệnh ở cùng với bệnh nhân để chăm sóc họ 24/24h. Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn của ngành y!", bác sĩ Hiếu nhớ lại.

Theo bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, hiện nay, khi dịch đã chuyển sang giai đoạn mới thì chúng ta không thể Zezo Covid-19 mà phải sống chung với dịch bệnh. 

"Giai đoạn này thì sự hy sinh lại khác. Khó khăn lớn nhất là chúng ta phải chống dịch lâu dài, các y bác sĩ nhân viên y tế không biết lúc nào sẽ dừng lại việc điều trị Covid-19, việc điều trị vẫn liên tục. Tuy nhiên, thực sự tinh thần của các cán bộ, nhân viên y tế đã được đào tạo, rèn luyện nhiều năm nên không ai bỏ cuộc", bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.