1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Án lệ quyền lập di chúc: Con trai không được hưởng thừa kế từ bố mẹ?

(Dân trí) - 2 cấp toà án thuộc tỉnh Vĩnh Phúc tuyên bố các văn bản di chúc (của bố mẹ để lại phần tài sản cho con trai) vô hiệu là chưa đủ căn cứ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Văn Dương.

Liên quan đến việc TAND Tối cao vừa ban hành Án lệ số 34/2020 về quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi có bồi thường mà Dân trí đã phản ánh, Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết Chủ tịch UBND tỉnh này đã nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Dương (đường Ngô Quyền, phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên) tố cáo ông Trần Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên ký quyết định giao đất trái phép cho hộ gia đình ông Trần Văn Y. trái quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của gia đình mình.

Tuy nhiên, sau khi xem xét báo cáo của Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc và căn cứ theo Luật Tố cáo năm 2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định nội dung tố cáo trên không đủ điều kiện để Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc thụ lý giải quyết.

Án lệ quyền lập di chúc: Con trai không được hưởng thừa kế từ bố mẹ? - 1

TAND thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trả lời PV Dân trí, ông Lưu Văn Dũng - Chánh Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có kháng nghị giám đốc thẩm, tuyên huỷ 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm; đồng thời giao TAND thành phố Vĩnh Yên xét xử lại.

Chính vì thế, sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật của toà, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc mới có cơ sở xem xét, giải quyết vụ việc liên quan đến quyền lợi của ông Nguyễn Văn Dương.

Đã có quyết định huỷ án vẫn giao đất cho người khác

Án lệ số 34/2020 vừa được TAND Tối cao ban hành lấy nguồn từ Quyết định giám đốc thẩm số 58/2018 của TAND Cấp cao tại Hà Nội về vụ án dân sự “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong đó nhấn mạnh, 2 cấp toà án thuộc tỉnh Vĩnh Phúc tuyên bố các văn bản di chúc (của bố mẹ ông Dương để lại phần tài sản là bất động sản cho ông Dương - PV) vô hiệu là chưa đủ căn cứ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông Dương.

Chính vì thế, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 23/2015 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc và bản án sơ thẩm số 10/2014 của TAND thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc); đồng thời giao hồ sơ vụ án cho TAND Thành phố Vĩnh Yên xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định pháp luật.

Trong khi đó, ngày 12/6/2018, UBND thành phố Vĩnh Yên lại ban hành Quyết định số 1623/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên Trần Ngọc Hải ký giao đất tái định cư cho ông Trần Văn Y. thuộc đối tượng bị thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng khu dân cư.

Ngay lập tức, ông Nguyễn Văn Dương đã gửi rất nhiều đơn thư để mong cơ quan chức năng thành phố Vĩnh Yên trả lại quyền lợi hợp pháp của gia đình mình nhưng tới nay đều bặt vô âm tín.

Hơn nữa, mặc dù TAND Cấp cao tại Hà Nội đã yêu cầu rất rõ trong kháng nghị huỷ 2 bản án từ năm 2018 nhưng tới nay TAND thành phố Vĩnh Yên vẫn chưa có kế hoạch được đưa vụ tranh chấp ra xét xử. “Việc đó đã ảnh hưởng rất lớn tới quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi”- ông Dương bức xúc.

Thế Kha