Bộ trưởng GTVT: "Ý thức tham gia giao thông quá kém"
(Dân trí) - “Không thể chấp nhận được chuyện 2 dòng xe đi ngược chiều cứ đối đầu với nhau, cãi nhau và gây ùn tắc. Rõ ràng, văn hóa giao thông, ý thức tham gia giao thông của con người quá kém” - Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói về vụ tai nạn tại cầu Ghềnh.
Thưa Bộ trưởng, ông nhìn nhận như thế nào về vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại cầu Ghềnh (Đồng Nai) khiến 2 người chết và hơn 20 khác bị thương?
Đây là vụ việc đáng tiếc!
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn, trong đó phải xem xét đến văn hóa giao thông và ý thức tham gia giao thông của con người là quá kém. Không thể chấp nhận được chuyện 2 dòng xe đi ngược chiều cứ đối đầu với nhau, đứng trên cầu cãi nhau và cố tình gây căng thẳng, gây ùn tắc giao thông, vậy văn hóa giao thông ở chỗ nào?
Nếu lúc bấy giờ có ai đó nhường đường mà lùi xe lại thì giao thông được giải tỏa, cầu được thông trước lúc tàu đến thì tai nạn đáng tiếc đã không xảy ra.
Theo cơ quan công an thì trong vụ tai nạn cầu Ghềnh những người quản lý ở đây có vấn đề, tất nhiên các cơ quan sẽ xem xét cụ thể. Tuy nhiên, tai nạn xảy ra rõ ràng có vấn đề về văn hoá giao thông, ý thức tuân thủ Luật của người tham gia giao thông.
Vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng là sự cảnh báo về những nguy cơ xảy ra tương tự khi sử dụng chung hạ tầng cầu đường sắt và đường bộ ở nước ta, Bộ trưởng giải thích như thế nào về vấn đề này?
Hiện cả nước có 5.000 cái cầu thì chúng tôi tính có tới 700 cầu là yếu và phải xử lý cấp bách, tuy nhiên nguồn lực của đất nước hạn chế thì chúng ta không thể giải quyết được ngay tất cả những cầu này.
Có cầu đi riêng cho mỗi phương tiện đường bộ và đường sắt là tốt nhất. Nhưng vấn đề ở đây là nguồn lực của đất nước chưa cho phép, trong khi đó việc đầu tư xây dựng phải chịu chi phối rất lớn bởi yếu tố này nên không thể giải quyết được trong một sớm một chiều, trước mắt chúng ta phải chấp nhận sử dụng đường sắt chung với đường bộ.
Tôi khẳng định Việt Nam không phải là nước duy nhất trên thế giới sử dụng chung cầu đường sắt và đường bộ để tổ chức giao thông. Ở một số nước có trình độ như chúng ta, cao hơn chúng ta và thậm chí những nước tiên tiến họ vẫn sử dụng chung cầu đường sắt và đường bộ giống chúng ta, vấn đề là quản lý cầu như thế nào mà thôi.
Vai trò chiến lược của hệ thống đường sắt quốc gia không loại hình giao thông nào có thể thay thế, tuy nhiên hàng chục năm qua việc đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở đường sắt lại rất ít và không đúng tầm. Tại sao lại có sự “khập khiễng” như vậy thưa Bộ trưởng?
Đường sắt hiện tại là 1m nên không thể hiện đại hoá được, thêm vào đó hành lang an toàn giao thông của đường sắt hầu như bị lấn chiếm hoàn toàn cho nên ngành cũng có những bức xúc, phê phán nhiều về chuyện đường ngang…
Tuy nhiên, đầu tư nâng cấp đường sắt có tính chất khác với đường bộ, nếu đầu tư cho hệ thống đường sắt hiện có theo quy mô hiện đại, quy mô mới như đường bộ là chuyện bất khả kháng.
Vậy giải pháp nào có thể giải quyết được những vấn đề nêu trên thưa ông?
Trước mắt, Bộ GTVT sẽ rà soát lại toàn bộ các cầu sử dụng chung giữa đường sắt và đường bộ trên toàn quốc để ngăn chặn những nguy cơ xảy ra tai nạn như ở cầu Ghềnh.
Chúng ta phải đồng bộ giải quyết, chứ không phải đơn thuần vì một vụ tai nạn mà yêu cầu ngay lập tức phải tách tất cả các cây cầu đi chung thì thực thực sự là chúng ta chưa đủ lực.
Việc nâng cấp đường sắt là cần thiết, nhưng tính chất của đường sắt khác đường bộ nên nâng cấp cũng chỉ giải quyết được một phần nào đó chứ không thể giải quyết được triệt để. Về lâu về dài, Bộ GTVT sẽ quy hoạch một tuyến mới, tuyến đó phải là tuyến đường sắt đôi, tuyến đường sắt cơ giới hoá, hiện đại hoá thì mới giải quyết được một cách đồng bộ.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Quỳnh Anh