1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bác Hồ trong ký ức ngư dân xứ Thanh

(Dân trí) - Hơn 50 năm trôi qua, nhưng hình ảnh bác Hồ về thăm và nghỉ dưỡng tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) vẫn được người dân nhắc đến như một kỷ niệm thiêng liêng, một niềm tự hào sâu sắc.

Đó là vào một đêm giữa tháng 7 năm 1960, Bác cùng đồng chí cận vệ của mình là Nguyễn Tùng, quê ở Nghệ An bí mật ra Thanh Hóa thăm đồng bào và nghỉ dưỡng tại Sầm Sơn. Khi đặt chân đến Sầm Sơn, Bác không nghỉ ở nhà khách Công Đoàn mà lên thẳng núi Trường Lệ, nơi có đền Cô Tiên để nghỉ tại đây. Những ngày ở đây, Bác giản dị trong bộ quần áo nâu, đến thăm những gia đình chài ven biển, nói chuyện và kéo lưới cùng ngư dân, vì thế một số người không biết rằng họ đang được vinh dự gặp gỡ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Bác Hồ nói chuyện với các đơn vị bộ đội bảo vệ Sầm Sơn (Ảnh tư liệu).
Bác Hồ nói chuyện với các đơn vị bộ đội bảo vệ Sầm Sơn (Ảnh tư liệu).

Theo các cụ cao niên kể lại thì tối hôm đó, có một ông cụ râu tóc bạc phơ, ăn mặc giản dị lên núi Trường Lệ, sau đó ông cụ vào thăm đền Cô Tiên. Sáng hôm sau ông cụ dậy sớm, trong bộ quần áo cộc như một ngư biển rồi đi men xuống núi ngắm cảnh, gần trưa ông cụ đến thăm các gia đình ở chân núi thuộc thôn Vinh Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay là phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn) nhưng hầu hết các gia đình vẫn ra khơi chưa trở về, chỉ có duy nhất một gia đình vừa về tới nhà còn đang ngồi hóng mát ở chiếc chõng tre. Gia đình ngư biển mời ông cụ lên chiếc chõng tre ngồi nhưng ông cụ từ chối và ngồi ngay lên tảng đá bên cây khế.

Thấy một cháu bé đang nằm trên chõng tre khóc ngặt, ông cụ lại gần bế lên cưng nựng, rồi hỏi thăm gia đình ngư biển về đời sống của ngư dân, của xã viên ở đây ra sao? Gia đình ngư biển trả lời ngay: “Cảm ơn cụ. Nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ, đời sống xã viên chúng tôi sung sướng lắm ạ!”. Gia đình ngư biển vinh dự trò chuyện với Bác đó là gia đình ông Lê Viết Lược, ông Lược giờ đã qua đời, còn buổi trò chuyện đó mãi sau này ông mới biết người đã trò chuyện với mình chính là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, người mà ông ao ước được một lần gặp mặt.

Rời gia đình ông Lược, Bác cùng mọi người đi xuống bãi biển. Một không khí lao động tấp nập diễn ra. Thấy mấy cụ già đang khom lưng kéo lưới vất vả, Bác vào cùng, đứng trước một cụ già cũng cật lực kéo sợi dây. Cụ già thấy một ông cụ lạ và mấy người cùng kéo lưới giúp thì mừng vui, vừa làm vừa trò chuyện rôm rả. Mồ hôi nhễ nhại, Bác bỏ mũ, cởi cả áo, cả khăn lộ hết bộ râu, vẫn không ai nhận ra người cùng kéo lưới là Bác Hồ.

Bác Hồ đến thăm một gia đình ngư biển.
Bác Hồ đến thăm một gia đình ngư biển.

Bác Hồ hỏi thăm những ngư biển vừa ra khơi trở về.
Bác Hồ hỏi thăm những ngư biển vừa ra khơi trở về.

Sau nửa ngày đi thăm hỏi một số gia đình và ngư dân nơi đây, Bác Hồ quay về thị trấn Sầm Sơn hỏi thăm các đồng chí lãnh đạo thị trấn, động viên các cán bộ công nhân viên nhà nghỉ Công Đoàn, nghe các đồng chí lãnh đạo báo cáo tình hình địa phương và căn dặn các lãnh đạo, nhấn mạnh vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong phong trào thi đua yêu nước. Không những thế, trong những ngày nghỉ dưỡng ở đây, Bác nhận ra rằng nếu Sầm Sơn có một dịch vụ khách sạn và có phương tiện đưa đón khách tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây. Sau khi căn dặn xong lãnh đạo và cán bộ địa phương, tối đó Người lên đường rời Sầm Sơn.

