1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ăn Tết Việt ở Singapore

Cách Hà Nội khoảng ba giờ bay nhưng không phải năm nào những người Việt đang học tập, công tác tại Singapore cũng có thể về nhà để hưởng một cái Tết Nguyên đán trọn vẹn với gia đình và bạn bè.

Tuy nhiên, họ cũng được an ủi một phần nhờ không khí Tết của người Hoa tại Singapore, cũng trùng với lịch ăn Tết của người Việt ta.

Singapore là một quốc đảo ở Đông Nam Á, có khí hậu nhiệt đới quanh năm. Xứ sở của hoa phong lan này nổi tiếng bởi sự sạch sẽ, an ninh vào bậc nhất có lẽ nhờ số dân khá khiêm tốn, chỉ khoảng hơn 4 triệu người trong đó phần lớn là người Hoa, người Mã Lai, Ấn Độ, và khoảng gần một phần tư là người nước ngoài.

Với sự đa dạng phong phú về chủng tộc và ngôn ngữ, người Singapore một năm có đến 11 ngày lễ nghỉ. Người gốc Hoa cũng vẫn được nghỉ những ngày lễ của người Ấn Độ đạo Hindu (lễ Deepavali - 1 ngày trong năm) và lễ của người Mã Lai Hồi giáo (2 ngày trong năm Hari Raya Haji và Hari Raya Puasa).

Nhưng có lẽ ngày Tết Nguyên đán vẫn có không khí tưng bừng hơn cả bởi người Singapore gốc Hoa vốn chiếm số đông và họ có liền hai ngày nghỉ để đón Tết. Phần lớn các công ty cho nhân viên nghỉ chiều ba mươi Tết bởi với họ, bữa cơm tất niên cũng là buổi họp mặt gia đình có ý nghĩa thiêng liêng.

Việc đón Tết có lẽ nơi đâu cũng vậy. Ai cũng nhộn nhịp dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, mua hoa, mua câu đối treo trước cửa nhà. Những gia đình truyền thống ở Singapore vẫn theo nếp cũ, chuẩn bị Tết từ trước đó một, hai tháng, rồi đi lễ chùa tạ ơn cho gia đình.

Thực phẩm ở Singapore tương đối gần gũi với người Việt Nam. Chỉ có bánh chưng, giò chả “xịn” thì vẫn phải trông chờ vào việc có người quen mang sang cho.

Hoa thì có hoa lan, thủy tiên, trúc uốn thành chữ “phúc”, tầm xuân hay cây quất cảnh. Hoa đào chỉ bán theo nhánh chứ không có cành đào thế như ở Việt Nam. Đặc biệt nhiều người Hoa không thích mua hoa mai, vì từ “mai” có âm gần giống với từ “không may mắn” trong tiếng Hoa.

Tết đến, người ta cũng đi chúc tụng nhau. Trẻ con hay người ít tuổi thì mang theo một giỏ cam, vì cam là tượng trưng cho sự may mắn, tới chúc người lớn tuổi hơn. Trẻ con và những người chưa lập gia đình thì được nhận tiền mừng tuổi trong một phong bao đỏ gọi là hồng bao.

Mọi người quây quần bên bàn ăn và cầm đũa xới tung một đĩa nộm nhiều màu sắc đẹp mắt và cùng hô to một câu để chúc nhau may mắn vào dịp năm mới.

Có thể thấy tính thương mại ngay cả trong việc đón Tết của người Singapore. Người ta thích câu “Cung hỷ phát tài” hơn câu “Chúc mừng năm mới”.

Tết cũng là dịp tốt để người ta tranh thủ kinh doanh. Có điều giá cả ở các chợ hay siêu thị không vì Tết mà tăng chóng mặt như ở Việt Nam. Các trung tâm thương mại thì chỉ chờ những dịp lễ tết để đua nhau giảm giá, tặng quà, khuyến khích khách hàng mua thật nhiều.

Tuy không về được quê hương ăn Tết, người Việt Nam vẫn không cảm thấy lạc lõng. Mọi người tự sắm sửa cho mình một cái Tết thật đầy đủ.

Cũng đi thăm nhau, chúc Tết, ăn uống theo phong tục Việt Nam, hay nhân ngày nghỉ thì đi tham quan một số nơi, như Vườn Trung Quốc (Chinese Garden), HawPar Villa, khu phố Tàu, xem múa lân trên đường Orchard... Đâu đâu cũng mang màu sắc lễ hội, đậm nét truyền thống Trung Hoa. Các phố lớn, các trung tâm thương mại được trang hoàng rất đẹp, với những đèn lồng đỏ và hoa đủ màu rực rỡ.

