1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ba sáng kiến an toàn giao thông sẽ thí điểm trong thực tế

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Ba sáng kiến an toàn giao thông nổi bật nhất năm 2022 đến từ cuộc thi do báo Dân trí tổ chức, sẽ được áp dụng thí điểm tại Hà Nội và Bắc Ninh - 2 địa phương đang xây dựng mô hình "Tỉnh an toàn giao thông".

Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông 2023 báo Dân trí tổ chức, khởi động từ tháng 4, hiện nhận nhiều hiến kế, giải pháp cho các vấn đề giao thông nóng bỏng, từ độc giả cả nước. Trong bối cảnh đó, các tác phẩm xuất sắc nhất của năm 2022 cũng đang được triển khai thí điểm để sớm ứng dụng vào thực tế.

Đó là sáng kiến Hệ thống hỗ trợ điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu giao thông; Hệ thống phát hiện và cảnh báo giao thông thông minh; Ứng dụng nguyên lý đèn giao thông trong quản trị giao thông hiệu quả tại Việt Nam.

Hệ thống hỗ trợ điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu giao thông

Sáng kiến này đến từ 5 sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Các bạn đến từ nhiều tỉnh thành nhưng có một điểm chung là cùng lên Hà Nội học tập và không ít lần trải nghiệm những đợt ùn tắc giao thông nan giải tại Thủ đô.

Đại diện nhóm - Ngọc Anh cho biết, một trong những lý do dẫn đến tình trạng tắc nghẽn trong giờ cao điểm là đèn báo giao thông được lập trình theo trình tự và thời gian cho trước, dẫn đến không phù hợp với thực tế khi lưu lượng xe tăng đột xuất.

"Nhận thấy tiềm năng của việc ứng dụng công nghệ trong bài toán giải quyết ùn tắc giao thông ở nước ta, nhóm chúng em quyết định tham gia cuộc thi này với mong muốn sử dụng được những gì mình đã học hỏi và nghiên cứu, góp phần xây dựng một xã hội đô thị văn minh hơn", Ngọc Anh chia sẻ.

Gây ấn tượng cho ban giám khảo từ vòng Sơ khảo bởi tính đổi mới sáng tạo, ở vòng Chung khảo, với sự hỗ trợ chuyên môn của chuyên gia, nhóm của Ngọc Anh đã triển khai ý tưởng thành mô hình thực tế.

Theo đó, nhóm đã xây dựng hệ thống dữ liệu lưu lượng di chuyển được đồng bộ theo thời gian thực lấy dữ liệu từ Google, cung cấp hình ảnh cho thấy lưu lượng tham gia giao thông thời điểm hiện tại.

Hệ thống sử dụng một số công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), Học sâu (Deep Learning) và Học máy (Machine Learning) để đưa ra kết quả gợi ý tốt nhất tại một thời điểm cụ thể. Sau đó, dữ liệu sẽ được thể hiện trên website một cách trực quan - dễ dàng sử dụng - hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết lưu lượng chính xác.

Điểm nổi bật là hệ thống có thể tích hợp tự động vào bộ điều khiển, thiết lập thời gian hiển thị đèn theo tình hình thực tế và nhận thông tin từ người tham gia giao thông.

Sau khi nhận được phản hồi tích cực từ hội đồng chuyên môn, "Hệ thống hỗ trợ điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu giao thông" đã được Cục Cảnh sát giao thông lựa chọn là một trong 3 sáng kiến được đề xuất thí điểm vào thực tế tại Hà Nội và Bắc Ninh trong năm 2023.

Ba sáng kiến an toàn giao thông sẽ thí điểm trong thực tế - 1
Nhóm tác giả của dự án "Hệ thống hỗ trợ điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu giao thông" nhận giải thưởng tại lễ trao giải năm 2022 (Ảnh: BTC).

Hệ thống phát hiện và cảnh báo sự cố giao thông thông minh

"Chúng em muốn phát triển giải pháp công nghệ giao thông thông minh bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm, nhằm tích hợp vào hệ thống quản lý giao thông hiện có tại các khu đô thị - nơi đã có sẵn các camera quan sát giao thông", đại diện nhóm chia sẻ.

"Hệ thống phát hiện và cảnh báo sự cố giao thông thông minh" có thể phát hiện nhanh một sự cố ùn tắc và gửi cảnh báo tới các cơ quan chức năng như đội cảnh sát giao thông, đội cứu hộ, trung tâm cấp cứu gần nhất, đồng thời cho phép các đội hỗ trợ có thể thông báo qua loa phát thanh hoặc các kênh truyền thông đại chúng tới người tham gia giao thông. Các sự cố và quá trình xử lý cũng được lưu lại nhằm hỗ trợ phát hiện các điểm đen giao thông.

Ba sáng kiến an toàn giao thông sẽ thí điểm trong thực tế - 2
Nhóm tác giả dự án "Hệ thống phát hiện và cảnh báo sự cố giao thông thông minh" (Ảnh: BTC).

Dự án được chọn triển khai thí điểm tại các địa phương đang xây dựng mô hình "Tỉnh an toàn giao thông 2023".

"Hầu hết các bạn trẻ trong nhóm này đều sinh từ năm 2000 trở về sau này. Do đó, sự đồng hành của đội ngũ chuyên gia cao cấp trong cuộc thi giúp các bạn trẻ triển khai dự án hoàn chỉnh, hứa hẹn áp dụng tại các địa phương trong thời gian tới", đại diện ban tổ chức chia sẻ.

Ứng dụng nguyên lý đèn giao thông trong quản trị giao thông hiệu quả tại Việt Nam

Đây là dự án giành giải nhì hạng mục ý tưởng, của nhóm tác giả Đoàn Trần Đức Hải, Bùi Mạnh Quang, Ngô Tuấn Anh đến từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ba sáng kiến an toàn giao thông sẽ thí điểm trong thực tế - 3
Nhóm tác giả dự án "Ứng dụng nguyên lý đèn giao thông trong quản trị giao thông hiệu quả tại Việt Nam" nhận giải tại lễ trao giải năm 2022 (Ảnh: BTC).

Dự án sử dụng và khai thác nguyên lý đèn giao thông, gồm 3 màu: đỏ - vàng - xanh tương ứng với 3 trạng thái quản trị xã hội: cấm - nên cân nhắc - khuyến khích thực hiện, tác động vào các nội dung giao thông đường bộ bao gồm: luật - công cụ hỗ trợ - hạ tầng và công tác giáo dục pháp luật nhằm tối đa hiệu quả quản trị giao thông đường bộ.

3 sáng kiến nói trên được kỳ vọng sẽ áp dụng thành công vào thực tế tại các địa phương đang xây dựng mô hình "Tỉnh an toàn giao thông".

Cuộc thi Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam năm 2023 báo Dân trí tổ chức, có tổng giá trị giải thưởng  là 312 triệu đồng cho 2 hạng mục. Mỗi hạng mục có một giải Nhất trị giá 60 triệu đồng; 2 giải Nhì mỗi giải 30 triệu đồng, 2 giải Ba mỗi giải 10 triệu đồng, 2 giải Khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng và 3 giải top 10 mỗi giải 2 triệu đồng. Các đơn vị, cá nhân đạt giải cũng sẽ nhận được Giấy chứng nhận đạt giải của Ban tổ chức chương trình và Giấy khen của Cục Cảnh sát giao thông.

Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và đơn vị tài trợ đồng là Tổng công ty Bảo hiểm PVI.

Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình, độc giả truy cập website https://sangkienatgt.dantri.com.vn.