Theo chân ông Cao Văn Hùng, Chủ tịch MTTQ phường Trường Sơn trong một chiều cuối tháng 8, chúng tôi trở về nơi in dấu chân của Người đã từng kéo lưới cùng ngư dân trên biển Sầm Sơn năm ấy. Những người được vinh dự gặp vị Chủ tịch kính yêu hầu hết đã không còn, nhưng cậu bé năm xưa khi đang nằm trên chiếc chõng tre khóc ngặt được Bác Hồ bế dỗ dành cưng nựng đó là ông Lê Viết Quý, sinh năm 1961, là con trai của cụ Lê Viết Lược, người đã được trò chuyện cùng Bác tại nhà năm xưa. Khi ấy, cậu bé Qúy mới chưa đầy 2 tuổi. Mặc dù không biết gì, chỉ được mọi người kể lại nhưng mỗi khi được nhắc về điều này, đôi mắt ông long lanh, rực sáng. Niềm vinh dự và tự hào lấp lánh trong đáy mắt.

Chẳng phải thế mà cái chõng tre ngày đó được gia đình ông coi như một báu vật, nâng niu cất giữ cẩn thận, cách đây vài năm mới bị mối mọt đục phá. Căn nhà kè ngày ấy được Bác Hồ đặt chân vào, gia đình ông cũng coi như là kỷ niệm gắn với Người, bởi thế cái nếp nhà, kèo cột vẫn được ông giữ nguyên, chỉ có điều mái kè ngày ấy không thể giữ được vì mưa nắng nên đã phải thay bằng mái ngói.

Cậu bé Nguyễn Viết Quý năm xưa vinh hạnh được Bác Hồ bế.
Cậu bé Nguyễn Viết Quý năm xưa vinh hạnh được Bác Hồ bế.

Ông Qúy bên cây khế và bậc đá bác Hồ ngồi.
Ông Qúy bên cây khế và bậc đá bác Hồ ngồi.

Ông Qúy tâm sự: “Ngày ấy tôi còn nhỏ nên không biết gì, sau này lớn lên mới nghe các cụ kể lại. Sau khi biết ông cụ ngày hôm đó chính là Bác Hồ, gia đình tôi quyết định gìn giữ lại từ cái chõng tre cho đến cây khế, bờ đá và cả cái nhà cũ vì coi đó như một kỷ niệm thiêng liêng về Bác mà không phải nhà nào cũng có được”.

Vị trí Đền Cô Tiên, nơi Bác Hồ nghỉ dưỡng năm ấy, giờ đây được trùng tu khang trang cổ kính và là điểm du lịch nổi tiếng của Sầm Sơn. Phía trong ngôi đền, bệ lát xi măng, nơi Người ngả lưng cũng vẫn còn đó, bên trên bức tường được treo nhiều hình ảnh lưu niệm Bác với Sầm Sơn.

Khắc ghi lời căn dặn của Bác, hơn 50 năm qua, Sầm Sơn không ngừng đổi mới. Cho đến bây giờ mảnh đất với tiềm năng du lịch như Bác nói, con người nơi đây đã biến Sầm Sơn “thay da đổi thịt” trở thành một điểm du lịch nổi tiếng trong cả nước.

Ông Lưu Đình Sơn, Bí thư phường Trường Sơn chia sẻ: “Đảng bộ và nhân dân phường Trường Sơn, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia luôn khắc ghi lời căn dặn của Bác Hồ năm xưa đã về đây, vì thế những năm qua địa phương luôn cố gắng phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cùng với thị xã Sầm Sơn ngày càng phát triển trên con đường hội nhập, xứng đáng với với những gì mà Người đã kỳ vọng ở con người Sầm Sơn”.

Một góc Sầm Sơn hôm nay.
Một góc Sầm Sơn hôm nay.

Nơi bác Hồ nghỉ ngơi ở đền Cô Tiên.
Nơi bác Hồ nghỉ ngơi ở đền Cô Tiên.

Nguyễn Thùy - Duy Tuyên