Người Việt Nam có hơn 5.000 người, trong đó có khoảng 300 cán bộ và gia đình sang công tác, khoảng 1.000 người làm việc tự do. Số những người Việt, hoặc Việt kiều đến từ nước thứ ba cũng không nhỏ, gần 300 người.

Ngoài ra còn phải kể đến khoảng hơn 4.000 học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh đang học tại các trường tiểu học, trung học, đại học công và tư của Singapore. Số người kết hôn với người Singapore cũng có khoảng 400 người.

Tốc độ sống hối hả và nhộn nhịp ở một đất nước nhiều màu da và ngôn ngữ như Singapore có nhiều lúc làm người ta tạm quên đi tiếng mẹ đẻ. Bởi ai ai cũng giao tiếp với nhau bằng một ngôn ngữ chung thông dụng là tiếng Anh với những khẩu âm khác nhau, và chẳng mấy ai ngạc nhiên, hay tỏ bất cứ một thái độ nào nếu bạn nói tiếng Anh kém, không lưu loát. Tất cả đều bình đẳng như nhau. Chỉ tới ngày lễ tết truyền thống, người ta mới nhớ đến quê nhà, nhớ về nguồn cội của mình hơn bao giờ hết.

Năm nào, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore cũng tổ chức một buổi gặp mặt cho tất cả những người dân Việt Nam kể cả Việt kiều. Những ai có tên trong danh sách đăng ký với Đại sứ quán thì được gửi giấy mời, ai không có cũng có thể tới dự.

Theo ông Nguyễn Đình Nhị - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore - thì ngày Tết là một ngày lễ thiêng liêng, quan điểm của Đại sứ quán là mở rộng chào đón tất cả bà con ta đang ở đây.

Và để có được sự góp mặt đông đủ nhất của mọi người, buổi lễ thường được tổ chức vào một tối cuối tuần, trước Tết khoảng một tuần, để ai về Việt Nam ăn Tết cũng vẫn dự được.

Bước chân vào khuôn viên của Đại sứ quán mọi người đều nói tiếng Việt, một ngôn ngữ thân thương mà có khi chỉ sống xa nhà lâu ngày mình mới thấy nó đáng quý, đáng yêu và êm tai biết bao. Các ca sĩ, nhạc công được mời từ nước nhà sang biểu diễn càng làm cho không khí thêm sinh động. Và đặc biệt, buổi tiệc còn đậm chất Việt Nam hơn nhờ có những món ăn truyền thống. Không thiếu một thứ gì, từ bánh chưng, nem rán, giò, chả, măng, miến...

Tất cả đều nhờ vào sự cố gắng và lòng nhiệt tình của những cán bộ công tác tại Đại sứ quán, cả gia đình, vợ con của họ đang ở đây cũng góp công góp sức. Rồi có cả những Việt kiều cũng có mặt trong việc tham gia chuẩn bị. “Tôi thấy chẳng ở đâu không khí giữa Việt kiều và Sứ quán thân mật và gần gũi như ở Singapore”. Một Việt kiều Australia đang làm việc ở Singapore từ hơn 7 năm nay tâm sự. “Năm nào tôi cũng dự bữa cơm tất niên của Đại sứ quán và tôi cảm thấy như đang được sống tại quê nhà”. Chẳng thiếu gì cả, có lẽ chỉ thiếu mỗi món thịt đông và một ít gió lạnh của đất Bắc.

Và với tất cả những con người sống xa quê hương thì chỉ một buổi gặp gỡ như thế cũng đã là quá đủ để bù đắp sự nhớ nhung quê nhà, nhớ cái ấm bên bếp củi đun nồi bánh chưng, cái thú mặc áo len và sờ vào cái bánh chưng nóng giãy tay, nhớ cái khói nhang thắp ông bà tổ tiên trên bàn thờ.

Một cái Tết ấm áp như thế, làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn, thấy thêm nhớ, thêm yêu Việt Nam. Mà đâu chỉ có người mình cảm thấy vậy, ngay cả những vị khách nước ngoài cũng hòa nhập trong không khí Việt, lẩm nhẩm hát bài dân ca Việt Nam cùng các ca sĩ đang biểu diễn trên sân khấu.

Theo Thanh Loan
Báo An ninh Thủ đô