Ảnh hưởng Covid-19, Quảng Nam hụt thu khoảng 6.100 tỷ đồng

(Dân trí) - Sáng 14/7, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX khai mạc kỳ họp thứ 16. Nhiều chỉ tiêu về kinh tế xã hội không đạt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự kiến Quảng Nam hụt thu khoảng 6.100 tỷ đồng.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay, trong bối cảnh chịu tác động hết sức nặng nề của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm bằng 88,49% so với cùng kỳ năm 20191, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hơn 26.790 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010).

Ảnh hưởng Covid-19, Quảng Nam hụt thu khoảng 6.100 tỷ đồng - 1

Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX khai mạc sáng 14/7

Trong đó so với cùng kỳ năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên đây là khu vực duy nhất có mức tăng trưởng 3,25%; khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ bằng 80% so với cùng kỳ; trong đó công nghiệp bằng 77,75%; khu vực dịch vụ bằng 89,32% cùng kỳ năm 2019; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm bị giảm sâu do nhiều hoạt động sản xuất trong 6 tháng đầu năm giảm sút nên chỉ bằng 91,21% so cùng kỳ năm trước. Quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) hơn 44.421 tỷ đồng.

“Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh. Đáng chú ý là các doanh nghiệp có quy mô lớn do hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi giá trị liên kết trong nước và quốc tế nên sức ép ảnh hưởng lớn khi dịch bệnh vẫn đang bùng phát mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu”, ông Lê Trí Thanh phát biểu.

Ảnh hưởng Covid-19, Quảng Nam hụt thu khoảng 6.100 tỷ đồng - 2

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại kỳ họp

Đến thời điểm hiện tại (tháng 7/2020), hầu hết các doanh nghiệp dần trở lại nhịp độ sản xuất bình thường nhưng vẫn còn chậm; nhiều doanh nghiệp phải thực hiện giãn cách xã hội, cho công nhân làm việc thay phiên hoặc tạm ngừng sản xuất.

Công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô ngoài sự ảnh hưởng của dịch bệnh còn chịu sự ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng nhập khẩu và các sản phẩm ô tô sản xuất trong nước; một số nhà máy khác bị ảnh hưởng như sản xuất bia gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ, thủy điện tích nước thiếu.

Bên cạnh đó từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có dự án mới sản xuất công nghiệp có quy mô lớn đi vào hoạt động. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 24,7% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn nên thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng gặp không ít khó khăn. Dự báo thu nội địa trên địa bàn tỉnh năm 2020 hơn 14,4 nghìn tỉ đồng, đạt 70% dự toán, hụt thu khoảng 6,1 nghìn tỷ đồng.

Do thu ngân sách khó khăn nên HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương cắt giảm dự toán chi ngân sách năm 2020.

Theo đó, tỉnh Quảng Nam cắt giảm dự toán chi thường xuyên năm 2020 của ngân sách tỉnh là 730 tỷ đồng; cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020 hơn 1,4 nghìn tỷ đồng. Sau khi cắt giảm dự toán chi năm 2020 nêu trên cùng với cắt giảm chi ở một số huyện, thành phố; số dự kiến hụt thu còn lại khoảng hơn 2,2 nghìn tỷ đồng.

Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX sẽ diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 14-15/7.

Công Bính