1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

ASEAN muốn sớm trao đổi quy tắc ứng xử Biển Đông với Trung Quốc

(Dân trí) - Các nước ASEAN đều mong muốn sớm thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc về bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông sau khi ASEAN đã thống nhất được các thành tố cơ bản của bộ quy tắc này - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi bên hành lang Quốc hội.

Được biết, ASEAN mới đây đã đạt được những thỏa thuận quan trọng với Trung Quốc trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử chung trên biển Đông COC. Bộ trưởng có thể thông tin cụ thể kết quả này?

Vấn đề Biển Đông được sự quan tâm chung. Từ 2002, các nước ASEAN đã thống nhất với nhau với đưa ra Tuyên bố DOC. 10 năm qua, DOC đã đi vào thực tiễn. Đến nay các nước trong ASEAN với Trung Quốc mong muốn xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC có tính chất pháp lý ràng buộc cao hơn, nói cách khác là đưa ra những biện pháp tốt hơn để đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, ở Biển Đông.

Quá trình xây dựng COC, nhấn mạnh vai trò của Việt Nam - điều phối viên trong 3 năm qua giữa ASEAN và Trung quốc. Chúng ta đã thực hiện tốt vai trò, thống nhất được giữa các nước ASEAN về những nguyên tắc, thành tố cơ bản để đi đến COC.

Tháng 7 vừa qua tại Campuchia, các ngoại trưởng ASEAN đã thống nhất về thành tố đó và bắt đầu đi vào đàm phán để xây dựng COC. Đáng mừng hơn, tháng 9 vừa qua ở New York, các ngoại trưởng ASEAN họp không chính thức thống nhất tiếp tục thúc đẩy COC, trao đổi với Trung Quốc và đã đạt được sự đồng ý là có thể bắt đầu tham khảo không chính thức về vấn đề này. Quá trình này đang tiếp tục và hy vọng rằng chúng ta sẽ có được sự trao đổi chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc.

Trong cấp cao ASEAN lần này, một chủ đề mà các lãnh đạo mong muốn là thúc đẩy sớm để tiến hành trao đổi một cách chính thức về COC giữa ASEAN và Trung Quốc. Đây không chỉ là trao đổi giữa ASEAN và Trung Quốc mà các nước ngoài khu vực cũng mong muốn các bên đạt được đồng thuận vào đi vào thảo luận xây dựng Bộ quy tắc ứng xử này vì COC sẽ đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực nhưng cũng tác động đến các nước.
 
“COC ràng buộc Trung Quốc không xung đột, đánh chiếm ở Biển Đông”
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: "Mong muốn đàm phán với Trung Quốc về COC trong năm nay khó đạt được" (ảnh: Việt Hưng).

Bộ trưởng đánh giá thế nào về dự thảo chi tiết Bộ quy tắc ứng xử chung mà Indonesia đề xuất cho các thành tố của COC?

Không phải Indonesia đưa ra các thành tố mới của COC, mà COC đã được các nước ASEAN thống nhất với nhau về các thành tố. Indonesia đóng góp bổ sung cụ thể hóa thêm  một số điều. Chúng ta hoan nghênh các nước có đóng góp vào việc cụ thể hóa các thành tố, nhưng các thành tố đó đã được các nước ASEAN, các ngoại trưởng thống nhất rồi.

Các thành tố COC đề cập đến việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông từ cơ chế song phương và đa phương riêng rẽ?

Nguyên tắc là các thành tố của COC phải dựa trên cơ sở DOC đã có nhưng làm sao đưa ra những biện pháp pháp lý ràng buộc cao hơn, để đảm bảo không làm mất duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Còn vấn đề Biển Đông, cả COC, DOC đều là cơ chế đa phương. Như chúng ta tuyên bố, những vấn đề chỉ liên quan giữa 2 nước thì đương nhiên thực hiện theo nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, do hai nước xử lý. Vấn đề Biển Đông, tranh chấp ở Trường Sa liên quan nhiều nước thì phải đa phương.

Vậy cơ chế giải quyết các tranh chấp này được đề cập như thế nào trong COC?

COC đưa ra những nguyên tắc cơ bản để mà đảm bảo duy trì hòa bình ổn định ở khu vực, ở Biển Đông. COC không phải để giải quyết tranh chấp về chủ quyền, hoặc về một hòn đảo nào. Theo đó, các bên sẽ cùng cam kết là không gây ra xung đột, đánh chiếm, chiếm đóng.

DOC hiện nay được coi là một tuyên bố chính trị, không có tính chất pháp lý ràng buộc nên phải mất đến 9 năm mới ra được các nguyên tắc hướng dẫn. Qua bài học này, yếu tố nào quan trọng nhất cần được đề cập khi xây dựng COC?

Tính chất pháp lý ràng buộc chính là mục tiêu của COC. Khiếm khuyết của DOC là ra đời từ 2002 nhưng phải 9 năm sau mới thống nhất với nhau về các nguyên tắc hướng dẫn thực thi. Vì thế tiến tới COC phải làm sao để khi đưa ra là có thể thực hiện được ngay. Điểm mới chính là ở tính chất pháp lý của nó cao hơn và có các cơ chế đảm bảo Bộ quy tắc ứng xử được thực hiện, nếu vi phạm cũng có biện pháp xử lý.

Vậy trở ngại nào lớn nhất trên con đường tiến tới Bộ quy tắc ứng xử chung trên biển Đông này?

Đây là thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc nên phải được cả ASEAN và Trung Quốc đồng ý để cùng đi vào thỏa thuận. Nhưng quan trọng nhất là các nước ASEAN phải thống nhất được với nhau về những nguyên tắc, thống nhất thành tố cơ bản của COC. Còn chuyện với Trung Quốc là câu chuyện của đàm phán, thương lượng.

Đến nay, cơ bản các nước ASEAN đã thống nhất vấn đề này còn mong muốn đàm phán với Trung Quốc trong năm nay là kỳ vọng lớn nhưng chắc khó đạt được.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

P.Thảo (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm