1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Áp dụng nhiều giải pháp, tai nạn giao thông vẫn gia tăng

(Dân trí) - “Các giải pháp kiềm chế và giảm tai nạn giao thông luôn được triển khai nhưng tai nạn nghiêm trọng vẫn xảy ra. Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông” - ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông nhìn nhận.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (ATGT), năm 2010, cả nước xảy ra 14.442 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 11.449 người, bị thương 10.633 người. Như vậy, số vụ TNGT năm 2010 tăng thêm 1.778 vụ, giảm 47 người chết, tăng 2.544 người bị thương so với năm 2009.

Liên quan đến vấn đề này, PV Dân trí có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông, Bộ Gao thông Vận tải (GTVT).
 
Áp dụng nhiều giải pháp, tai nạn giao thông vẫn gia tăng - 1
Ông Nguyễn Văn Thuấn: "Nguyên nhân TNGT chủ yếu do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông"

Trong năm qua, Bộ GTVT đã triển khai thực hiện những giải pháp nào nhằm kiềm chế và giảm TNGT thưa ông?

Vấn đề trật tự ATGT luôn luôn được Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương các cấp quan tâm thực hiện những giải pháp nhằm mục tiêu kiềm chế và giảm TNGT.

Trước đó, từ năm 2008, chúng ta đã triển khai thực hiện Nghị quyết 32 với những giải pháp căn cơ và khá triệt để trong đó có việc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy; một loại các giải pháp tăng cường, cưỡng chế vi phạm giao thông; tăng cường đào tạo đội ngũ lái xe; tổ chức vận tải và nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông vận tải.

Năm 2009, chúng ta tiếp tục thực hiện các giải pháp này và kiềm chế được tai nạn giao thông. Tại Hội nghị ATGT Toàn cầu năm 2009, Việt Nam được đánh giá là quốc gia điển hình của công tác bảo đảm ATGT.

Sang năm 2010, số người chết về TNGT đã giảm nhưng không đáng kể, số vụ TNGT tăng lên. Chúng ta vẫn thấy TNGT trên đường thủy, đường sắt, đường bộ… vẫn tiếp tục xảy ra.
 
Áp dụng nhiều giải pháp, tai nạn giao thông vẫn gia tăng - 2
Kết quả bình chọn trên báo Dân trí, từ ngày 12/2 -20/2/2011 

Nhiều biện pháp căn cơ được thực hiện, nhưng TNGT không giảm mà còn gia tăng. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Đúng là số vụ TNGT vẫn tăng lên, chúng ta giảm được số người chết nhưng mức giảm này không vững chắc, trong khi đó số người bị thương do TNGT cũng tăng cao so với năm 2009. Tình hình TNGT là vấn đề nan giải!

Phân tích về nguyên nhân của tình hình này có thể thấy chủ yếu do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông.

Dẫn chứng rất đơn giản về những nguy cơ xảy ra TNGT như: sự lơ là người điều khiển phương tiện giao thông, hay khi vắng bóng người lực lượng kiểm tra xử lý vi phạm trên đường thì người tham gia giao thông có tâm lý “sẵn sàng” vi phạm, có thể là phóng nhanh hơn, lấn làn, lấn đường...

Tết Tân Mão 2011, tình hình ATGT trên cả nước “nóng” lên, đặc biệt là các vụ TNGT đường bộ và đường sắt. Phải chăng trong dịp này lực lượng chức năng vào cuộc chưa quyết liệt hay cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế thưa ông?

Để chuẩn bị cho công tác ATGT trong các dịp Tết thì Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo tập trung vào các phương tiện vận tải. Trên thực tế tình hình TNGT năm nay so với những năm trước đó đã được kiềm chế và giảm được số vụ tai nạn, giảm được số người bị thương.

Tuy nhiên, tính đến mồng 4 tết trở lại đây, số người chết có tăng hơn. Tính chung trong cả nước so với năm 2010 thì có tăng hơn 11 người. Đặc biệt đã xảy ra vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng tại Cầu Ghềnh ở Đồng Nai.

Đây thực sự là lời cảnh báo về những nguy cơ tồn tại của những cầu đường bộ và đường sắt đi chung với nhau. Hiện tại, Bộ GTVT đã giao cho Cục đường sắt và Tổng CTy Đường sắt tổng kiểm tra lại 10 cây cầu còn lại trên cả nước đang cho phép đường bộ và đường sắt đi chung. Đồng thời, chúng tôi sẽ có những đề xuất kịp thời, những giải pháp căn cơ triệt để đảm bảo an toàn cho các cầu chung đó. Có thể, không để cho đường sắt và đường bộ đi chung với nhau nữa.
 
Ông muốn nói tới vấn đề hạ tầng không đảm bảo đã dẫn tới TNGT?

Trước đây, khi cầu Phú Lương (Hải Dương) còn là cầu chung thì TNGT từng xảy ra ở chân cầu, sau khi đường bộ và đường sắt được tách riêng đã giải quyết triệt để tình trạng này.

Ở những cầu đi chung chưa thể làm ngay cầu đường bộ riêng, cần phải tăng cường lực lượng, thậm chí đề nghị chính quyền địa phương huy động thêm Cảnh sát giao thông cùng điều tiết vào giờ cao điểm. Ngoài ra, vấn đề văn hóa giao thông cần phải thực hiện nghiêm túc, đưa văn hóa giao thông vào cuộc sống.

Sau rất nhiều nỗ lực tuyên truyền và thực hiện văn hóa giao thông, đã có ý kiến cho rằng vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở cầu Ghềnh là “quả bom” ném vào văn hóa giao thông. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

Tôi nghĩ là câu hỏi này không đúng chỗ…
 
Áp dụng nhiều giải pháp, tai nạn giao thông vẫn gia tăng - 3
Với mọi giải pháp kiềm chế, TNGT vẫn gia tăng

Cùng những giải pháp luôn thực hiện, trong thời gian tới Bộ GTVT có giải pháp nào mới nhằm kiềm chế và giảm TNGT, đặc biệt là TNGT nghiêm trọng thưa ông?

Để kiềm chế và giảm TNGT thì phải có giải pháp đồng bộ. Trong vấn đề TNGT thì TNGT đường bộ là vấn đề quan trọng nhất, vì số vụ, số người chết và TNGT nghiêm trọng xảy ra ở đường bộ chiếm tới hơn 80%.

Trong năm 2011, những giải pháp về nâng cao trật tự ATGT vẫn được thực hiện, chú trọng 7 nhóm giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết 32 bao gồm: hoàn thiện thể chế pháp luật về trật tự ATGT, cơ sở hạ tầng, đào tạo người lái, tuyên truyền phổ biến pháp luật, thực hiện nâng cao năng lực và hiệu quả của lực lượng tuần tra, kiểm soát… Sắp tới, Chính phủ sẽ có đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 32 và đề xuất những giải pháp mạnh mới.

Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng chiến lược bảo đảm ATGT đường bộ đến năm 2020 tầm nhìn 2030 với những giải pháp căn cơ. Nội dung nghiên cứu của chiến lược này đang trong giai đoạn cuối là hoàn thiện báo cáo cuối kỳ, sau khi hoàn thiện sẽ báo cáo Chính phủ để Chính phủ thông qua.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Anh (thực hiện)