1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

An Giang:

Lũ nhỏ, nghề đóng đáy cá linh trên sông thất thu

(Dân trí) - Nước lũ về cũng là lúc nhiều hộ dân ở An Giang làm nghề đóng đáy, đặt lọp, dớn vào vụ đánh thủy sản. Năm nay, lũ nhỏ, sản lượng cá đánh bắt giảm nhiều. Ghi nhận thực tế cho thấy, nghề đóng đáy bắt cá linh trên sông đang bị thất thu đáng kể.

Theo dự báo nước lũ năm nay lớn hơn năm vừa rồi, cư dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản dọc tuyến biên giới An Giang rất phấn khởi và kỳ vọng một mùa cá bội thu. Tuy nhiên, lượng cá năm nay ít nên hoạt động diễn ra khá trầm lắng...


Để đóng đáy trên sông, hộ làm nghề phải bỏ ra chi phí hàng trăm triệu đồng để đấu thầu, thuê nhân công, mua dụng cụ đánh bắt. Chấp nhận sống bằng nghề “bà cậu” nên lời lãi phụ thuộc vào con nước. Ông Trần Văn Hận ở ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông (An Phú, An Giang) có hơn 15 năm trong nghề đóng đáy cá linh trên sông Vĩnh Hội Đông cho biết: “Để đóng được đáy hàng năm phải đấu thầu. Năm nay, tôi trúng thầu đường ven hạng nhất vì nằm ngay đoạn đầu trên sông với giá 650 triệu đồng cho một gian đáy khai thác cá. Năm vừa rồi, do mùa đánh bắt thuận lợi cá linh về nhiều nên hộ tham gia có lãi, còn năm nay giá thầu ở mức cao mà lượng cá linh lại ít”.

Chúng tôi cùng ông Hận xuống xuồng máy ra giữa dòng sông để cảm nhận được đánh bắt cá linh trên sông nước mùa nước nổi. Chiếc xuồng máy vừa tấp vào túi đáy đầu tiên, 3 anh em nhân công nâng túi đáy từ từ lên mặt nước. Ông Hận thốt lên: “Cái túi này chắc được khoảng hơn 5 kg giảm hơn thời điểm một tháng trước rất nhiều, còn so với năm vừa rồi thì giảm đến 20 – 30 kg/lần đổ. Thường thì cứ cách nhau khoảng 20 - 30 phút đổ đáy một lần, nhưng giờ vì ít cá nên giữa hai lần đổ đáy cách nhau cả  tiếng đồng hồ”.

Anh Nguyễn Văn Nẩy ở ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội làm nhân công đóng đáy chia sẻ thêm: “Cá linh đầu mùa thường chạy theo luồng chứ không đợi đến việc trời mưa hay nắng. Những năm trước đây, nếu trúng một luồng cá là đã đầy túi, đổ không kịp có thể cả giàn đáy bị nước lũ cuốn trôi. Nhưng chuyện đó bây giờ rất khó diễn ra vì lượng cá ngày càng ít. Cứ mỗi ngày hứng được chừng 300 - 400 kg là dữ lắm rồi”.

 

Theo thiết kế, miệng đáy được đặt sát mép nước và sâu khoảng 5m. Túi đáy dài khoảng 60m có thể chứa từ 500 – 600 kg cá. Những ngày cá chạy nhiều, cứ 20 phút đổ đáy 1 lần và làm liên tục trong 24 giờ. Mỗi lượt đi đổ đáy cần đến 4 – 5 người. Tuy nhiên, hiện tại chỉ cần 3 người là có thể làm được. Ông Hận cho hay, khi nào nước lũ tràn đồng thì dân nghèo mới có thể bắt được cá linh bằng cách đặt dớn, đặt lọp... còn những người đánh bắt cá trên sông bằng đáy thì cần phải có số vốn lớn, có thể lên đến cả tỷ đồng.


Tính đến thời điểm hiện tại, mực nước lũ năm nay thấp hơn năm các năm trước. Từ đó, nguồn thủy sản lại giảm đi, đặc biệt là cá linh. Mùa cá linh bắt đầu từ tháng 7 – 11 (âm lịch) hứng cả cá linh non và cá già. Anh Trần Văn Phú làm nghề đóng đáy cùng ở ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông nói: “Với mỗi gian đáy phải thuê 8 công nhân làm, mỗi tháng chi phí 3 triệu đồng/người/tháng. Nhưng bình quân mỗi ngày một gian đáy chỉ hứng được từ 100 – 200 kg/ngày. Giá bán đầu năm là 16.000 đ/kg, nhưng đến hiện tại 12.000 đ/kg. Còn cá chết bán cá mồi chỉ có 6.000 đ/kg. Thường thì trong quá trình đánh bắt cá chết khoảng 30 %”.

