1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

An Giang mạnh tay cấm khai thác cá “trời cho”

(Dân trí) - Lũ về, hàng trăm tấn cá linh xuất hiện và khi nước lũ rút, loại cá này cũng “biến mất”. Chính vì sự xuất hiện đặc biệt đó nên loài cá này còn được gọi là cá “trời cho”. Năm nay, trong khoảng thời gian từ 1/6 đến 30/8, An Giang cấm người dân khai thác cá linh non.

Năm nào cũng vậy, mỗi khi con nước đỏ lừ từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về các huyện đầu nguồn của Việt Nam như: An Phú, Tân Châu (An Giang); huyện Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp)… người dân các vùng này lại rôm rả chuyện đặt đáy bắt cá linh non. Có nhà thu được bạc triệu, ít cũng được vài trăm ngàn từ việc bán cá linh non.

Theo báo cáo của ngành chức năng An Giang, hiện mực nước trên sông Tiền, sông Hậu và một số tuyến kênh chính đang lên nhanh, bình quân mỗi ngày lên từ 10-15cm.

Theo dự báo, mực nước lũ năm nay sẽ cao hơn cùng kỳ nhiều năm qua, do vậy bà con sống nghề câu lưới đang ngóng chờ có mùa lũ đẹp, thuận lợi khai thác thủy sản, mưu sinh.


Do An Giang mạnh tay trong việc cấm khai thác cá linh non nên tình trạng đặt đáy, dớn... bắt cá trời cho giảm hẳn (ảnh minh họa)

Do An Giang mạnh tay trong việc cấm khai thác cá linh non nên tình trạng đặt đáy, dớn... bắt cá "trời cho" giảm hẳn (ảnh minh họa)

Nhiều ngày qua, người dân khai thác loại cá linh đã rục rịch vào vụ. Theo người dân, cá linh non về nhiều hơn mọi năm nhưng việc khai thác khó khăn hơn vì chính quyền siết chặt việc khai thác.

Ông Nguyễn Văn T. – xã Phú Hữu (huyện An Phú) - cho biết, mấy năm trước đặt đáy trên kênh Bảy Tiếp bắt cá linh dễ dàng. Năm nay chính quyền thông báo cấm bắt cá từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 8. Tuy nhiên, một số người vẫn lén lúc đóng đáy ban đêm. Còn những năm lũ lớn về trước, mỗi ngày ông đặt đáy bắt vài chục ký cá linh non là chuyện bình thường.

Hiện giá bán cá linh non tại chỗ cho các thương lái dao động từ 100.000 – 150.000 đồng/kg cá. Khi loại cá “trời cho” này về đến các thành phố, chợ đầu mối, giá lại tiếp tục tăng lên gấp đôi.

Về nguồn cá, phần lớn là mua lại từ các thương lái Campuchia, một số ít đặt đáy trên các sông đầu nguồn ở Việt Nam.


Cá linh là món ăn rất được yêu thích ở miền Tây.

Cá linh là món ăn rất được yêu thích ở miền Tây.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Anh Thư - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang - cho biết, việc cấm khai thác cá linh non không mới nhưng năm nay, Sở phối hợp với các ngành chức năng, lãnh đạo các huyện, xã siết chặt lại việc này. Trong khoảng thời gian từ 1/6 đến 30/8 không được khai thác cá linh non. Tuy nhiên nếu nước lũ về sớm và nhiều, Sở sẽ rút ngắn thời gian cấm để bà con mưu sinh.

Ông Thư cho biết, năm nay việc đặt đáy bắt cá giảm hẳn, nguồn cá linh non đang bán ở các chợ phần lớn là mua từ các thương lái Campuchia. Qua gần 2 tháng ngành chức năng tỉnh An Giang siết chặt việc khai thác cá linh non, đến nay chưa xử lí trường hợp nào. Riêng việc vận chuyển, bày bán rất khó xử lí.

Việc cấm khai thác cá linh non là để tránh tình trạng tận diệt loài cá này.

Xung quanh việc khai thác thủy sản theo cách tận diệt (dùng xuyệt điện, lưới cào điện…), ông Trần Anh Thư trăn trở, vừa qua, Sở tham mưu với UBND tỉnh cần tăng cao hình thức xử phạt, tịch thu phương tiện, nhất là đối với ghe cào. Vì một chiếc ghe cào điện, có khả năng tận diệt bằng cả 100 người dân đi xuyệt cá.

Tuy nhiên, việc tịch thu ghe cào pháp luật chưa cho phép. Vì vậy thời gian tới, Sở sẽ kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu điều chỉnh việc này.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm