1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

"Anh cứ yên tâm vận chuyển lương thực cho bộ đội, ở nhà đã có em lo"

Thanh Tùng

(Dân trí) - Trong lá thư gửi chồng, dù nhà vừa bị cháy, vợ ông Khôi vẫn động viên chồng yên tâm công tác, cố gắng vận chuyển lương thực thật nhanh ra chiến trường Điện Biên Phủ để bộ đội ta ăn no chiến đấu.

Đêm 5/5, tại TP Điện Biên Phủ, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng", kết nối trực tiếp với 4 điểm cầu Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và TPHCM.

Chương trình đã đưa khán giả đến với những cung bậc cảm xúc khó tả, các chiến sĩ Điện Biên như được quay trở lại năm tháng hào hùng với những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn.

Anh cứ yên tâm vận chuyển lương thực cho bộ đội, ở nhà đã có em lo - 1

Chương trình kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại điểm cầu quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp).

Trong chương trình, khán giả được gặp gỡ và giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, xem lại những đoạn phim tư liệu về chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" diễn ra cách đây vừa tròn 70 năm.

Tại điểm cầu Thanh Hóa, nhiều người xem không khỏi xúc động và tự hào trước đoạn trò chuyện trên sóng truyền hình của ông Trần Đức Khôi (98 tuổi) - nguyên Chính trị viên Đại đội dân công xe đạp thồ Điện Biên thị xã Thanh Hóa (nay là tỉnh Thanh Hóa).

Nhớ lại những năm tháng hào hùng của 70 năm về trước, ông Khôi cho biết, lúc bấy giờ, khi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa tuy xa trận địa, nhưng được xác định là hậu phương chủ chốt cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường.

Anh cứ yên tâm vận chuyển lương thực cho bộ đội, ở nhà đã có em lo - 2

Tiết mục văn nghệ tái hiện lại hình ảnh đoàn dân công xe đạp thồ Thanh Hóa vận chuyển lương thực ra chiến trường Điện Biên Phủ (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp).

Sau khi tiếp nhận chỉ đạo, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập một đại đội dân công phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại đội này có nhiệm vụ vận tải lương thực thực phẩm để các chiến sĩ ở chiến trường được ăn no, quyết chiến đánh thắng quân địch.

"Lúc bấy giờ, đại đội dân công được thành lập, trong đó nhân dân có đóng góp to lớn để chung tay thành lập đại đội xe thồ, mọi người dân góp tiền của đi mua xe đạp, thuốc men ra chiến trường", ông Khôi nhớ lại.

Theo ông Khôi, để các thành viên trong đoàn dân công yên tâm làm nhiệm vụ, Đại đội dân công còn quan tâm giúp đỡ gia đình khó khăn, chăm lo cho người thân của những dân công tham gia vào chiến dịch.

Anh cứ yên tâm vận chuyển lương thực cho bộ đội, ở nhà đã có em lo - 3

Ông Trần Đức Khôi, nguyên Chính trị viên Đại đội Dân công xe đạp thồ Điện Biên trao đổi với phóng viên truyền hình (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp).

Ông Khôi kể, do ban ngày quân địch liên tục thả bom, bắn phá nên đoàn dân công chủ yếu hoạt động vào ban đêm.

"Cứ 15 ngày một lần, tỉnh Thanh Hóa cử đoàn tiếp phẩm gồm các đoàn thể chính trị từ bộ đội đến công an cùng đi theo đoàn để tiếp phẩm cho tiền tuyến", ông Khôi kể.

Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời, ông Khôi cho biết, thời gian tham gia vào đoàn dân công, ông vừa tròn 28 tuổi. Lúc bấy giờ vợ của ông hạ sinh người con thứ hai được hai tháng tuổi. Trong một lần cùng đoàn dân công đưa thực phẩm lên Điện Biên, ông vui mừng, phấn khởi khi nhận được lá thư của người vợ gửi lên.

Anh cứ yên tâm vận chuyển lương thực cho bộ đội, ở nhà đã có em lo - 4

Chiếc xe thồ của dân công Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

"Trong thư vợ tôi nhắn căn nhà của gia đình ở quê bị cháy. Một đứa con lớn khoảng 3-4 tuổi chạy thoát ra đường, cô con gái nhỏ (2 tháng tuổi) mới sinh được vợ tôi cuốn chiếu ném qua bờ ruộng để đỡ bị cháy. Khi chữa cháy xong mọi người đi ra tìm con, rất may kiến không đốt, vẫn an toàn.

Vợ tôi còn không quên căn dặn "anh cứ yên tâm vận chuyển lương thực cho bộ đội ăn no, đánh nhanh thắng lớn, còn ở nhà đã có em, anh đừng có lo"", ông Khôi hồi ức lại những lời căn dặn, động viên của vợ.

Ông Khôi cho biết, sau khi nhận được thư với những lời nhắn nhủ của vợ, ông cảm thấy rất yên tâm, phấn khởi, tiếp tục cùng anh em dân công nỗ lực vận chuyển lương thực kịp thời chi viện cho tiền tuyến.

Anh cứ yên tâm vận chuyển lương thực cho bộ đội, ở nhà đã có em lo - 5

Ông Khôi nay đã 98 tuổi, nhớ về những năm tháng hào hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: Chụp màn hình tại cầu truyền hình).

"Khi đó tất cả vì tiền tuyến nên ai cũng hăng say xẻ núi, xẻ rừng, lên dốc, xuống đèo. Dù cho mưa dầm gió thổi nhưng vẫn không có gì ngăn cản được lực lượng dân công Thanh Hóa tiến về phía trước để đưa lương thực thực phẩm cho bộ đội ta chiến đấu. Trên đường đi, anh em vẫn giữ vững tinh thần quyết chiến, quyết thắng "đèo cao thì mặc đèo cao, tinh thần tiếp viện còn cao hơn đèo", ông Khôi xúc động nói.

Theo thống kê, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa huy động 30% số người trong độ tuổi lao động tham gia dân công hỏa tuyến, với tổng số gần 179.000 lượt người, 27 triệu ngày công.

Đặc biệt, Thanh Hóa còn huy động hơn 10.000 xe đạp thồ; 1.300 thuyền nan, thuyền ván; 47 xe ngựa thồ, 31 ô tô, 180 xe trâu vận chuyển lương thực tiếp tế cho tiền tuyến.