1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

ASEAN nhóm họp về thành phố phát triển bền vững

(Dân trí) - Cuộc họp nhóm công tác của ASEAN về thành phố bền vững lần thứ ba do Việt Nam đăng cai đã diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/6 tại Hà Nội. Các thành viên ASEAN đã cùng nhau thảo luận về vấn đề hợp tác trong khuôn khổ ASEAN để xây dựng và phát triển các thành phố của ASEAN ngày càng bền vững hơn về môi trường.

Theo kết quả báo cáo tại cuộc họp, thế giới hiện đang có rất nhiều thành phố phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. Trước hết là do sự gia tăng dân số cơ học một cách nhanh chóng, thiếu quy hoạch hợp lý và thiếu các biện pháp quản lý hiệu quả đã kéo theo các vấn đề môi trường hết sức nghiêm trọng. 

Nếu đầu thế kỷ 20, thế giới mới có khoảng 10% dân cư đô thị, thì đến nay đã tăng lên 50% và còn tiếp tục tăng. Tình hình này cũng đang diến ra ở hầu hết các nước ASEAN.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, mức độ đô thị hoá đang gia tăng nhanh chóng  (527 đô thị và 26% dân số sống ở khu vực này). Quá trình đô thị hoá thiếu sự kiểm soát chặt chẽ lại không được quy hoạch hợp lý đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Tài nguyên đất dành cho phát triển đô thị đang bị khai thác kém bền vững, làm giảm diện tích cây xanh, mặt nước, gây ra úng ngập; nhu cầu cấp nước phục vụ sinh hoạt, dịch vụ, sản xuất ngày càng tăng đã làm cạn kiệt và suy thoái tài nguyên nước. Rác thải, nước thải từ sản xuất công nghiệp,dịch vụ và sinh hoạt ngày càng tăng và hầu hết chưa được xử lý hợp vệ sinh.

Theo TS. Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị hiện nay có thể thấy là các vấn đề môi trường chưa được đề cập một cách đầy đủ và quan tâm đúng mức trong quy hoạch xây dựng đô thị.

Như cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị về môi trường như hệ thống thoát nước, gom thu và xử lý nước thải, rác thải, giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn… chưa được quan tâm đầu tư xây dựng đúng mức; ý thức bảo vệ môi trường của người dân đô thị về bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế; các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và có hành động thiết thực để bảo vệ môi trường đô thị.

Việc chia sẻ kinh nghiệm về quản lý môi trường đô thị, quản lý chất thải và xử lý ô nhiễm là hoạt động quan trọng trong hợp tác ASEAN về bảo vệ môi trường.

Vậy nên, nhóm công tác ASEAN về thành phố bền vững đã xoay quanh các nội dung chính như: Xây dựng và hình thành các thể chế và hợp tác giữa các nước ASEAN trong vấn đề phát triển bền vững các thành phố; Tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực quản lý đô thị, quản lý chất thải và xử lý ô nhiễm, giảm thiểu ô nhiễm giao thông vận tải; Xây dựng cơ chế cùng trao đổi thông tin về quản lý môi trường đô thị tại các nước ASEAN.

Nguyễn Hiền