Âm vang mãi bài ca Điện Biên
(Dân trí) - Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, ghi thêm một trang sử hào hùng và oanh liệt như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thời đại Hồ Chí Minh.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp được sự hỗ trợ của các thế lực đế quốc đã quay trở lại xâm lược nước ta. Không chịu khuất phục, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nhất tề kháng chiến chống xâm lược với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đến năm 1953, nhân dân và quân đội ta đã làm chủ trên chiến trường, tạo ra sự so sánh lực lượng có lợi cho ta.
Để cứu vãn tình thế, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Nava với nỗ lực cuối cùng, nhằm giành lại thế chủ động có tính quyết định về quân sự trên chiến trường. Chúng cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương; coi đó là “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta.
Trước tình hình đó, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp nhận định tình hình và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực hiện quyết tâm đó, cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. 261.451 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.
17 giờ 00 ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong mở đợt tấn công thứ nhất (từ 13 đến 17/3/1954), quân ta tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Từ ngày 30/3 đến 30/4/1954, quân ta mở đợt tấn công thư 2, đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
Từ ngày 1/5 đến 7/5/1954, quân ta mở đợt tấn công thứ 3, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17h30 ngày 7/5/1954 lá cờ Quyết chiến quyết thắng mà Bác và Đảng trao cho quân đội ta phất cao trên bầu trời Điện Biên Phủ, nơi mà Tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương, đồng thời là trung tâm của toàn bộ kế hoạch Nava đã bị đập tan, viên tướng De Castries bị bắt sống, buộc toàn bộ binh lính thực dân xâm lược Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ kéo cờ trắng lũ lượt ra đầu hàng.
Tiếp nối chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi, lập những chiến công hiển hách, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; tiến hành công cuộc đổi mới giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước ta lên một tầm cao mới, thế và lực mới, chủ động hội nhập quốc tế.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Nghệ An có hơn 8 vạn thanh niên tòng quân gia nhập quân đội, 10.630 người đi TNXP. Đội TNXP Cù Chính Lan có 5 đại đội đã phục vụ tại khắp các chiến trường, trong mọi chiến dịch. Tỉnh ta cũng đã huy động 927.447 lượt dân công với 21 triệu ngày công. Riêng trong năm 1954, đã có 155.974 lượt dân công phục vụ tiền tuyến, trong đó phục vụ chiến trường Lào 20.400 người và 1.486 xe đạp, phục vụ chiến dịch ĐBP 30.000 lượt dân công và 3.700 xe đạp. Những tháng năm này, Nghệ An đã đón nhận 2.045 người dân và 132 thiếu nhi Thừa Thiên, Quảng Trị tập kết.
Trải qua 9 năm kháng chiến, tỉnh Nghệ An vinh dự có 8 người con được phong tặng danh hiệu ALLVTND. Đó là các đồng chí: Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, Phan Tư, Đặng Quang Cầm, Trần Can, Phạm Minh Đức, Đặng Đình Hồ, Nguyễn Thái Nhự. Riêng trong chiến dịch ĐBP, toàn quốc có 16 AHLLVT được tuyên dương, Nghệ An đã có 3 anh hùng: Liệt sỹ Trần Can, Đặng Đình Hồ và Phan Tư.
Trong số 4.825 liệt sỹ của các địa phương trên cả nước hy sinh trong chiến dịch ĐBP, đã có 680 người con ưu tú của Nghệ An (nhiều nhất cả nước) mãi mãi nằm lại với đất trời Tây Bắc.
Tiếp nối truyền thống năm xưa, những người chiến sỹ Điện Biên trên quê hương xứ Nghệ vẫn giữ vẹn nguyên phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, theo đúng như lời nhắn gửi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, "người anh cả" của QĐND Việt Nam, trong bức thư đề ngày 3/6/2008 gửi các chiến sỹ ĐBP ở TP Vinh, đã viết "...Mong các đồng chí tiếp tục phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" luôn nêu cao tình đồng đội, thương yêu đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và tích cực góp phần vào công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc..."
57 năm đã đi qua, thời gian đủ để khép kín một vòng đời, nhưng âm vang của bản anh hùng ca Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị mãi đến mai sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: "Điện Biên Phủ như là một cái mốc bằng vàng của lịch sử...". Dân tộc ta tự hào vì từng trải qua các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê với biết bao chiến công hiển hách, chúng ta càng tự hào khi có Điện Biên Phủ, có Đại thắng mùa Xuân 1975. Từ những điểm mốc bằng vàng ấy, "Tổ quốc bay lên bát ngát mùa Xuân".
Trần Hải - Nguyễn Duy