Bà Rịa - Vũng Tàu và hành trình trở thành trung tâm logistics, du lịch
(Dân trí) - Tròn 34 năm xây dựng và phát triển, Bà Rịa - Vũng Tàu từ vùng đất hoang, thuần nông ven biển đã bứt phá mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng quan trọng, trung tâm cảng biển và du lịch của cả nước.
Trung tâm cảng biển và du lịch sau 34 năm
Ngày 27/6, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức buổi gặp mặt các thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ nhân dịp kỷ niệm 34 năm thành lập tỉnh (12/8/1991-12/8/2025) và tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong giai đoạn 2020-2025.
Qua 34 năm xây dựng và phát triển, từ một vùng đất nông - ngư nghiệp là chủ yếu, tỉnh đã vươn mình trở thành trung tâm kinh tế năng động, đầu tàu trong các lĩnh vực công nghiệp, cảng biển, dịch vụ và du lịch của khu vực phía Nam và cả nước.


Lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng nhiều bằng khen ghi nhận đóng góp của các cán bộ trong giai đoạn 2020-2025 (Ảnh: Hoàng Bình).
Năm 1991 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập, đánh dấu sự ra đời của một địa phương với vị trí địa lý đặc biệt vừa có núi, có biển giáp với TPHCM, Đồng Nai. Khởi đầu từ một vùng đất thưa thớt dân cư, kinh tế chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản và nông nghiệp, Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhanh chóng vươn mình, trở thành một trung tâm công nghiệp, cảng biển và du lịch lớn của khu vực phía Nam. Minh chứng cho điều đó khi nhiều năm liên tiếp, Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong những địa phương thu ngân sách lớn nhất cả nước.
Qua 7 nhiệm kỳ lãnh đạo, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn kiên định với mục tiêu phát triển hiện đại, hội nhập quốc tế, lấy hạ tầng làm chìa khóa then chốt. Đến nay tỉnh có nhiều thành tựu nổi bật cũng như các lĩnh vực kinh tế, xã hội… phát triển vượt bậc. Trong đó, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải trở thành điểm nhấn nổi bật là cửa ngõ thông thương quốc tế hiếm hoi của Việt Nam có thể đón tàu trọng tải trên 200.000 DWT, đi thẳng châu Âu, Mỹ. Hệ thống cảng này góp phần đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm logistics tầm cỡ châu Á.
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đi đầu trong dịch vụ du lịch quốc tế khi có hàng chục khu nghỉ dưỡng 5 sao đẳng cấp thế giới với đa dạng dịch vụ cao cấp kết hợp như sân golf, casino, thuyền buồm, du thuyền… Du lịch được định hướng phát triển theo chiều sâu, chất lượng cao, gắn với nghỉ dưỡng sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và văn hóa. Hồ Tràm, Long Hải, Côn Đảo… trở thành điểm đến quốc tế với hàng triệu lượt khách mỗi năm.
Hệ thống hạ tầng giao thông luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, đầu tư trong suốt nhiều nhiệm kỳ vừa qua. Trong giai đoạn mới hiện nay, hệ thống giao thông nội tỉnh và các tuyến kết nối vùng đang hoàn thiện như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến ven biển Vũng Tàu - Long Hải - Bình Châu, đường Vành đai 4 TPHCM, cao tốc Hồ Tràm - Sân bay quốc tế Long Thành.
Trong đó, dự án cao tốc Hồ Tràm - Sân bay quốc tế Long Thành dự kiến khởi công ngày 2/9 tới, và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 54km dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay sẽ giúp kết nối xuyên suốt. Những công trình này giúp kết nối nhanh chóng với TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng cầu Phước An nối liền Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) với Nhơn Trạch (Đồng Nai), dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và mở rộng sân bay Côn Đảo cũng đang được đẩy mạnh, hướng tới hình thành một hệ sinh thái logistics hiện đại và đa phương thức.

Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu là điểm nhấn thúc đẩy kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu trong giai đoạn mới (Ảnh: Hoàng Bình).
Phát triển năng lượng xanh, chăm lo an sinh xã hội
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, đến nay tỉnh đã thu hút hơn 1.200 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 54 tỷ USD, trong đó FDI đạt 35 tỷ USD đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các khu công nghiệp lớn như Phú Mỹ, Long Sơn, Châu Đức... không chỉ tạo hàng chục nghìn việc làm mà còn là trụ cột đóng góp ngân sách lớn.
Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu đang nổi lên là trung tâm năng lượng mới phía Nam với hàng loạt dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời… góp phần chuyển đổi xanh bền vững. Đồng thời, ngành công nghiệp dầu khí với các tổ hợp lọc hóa dầu, điện khí, cảng chuyên dụng tiếp tục giữ vai trò chủ lực về thu ngân sách.
Bên cạnh các thành tựu kinh tế, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn nhất quán với phương châm “lấy đời sống người dân làm trung tâm”. Phát triển đi cùng chất lượng sống là ưu tiên xuyên suốt trong mọi quyết sách. Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, chăm lo việc làm, hỗ trợ người có công, bảo trợ xã hội…
Đến giữa năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm về 0%, khẳng định chính sách an sinh không để ai bị bỏ lại phía sau. Giáo dục chất lượng cao, chuyển đổi số, chính quyền điện tử và bảo vệ môi trường cũng là những trụ cột được đầu tư mạnh mẽ. Tỉnh hướng tới hình thành xã hội hiện đại, công bằng và bền vững.
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (xếp 2/63), chỉ số hài lòng người dân (xếp 5/63) và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (5/63), tạo dựng niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
Tròn 34 năm xây dựng và phát triển, Bà Rịa - Vũng Tàu đã bứt phá mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng Đông Nam Bộ. Và chỉ ít ngày nữa, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ cùng sáp nhập với TPHCM để trở thành một siêu đô thị phía Nam.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh, việc sáp nhập với TPHCM ngày 1/7 không chỉ là thay đổi địa giới hành chính mà là thay đổi tư duy để tiếp tục phát triển đi lên. Những năm qua thế hệ đi trước cùng người dân đã cùng chung sức xây dựng tỉnh, ngày nay các bạn trẻ sẽ gánh vác một khởi đầu mới.

Cảng biển Cái Mép - Thị Vải là một trong những cảng biển lớn của khu vực Đông Nam Á (Ảnh: Hoàng Bình).
Hoàn thành chương trình Nông thôn mới
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của địa phương, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân ngày càng tốt hơn.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả đã mang lại những kết quả ấn tượng. Đến nay, toàn bộ 40/40 xã của tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, 35/40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 14/40 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Cả 7/7 đơn vị cấp huyện của tỉnh đều đã được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tin tưởng rằng, với sự kế thừa truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, năng động và sáng tạo, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục cùng với Bình Dương và TPHCM gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và kỳ vọng của cả nước.
Ôn lại chặng đường đã qua, nhiều đại biểu không giấu được xúc động khi nhắc đến những thời kỳ gian khó ban đầu, những quyết sách mạnh mẽ đưa tỉnh từng bước đi lên, đạt được những thành tựu đáng tự hào. Không chỉ phát triển mạnh mẽ về kinh tế, Bà Rịa - Vũng Tàu còn là điểm sáng về giáo dục, an sinh xã hội và môi trường đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập ngày 12/8/1991Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập ngày 12/8/1991 theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, trên cơ sở sáp nhập đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và ba huyện Long Đất, Châu Thành, Xuyên Mộc của tỉnh Đồng Nai. Với vị trí địa lý chiến lược, có núi, biển và các cửa ngõ giao thương đường thủy quan trọng, tỉnh đã nhanh chóng vươn lên trở thành trung tâm công nghiệp, cảng biển và du lịch lớn ở phía Nam.