1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Ngãi:

Ba thế hệ “tá túc” trong Đền Văn Thánh

(Dân trí) - Đời ông ngoại, đời cha mẹ, đến đời chị Trần Thị Thành (SN 1971) rồi 2 con của chị đều trú ngụ trong khuôn viên Đền Văn Thánh (xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức) - di tích lịch sử trên vùng đất cách mạng.

“Tôi không biết tổ tiên ở đây từ bao giờ nhưng khi sinh ra, thấy ông ngoại cùng cha mẹ ruột ở đây rồi cho đến ngày qua đời. Cái nghèo cứ mãi đeo bám, tôi không thiết tìm hiểu quá khứ trước lúc ông ngoại ở đây”, chị Thành tâm sự như trách móc số phận.

Đến tuổi trưởng thành, chị Thành cùng cha mẹ bám lấy 1,5 sào ruộng và mái lều lợp đơn sơ bằng tôn, đó là tài sản lớn nhất của đại gia đình chị. Cuộc sống gia đình quá khó khăn, chị Thành rời quê lên tỉnh Gia Lai mưu sinh.

Vào năm 2000, chị gặp người đàn ông có cùng cảnh ngộ, cả hai tiến đến hôn nhân và hạ sinh được 2 con gái (Phạm Thị Dung - SN 2001 và Phạm Thị Hồng Hạnh - SN 2003). Đến năm 2005, cha mẹ đã già yếu, chị Thành cùng 2 con gái về quê phụng dưỡng cha mẹ, còn chồng ở lại Gia Lai. Trong 2 năm liên tiếp, dưới mái nhà liêu xiêu trong Đền Văn Thánh, chị Thành lo 2 đám tang của cha mẹ. Kể từ đó đến nay, 3 mẹ con chị Thành tiếp tục bám trụ nơi này.
3 mẹ con bám trụ trong Đền và lặn lội kiếm cơm từng ngày.

3 mẹ con bám trụ trong Đền và lặn lội kiếm cơm từng ngày.

Vì vất vả nghèo khó, chị Thành có khuôn mặt già hơn so với cái tuổi 43. Chồng chị cũng nghèo khó nên mỗi năm, nếu dư giả, cũng chỉ gửi được 1 – 1,5 triệu đồng để phụ chị nuôi con

Riêng bản thân chị, ngoài gia tài 1,5 sào ruộng mà cha mẹ để lại, chị làm thuê tất cả những gì người ta mướn, như gặt lúa, làm cỏ, bơm thuốc sâu, phụ hồ,… để nhận tiền công từ 50 – 100 ngàn đồng/ngày. Ấy là trời nắng, còn mưa gió lại thất nghiệp và cả gia đình chui rúc trong đền Văn Thánh trú mưa.

“Đối với chúng tôi, nơi ở này gọi là nhà, còn với người khác thì gọi là mái lều rách nát chưa đầy 10m2. Mỗi khi trời mưa thì trong nhà cũng như bên ngoài vậy, cả 3 mẹ con cùng ôm đồ chạy vào đền ở tạm. Nói về nơi học tập 2 cháu, lúc thì nền đất, khi thì kê vở lên cục đá để viết. Nhìn 2 con gái cơ cực, tôi chỉ muốn khóc thôi, mà tôi còn nước mắt đâu để khóc đây”, dường như cái nghèo đã cướp sạch nước mắt chị Thành từ lúc nào không hay biết.
3 thế hệ chui rúc trong căn lều rách nát.

3 thế hệ chui rúc trong căn lều rách nát.

Tuy gia đình lâm vào cảnh “ăn nhờ ở đợ” chốn thần thánh, bù lại 2 con gái chị Thành lại chăm ngoan học tập, vâng lời mẹ cùng thầy cô. Hiện nay, 2 cháu đang theo học trường THCS Đức Chánh (cháu Hạnh học lớp 6 và Dung học lớp 8),

Thầy Trịnh Minh Tường – Hiệu trưởng trường THCS Đức Chánh cho biết: “Ngoài giờ đến trường, 2 cháu Dung và Hạnh lại ra đồng lo mò cua, bắt ốc, tát cá,… để phụ mẹ lo bữa ăn. Hoàn cảnh gia đình 2 học sinh này vô cùng đặc biệt, có lẽ không còn nghèo hơn được nữa. Mặc dù vậy, 2 cháu đều chăm chỉ học tập. Với tinh thần chia sẻ khó khăn, giúp 2 cháu tiếp tục đến trường, chúng tôi miễn giảm toàn bộ học phí, đồng thời vận động nhà trường hỗ trợ mua sách vở, quần áo, bút viết và mong 2 cháu thoát nghèo trên chính con đường tri thức”.
Góc học tâm của 2 cháu Dung và Hạnh dưới cổng vòm vào đền.

Góc học tâm của 2 cháu Dung và Hạnh dưới cổng vòm vào đền.

Nghĩ đến ước mơ, Dung mong muốn trở thành bác sĩ để giúp người nghèo chữa bệnh, còn Hạnh lại nuôi ước mơ làm cô giáo với suy nghĩ dạy học cho trẻ em nghèo.

“Những lúc 2 chị em cùng nhau học bài, đều quyết tâm học tập thật tốt, hy vọng sau này dành dụm tiền để xây nhà cho mẹ. Con nghĩ chắc chắn rằng, học hành tốt, chính là con đường duy nhất nuôi ước mơ và rời khỏi Đền Văn Thánh này”, cháu Hạnh tâm sự với vẻ mặt rắn rỏi đầy quyết tâm.

Ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức - cho biết: “Gia đình chị Thành ở trong khuôn viên Đền Văn Thánh được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh là chưa đúng. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh quá cơ hàn nên xã mới để gia đình chị Thành trú ngụ. Đồng thời, huyện chỉ đạo xã khẩn trương bố trí đất ở và hỗ trợ kinh phí xây nhà tình nghĩa để chị Thành cùng 2 con có nơi ở ổn định, bền chắc lâu dài”.

Hồng Long