Được biết, năm nay những người đánh bắt cá ngoài tự nhiên gặp phải nhiều khó khăn. Năm ngoái, mỗi ngày với một giàn đáy kéo cũng được 500  - 1.000 tấn cá linh/ngày, còn hiện tại số lượng giảm đi 4 – 5 lần nên không đủ để bù vào chi phí. Theo anh Nẩy, năm nay, nước lũ về sớm nhưng cá lại ít vì nước lên vội, cá tản đi sang nơi khác. Giờ mùa cá linh non đã thất thu chỉ còn đợi mùa cá linh già nhưng lượng cá ngày một ít nên nghề này năm nay coi như làm không công, thậm chí lỗ nặng. 

Nhiều ngư dân có kinh nghiệm đánh bắt cá linh cho biết: Cá linh là một loài cá đi theo con đường nước lớn từ Campuchia đổ xuống. Vài năm trước đây, mỗi mùa nước lũ về cá linh nhiều không kể xiết. Người làm nghề đánh bắt có nguồn thu nhập kha khá. Nhưng năm nay, cá linh về không nhiều nên từ sáng đến giờ mà chỉ có vài kg cá khiến cuộc mưu sinh sẽ khá chật vật.

Trong giờ giải lao chờ luồng cá mới đổ về, anh Nguyễn Văn Phẩy, một công nhân khác cho biết: Cái nghề này không nặng nhọc như bao nhiêu nghề khác nhưng mọi người phải có sức bền để có thể thức thâm đêm suốt sáng. Để lưới thông, cá chạy nhiều, khoảng 4 giờ đồng hồ, 8 nhân công hợp sức dùng thanh tre đập mành lưới cho thật sạch rong rêu, rác rưởi. Đặc biệt, khi phát hiện có lục bình tấp vào là phải đẩy ra khỏi miệng đáy, nếu không lũ cuốn trôi cả đáy.


Những chiếc xuồng máy dùng để đi đóng đáy bắt cá linh
Những chiếc xuồng máy dùng để đi đóng đáy bắt cá linh

Nhóm thợ của ông Hận chuẩn bị đi đổ đáy
Nhóm thợ của ông Hận chuẩn bị đi đổ đáy


Để đổ được
đáy, người làm nghề phải kéo trục quay để cho dây đáy ngắn lại.
Để đổ được đáy, người làm nghề phải kéo trục quay để cho dây đáy ngắn lại.

Bình quân 20
– 30 phút đổ đáy một lần. Nhưng do ít chạy nên khoảng 1 tiếng mới được đổ.
Bình quân 20 – 30 phút đổ đáy một lần. Nhưng do ít chạy nên khoảng 1 tiếng mới được đổ.


Cá
linh sau khi được kéo lên được đổ vô xuồng.
Cá linh sau khi được kéo lên được đổ vô xuồng.

Cá
linh sau khi được kéo lên được đổ vô xuồng.
Sau đó thợ đãi bớt rác rồi xúc cá đổ vào một cái vèo lớn có trải lưới để lượt, cá lớn sẽ được thả lại ra sông. 

Năm nay, nước lũ lên xuống đột ngột nên sản lượng cá linh giảm đáng kể.
Năm nay, nước lũ lên xuống đột ngột nên sản lượng cá linh giảm đáng kể.

Sau
mỗi lần đổ đáy, một số người dân gần đó đến mua cá, có giá từ 10.000 – 12.000
đ/kg.
Sau mỗi lần đổ đáy, một số người dân gần đó đến mua cá, có giá từ 10.000 – 12.000 đ/kg.

Lượng cá chết
sẽ được bán cho các hộ nuôi cá lóc
Lượng cá chết sẽ được bán cho các hộ nuôi cá lóc

Thường thì
lượng cá đánh bắt sẽ có 30% cá chết, bán với giá 6.000 – 6.500 đ/kg.
Thường thì lượng cá đánh bắt sẽ có 30% cá chết, bán với giá 6.000 – 6.500 đ/kg.

Một bữa cơm trưa đậm tình anh em ngư dân hành nghề đóng đáy bắt cá linh trên sông
Một bữa cơm trưa đậm tình anh em ngư dân hành nghề đóng đáy bắt cá linh trên sông


Nguyễn Hành – Nhân Nguyễn