1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Ấn tượng cam kết của Việt Nam về rác thải nhựa đại dương

(Dân trí) - Việt Nam muốn trở thành quốc gia đi đầu trong việc hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa đại dương.

Trên đây là cam kết của Việt Nam nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 6 của Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF 6) với các phiên họp toàn thể và Bàn tròn Cấp cao vừa diễn ra trong hai ngày 27 và 28/6 tại Đà Nẵng.

Các phiên họp toàn thể và Bàn tròn Cấp cao của GEF 6 vừa diễn ra trong hai ngày 27 và 28/6
Các phiên họp toàn thể và Bàn tròn Cấp cao của GEF 6 vừa diễn ra trong hai ngày 27 và 28/6

Thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Lê Công Thành và bà Naoko Ishii - Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành GEF cùng nhấn mạnh tại buổi họp báo về kết quả kỳ họp vào chiều tối 28/6.

Thứ trưởng Lê Công Thành và bà Naoko Ishii - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GEF chủ trì họp báo kết quả kỳ họp quan trọng nhất về môi trường toàn cầu năm 2018 - GEF 6
Thứ trưởng Lê Công Thành và bà Naoko Ishii - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GEF chủ trì họp báo kết quả kỳ họp quan trọng nhất về môi trường toàn cầu năm 2018 - GEF 6

Việt Nam cam kết đi đầu trong mục tiêu tăng trưởng xanh và quản lý rác thải nhựa

Thông báo kết quả kỳ họp tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành cho biết: Trong suốt tuần lễ của GEF 6 (từ 23/6 - 29/6), Việt Nam đã tổ chức thành công 3 Hội nghị bên lề và tham gia sâu vào các Phiên họp Bàn tròn cấp cao tại kỳ họp.

Liên quan đến vấn đề đang được quan tâm hiện nay về rác thải nhựa đại dương, tại các Hội nghị bàn tròn cao cấp về chủ đề này, Việt Nam đã khẳng định cam kết chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong việc quản lý rác thải nhựa, giảm thiểu và tiến đến loại bỏ việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Các đại biểu đánh giá cao các sáng kiến và cam kết của Việt Nam tại GEF 6
Các đại biểu đánh giá cao các sáng kiến và cam kết của Việt Nam tại GEF 6

Dịp này, Bộ trưởng Bộ TN - MT Trần Hồng Hà cũng đã có buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế về môi trường như Liên Hợp Quốc (UN), Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO)… Qua đó, góp phần tăng cường, thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương và đa phương; đồng thời, tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực: ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, hóa chất, suy thoái đất, vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững.

Thông điệp GEF 6: Thế giới cần chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn

Đồng ý với Thứ trưởng Lê Công Thành về kết quả của GEF 6, bà Naoko Ishii - Chủ tịch kiêm Giám đốc GEF chia sẻ ấn tượng với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “Việt Nam kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”. Theo bà Naoko Ishii, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cùng với những thông điệp rất rõ ràng tại phiên khai mạc GEF 6 đã truyền cảm hứng cho tất cả các đại biểu tham dự GEF 6.

Báo chí trong nước và quốc tế tham dự đưa tin, truyền tải các thông điệp hành động vì môi trường từ GEF 6
Báo chí trong nước và quốc tế tham dự đưa tin, truyền tải các thông điệp hành động vì môi trường từ GEF 6

Giám đốc Điều hành kiêm Chủ tịch GEF cũng đồng thời nhấn mạnh thông điệp của GEF 6 là sự cần thiết phải chuyển đổi từ nền kinh tế phát triển thông thường sang nền kinh tế tuần hoàn mà cốt lõi là rác thải/chất thải của ngành này được tận dụng để làm nguyên vật liệu của ngành khác. Chẳng hạn, đã có nước thành viên của GEF thực hiện ý tưởng lấy khí thải của điều hoà làm năng lượng đun nước nóng.

Chính vì vậy, GEF đánh giá cao sáng kiến và cam kết của Việt Nam trong việc muốn trở thành quốc gia đi đầu về tiến tới mục tiêu tăng trưởng xanh và giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa đại dương.

Bà Naoko Ishii cũng cho rằng, để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam cần chuyển đổi về mô hình phát triển, cần sự tham gia của các lĩnh vực kinh tế và khai thác thế mạnh của các nhóm cộng đồng.

GEF 6 với các phiên họp toàn thể diễn ra trong hai ngày 27 và 28/6 là một trong những cuộc họp toàn cầu quan trọng nhất về môi trường trong năm 2018. Sự kiện có sự tham gia của Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, Bộ trưởng của 180 quốc gia thành viên của GEF, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.

Tham dự và phát biểu khai mạc GEF 6 sáng 27/6, bên lề kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có các cuộc hội kiến với Tổng thống Nauru, Tổng thống Marshalls và Tổng thống Guyana đến Đà Nẵng tham dự GEF 6.

Khánh Hiền