1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bà Rịa - Vũng Tàu và mục tiêu trở thành trung tâm logistics quốc tế

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Với những lợi thế vốn có, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang hướng tới mục tiêu trở thành đầu mối trung tâm dịch vụ chuỗi cung ứng hậu cần logistics của khu vực và thế giới.

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt đã mở ra thời cơ mới, vận hội mới, phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải logistics của khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Bà Rịa - Vũng Tàu hội đủ yếu tố trở thành trung tâm logistics

Tại diễn đàn Logistics với chủ đề "Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics" do Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tổ chức đầu tháng 12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bà Rịa - Vũng Tàu cần chủ động, đi đầu trong phát triển ngành logistics.

Đây là mục tiêu khả thi khi Bà Rịa - Vũng Tàu hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có vị trí địa lý thuận lợi và cơ sở hạ tầng đồng bộ các loại hình vận tải được cải thiện mạnh mẽ, có cảng biển nước sâu top 10 thế giới.

Bà Rịa - Vũng Tàu và mục tiêu trở thành trung tâm logistics quốc tế - 1

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, một trong những cảng nước sâu của thế giới (Ảnh: Hoàng Bình).

Thủ tướng nhận định, sắp tới, quy mô thương mại quốc tế càng ngày càng phát triển. Do đó, Việt Nam phải sáng tạo để bay cao, đổi mới để vươn xa, hội nhập để phát triển.

Trong đó, các xu hướng phát triển như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn… có mối quan hệ chặt chẽ với phát triển logistics để thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.

Bà Rịa - Vũng Tàu và mục tiêu trở thành trung tâm logistics quốc tế - 2

Toàn cảnh cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Ảnh: Hoàng Bình).

Trong sự phát triển chuỗi cung ứng hậu cần, Bà Rịa - Vũng Tàu phải đi đầu, chủ động kết nối bởi địa phương có những lợi thế không ở đâu bằng, vừa có đường hàng không lẫn đường biển thuận lợi. Cùng với đó, tỉnh phải tập trung xây dựng trung tâm công nghiệp quốc gia, quốc tế về phát triển năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi.

Thể hiện quyết tâm vươn mình của Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ chia sẻ để phát triển xứng với vai trò là cửa ngõ kết nối kinh tế vùng Đông Nam Bộ với cả nước, và là cửa ngõ giao thương quốc tế thông qua đường biển, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề ra các phương án phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối để trở thành trung tâm logistics của khu vực.

Theo đó, trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ đa phương thức, bao gồm: đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không.

Hệ thống giao thông này sẽ kết nối với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả nhằm phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả trong hoạt động giao nhận vận tải. Điều này sẽ tăng thêm sức hút đầu tư, là động lực thúc đẩy kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển.

Về đường bộ, tỉnh tập trung xây dựng các dự án phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TPHCM, quốc lộ 55, 56, 51 và đường ven biển…

Theo quy hoạch sẽ phát triển hành lang vận tải thủy nội địa kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm: tuyến Vũng Tàu - Thị Vải - TPHCM - Mỹ Tho - Cần Thơ; tuyến Vũng Tàu - TPHCM - Tây Ninh.

Về đường sắt kết nối vùng sẽ có tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Đường sắt đô thị, sau năm 2030, sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng 3 tuyến gồm: tuyến số 1 hoạt động chính trên đường ven biển và bao quanh khu nội thành của TP Vũng Tàu; tuyến số 2 kết nối các đô thị ven biển Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu; tuyến số 3 kết nối Vũng Tàu - Bà Rịa - Phú Mỹ (tuyến này có phương án kết nối với sân bay Long Thành).

Về đường hàng không, tỉnh sẽ phát triển cảng hàng không Côn Đảo và 2 sân bay chuyên dùng là sân bay Gò Găng và sân bay Đất Đỏ. Bên cạnh đó, sân bay Long Thành chỉ cách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 20km.

Bà Rịa - Vũng Tàu và mục tiêu trở thành trung tâm logistics quốc tế - 3

Cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong những yếu tố tiềm năng giúp Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm logistics (Ảnh: Hoàng Bình).

Đường sắt kết nối cảng, chiều dài 14,4km, kết nối các huyện trong tỉnh, kết nối với cảng Hiệp Phước, cảng Long An, tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng Cái Mép - Thị Vải và trung tâm logistics Cái Mép Hạ.

Cụm cảng nước sâu hàng đầu thế giới

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có vị trí thuận lợi, nằm ngay cửa ngõ giao thương giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Trong đó, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, một trong 21 cảng nước sâu trên thế giới có thể đón được tàu siêu trường siêu trọng, đã và đang tạo ra một lợi thế cạnh tranh lớn cho tỉnh trong việc phát triển dịch vụ logistics.

Vũng Tàu cũng nằm trên tuyến hàng hải thế giới nối Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương nên hầu hết các chuyến hàng quốc tế đều đi ngang qua.

Theo Viện nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Hoạt động thương mại của vùng diễn ra sôi động, đóng góp khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

Hiện khu vực Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái (TPHCM) và Cái Mép - Thị Vải.

Ngoài ra, tuyến hàng hải vận chuyển container nhanh nhất từ Việt Nam đến Mỹ hiện nay là từ cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đến Los Angeles (Mỹ) chỉ mất 18 ngày, rút ngắn đáng kể so với thời gian hơn 1 tháng trước đây.

Bà Rịa - Vũng Tàu và mục tiêu trở thành trung tâm logistics quốc tế - 4
Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại diễn đàn Logistics (Ảnh: Hoàng Bình).

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Phạm Viết Thanh, cho biết Bà Rịa - Vũng Tàu có vị trí chiến lược, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân hiền hòa, mến khách.

Trong những năm gần đây được Trung ương quan tâm đầu tư nguồn lực, mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ và liên vùng đang được hoàn thiện, cùng với việc phát triển Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hiện đại hóa cảng biển Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới gắn với phát triển trung tâm logistics cấp quốc gia và quốc tế theo mô hình "cảng xanh, logistics xanh" đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Do đó, việc hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ chính là một bước đi chiến lược để hoàn thiện hạ tầng logistics khu vực Đông Nam Bộ.

Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu sớm hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải một cách đồng bộ, tạo ra lợi thế cạnh tranh của quốc gia để làm mới động lực cũ, tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư thế hệ mới trong không gian dịch vụ - công nghiệp - đô thị trên trục hành lang kinh tế Đông Tây từ Mộc Bài đến Cái Mép - Thị Vải.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thông tin hiện một số dự án giao thông kết nối liên vùng của tỉnh đã và đang được khẩn trương thực hiện, tăng tốc về đích.

Bà Rịa - Vũng Tàu và mục tiêu trở thành trung tâm logistics quốc tế - 5
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến hoàn thành giữa năm 2025 (Ảnh: Hoàng Bình).

Các tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, cầu Phước An dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Đây là những dự án cấp thiết trước mắt cũng như lâu dài, tạo ra động lực mới, hình thành các không gian phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo nền tảng phát triển bền vững, đồng thời phát huy cao nhất những lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Với các điều kiện thuận lợi, ngành logistics đã được xác định là một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh.

Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao tầm cỡ quốc tế; một trong những trung tâm logistics lớn, là đầu mối của vùng Đông Nam bộ.