Anh nông dân nghèo với phát minh máy thái đa năng
(Dân trí) - Ở xã Diễn Lâm (huyện Diễn Châu, Nghệ An) có một người nông dân nghèo tự chế tạo máy thái sắn, củ quả và thức ăn gia súc, gia cầm cho năng suất cao. Sản phẩm tự chế của anh được bà con khắp nơi ưa chuộng, tìm đến đặt hàng tấp nập.
Học hết lớp 12, nhà nghèo, gia đình đông anh em nên Phạm Văn Hoan không có điều kiện học tiếp. Hoan là con nhà nòi, trước đời cố ngoại Hoan đã gắn bó với nghề rèn. Trải qua bao thăng trầm, nghề quạt than, nhóm lò, tiếng leng keng ở vùng quê anh lúc bấy giờ mai một dần đi. Đồ nhựa lên ngôi, nghề làm thau sắt, nồi đồng cũng ít người ưa chuộng. Duy chỉ một thứ không thể thay thế được, đó là dao phay. Mà nghề làm dao phay nhà anh vốn nức tiếng trong vùng từ lâu.
Nhờ thế, “thương hiệu” “Hoan dao phay” đã gắn bó với anh từ hơn 20 năm nay. Anh Hoan tâm sự: “Ngày đó, cứ nghĩ đến việc vợ phải nai lưng ra băm rau lợn bằng tay, tui thấy cực lắm. Gia đình lại chăn nuôi nhiều, hàng ngày phải mất hẳn một lao động ra để mỗi việc cho lợn ăn thì phí quá. Lúc đó, trong đầu tui nảy sinh ra ý tưởng chế tạo ra một cái máy thái bằng điện. Vừa tiện, lại vừa nâng năng suất gấp 10 - 12 lần người làm. Qua mày mò, nhớ lại kiến thức hồi mình còn đi học, tui đã làm ra một cái máy thái rau cho lợn đa năng chạy bằng điện”.
Bà con trong vùng thấy máy thái rau đa năng của anh Hoan làm việc hiệu quả, năng suất, giá cả phải chăng nên tìm đến đặt hàng. Tiếng lành đồn xa, nhiều nông dân ở các huyện trong ngoài tỉnh cũng tìm đến nhà anh đặt hàng, hỏi mua.
Gần 10 năm nay, người nông dân Phạm Văn Hoan đã làm ra hơn 10.000 chiếc máy thái đa năng cho bà con khắp nơi. Mỗi tháng, trung bình anh xuất lò khoảng 70 - 80 chiếc. Có tháng cao điểm vào vụ thu hoạch sắn, đơn đặt hàng lên đến gần 200 chiếc. Hiện nay, xưởng rèn của anh luôn có 3 - 4 lao động thường trực, chủ yếu là con em trong làng được anh tạo công ăn việc làm với mức thu nhập ổn định.