Đại dịch Covid-19 không phải là nguyên nhân dẫn đến nạn tự tử

Hoàng Dương

(Dân trí) - Nghiên cứu mới đã tiết lộ rằng các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến đại dịch - cô đơn, sợ hãi và mất mát - không dẫn đến việc tự tử gia tăng.

Đại dịch Covid-19 không phải là nguyên nhân dẫn đến nạn tự tử - 1

Các nhà nghiên cứu cho biết tình trạng suy giảm sức khỏe tâm thần do đại dịch không phải là lý do dẫn đến tình trạng tự tử gia tăng (Ảnh: Getty Images).

Hai năm trước, các nhà khoa học cho rằng sức khỏe tâm thần suy giảm sẽ là xu hướng đáng lo ngại sau đại dịch Covid-19.

Và thực tế là: Phụ huynh say xỉn nhiều hơn, trẻ em lo lắng nhiều hơn và thanh thiếu niên dễ nổi giận hơn bao giờ hết. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần suy giảm mạnh bắt đầu từ năm 2020, khi tình trạng lo âu và trầm cảm được ghi nhận tăng 25%.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã tiết lộ rằng các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến đại dịch - cô đơn, sợ hãi và mất mát - không dẫn đến việc tự tử gia tăng. Đây có thể là tin vui sau hơn hai năm bị cô lập, bệnh tật và việc hơn 6,3 triệu người trên toàn cầu tử vong.

Nghiên cứu về hành vi tự tử và tự làm hại bản thân trong thời kỳ cao điểm của dịch Covid-19 đã được công bố trên tạp chí PLOS Global Public Health, và tập trung vào các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, vì nghiên cứu ở các quốc gia có thu nhập cao đã cho kết quả tương tự.

Giáo sư Jason Bantjes của Đại học Stellenbosch ở Johannesburg (Nam Phi) cho biết: "Bằng chứng mạnh mẽ nhất, từ các nghiên cứu theo chuỗi thời gian, cho thấy cả việc giảm hoặc không thay đổi tình trạng tự tử và tự làm hại bản thân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình sau đại dịch".

"Điều này không có nghĩa là đại dịch đã không gây ra các vấn đề về tiêu cực về xã hội, tâm lý cũng như kinh tế, nhưng có vẻ như các bằng chứng sẵn có cho thấy điều này không dẫn tới sự gia tăng hành vi tự sát ở một mức độ dân số chung," giáo sư Bantjes bổ sung trong báo cáo đại diện cho nhóm đồng nghiệp nghiên cứu quốc tế của ông do Tiến sĩ Duleeka Knipe tại Đại học Bristol dẫn đầu.

Bantjes cho rằng phát hiện của họ có thể khó tin nếu không có thêm dữ liệu, cảnh báo rằng chỉ 12 trong số 135 quốc gia thuộc nhóm thu nhập thấp và trung bình được đưa vào nghiên cứu, và nhiều quốc gia trong số đó, đặc biệt là ở châu Phi, thiếu rất nhiều dữ liệu đáng tin cậy về chủ đề tự tử.

Hơn nữa, các mô hình liên quan vẫn chỉ giới hạn ở một số nhóm nhất định, chẳng hạn như các cô gái tuổi teen ở Mỹ, những người đã chứng kiến sự gia tăng rõ rệt về các nỗ lực tự làm hại và tự tử trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2021.

Tuy nhiên, Bantjes lưu ý rằng nghiên cứu của họ hỗ trợ nghiên cứu tương tự, đặc biệt là một báo cáo năm 2021 trên tờ The Lancet, cho thấy tỷ lệ tự tử ở các quốc gia có thu nhập cao cũng không thay đổi trong thời kỳ đại dịch.

Bantjes nói: "Mặc dù dữ liệu tự tử có sẵn cho ta thêm sự lạc quan, nhưng chúng ta cần phải cảnh giác, và nói thêm rằng, đối với những người "dễ bị tổn thương nhất" trong chúng ta, "vẫn còn phải xem tác động lâu dài của đại dịch sẽ như thế nào".

Theo nypost.com