9 sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam 2009
(Dân trí) - Dù kim ngạch xuất nhập khẩu giảm sút, lượng kiều hối không bằng 2008 nhưng với chính sách kích thích kinh tế được Chính phủ triển khai ngay từ đầu năm, GDP năm 2009 của Việt Nam đã đạt con số lạc quan trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm.
Hãy cùng Dân trí điểm lại 9 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2009 để thấy được những nỗ lực từ Chính phủ, các doanh nghiệp và bản thân mỗi người dân.
1 - Hiệu quả lớn từ gói kích thích kinh tế
Gói kích thích kinh tế với nhiều ưu đãi đã giúp doanh nghiệp vượt khó.
Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sụt giảm mạnh, tác động trầm trọng nhất là vào quý I/2009.
Tuy nhiên, dấu hiệu hồi phục đã nổi lên từ quý II, sau khi “ngấm” gói kích thích kinh tế khá lớn được đưa ra hồi đầu năm 2009, bao gồm nhiều biện pháp khác nhau, từ chương trình hỗ trợ lãi suất, miễn và hoãn thu nhiều loại thuế đến đầu tư vốn bổ sung.
Chính sách kích cầu của Chính phủ đã góp phần giảm bớt ảnh hưởng của suy thoái. Theo nhận định của Ngân hàng thế giới, kinh tế Việt Nam đã được chèo lái qua cuộc khủng hoảng tốt hơn so với các nước khác trong khu vực.
2 - GDP lạc quan khi lạm phát được kiềm chế một con số
Kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số là thành công của Chính phủ (ảnh: LH).
Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ suy thoái kinh tế chung nhưng tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn tăng dần qua 4 quý, lần lượt là 3,1%, 4,5%, 5,8% và 6,8%. Ước thực hiện cả năm 2009, GDP đạt khoảng 5,2% so với mục tiêu Quốc hội đề ra là khoảng 5%.
Đáng chú ý, trong khi tăng trưởng GDP đạt được kết quả khả quan như vậy thì Chính phủ vẫn thực hiện tốt các biện pháp kiềm chế lạm phát. Cụ thể lạm phát năm 2009 chỉ ở mức trung bình khoảng 7%.
Dù được đánh giá là một trong ít nền kinh tế phục hồi tốt nhất trong khu vực nhưng dưới ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, năm 2009, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm sút khá sâu.
Tuy nhiên, do tốc độ giảm kim ngạch xuất khẩu chậm hơn tốc độ giảm kim ngạch nhập khẩu nên nhập siêu giảm xuống chỉ còn khoảng 11 tỷ USD, thấp hơn 6 tỷ USD so với năm 2008. Về hình thức, đây là tín hiệu tích cực của việc cải thiện cán cân thương mại.
3 - Nhật Bản nối lại viện trợ ODA và Việt Nam đạt mức ODA ấn tượng
Đường hầm Hải Vân - một dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
Sau khi xảy ra những chuyện đáng tiếc liên quan đến các dự án từ nguồn tài trợ ODA, tháng 2/2009, Nhật Bản chính thức nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam. Đây là một quyết định quan trọng rất có ý nghĩa đối với quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang hướng tới mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài.
Năm 2009 cũng là năm Việt Nam giành được lượng vốn ODA khá lớn. Tổng vốn ODA ký kết cả năm ước đạt 5,8 tỷ USD và giải ngân đạt khoảng 3 tỷ USD.
Tại hội nghị nhóm tư vấn các nhà trợ cuối năm 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam luôn trân trọng từng đồng vốn ODA và đảm bảo thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao nhất”.
4 - Bộ Chính trị kêu gọi “Người Việt dùng hàng Việt”
Phát động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Đà Nẵng (ảnh: PV).
Chiến dịch “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động không chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi mà đã được cụ thể hoá bằng hành động.
Ngoài các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng nhằm mở rộng thị trường nội địa cho các doanh nghiệp, Chính phủ còn thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại nội địa với chi phí 51 tỷ đồng chủ yếu dành cho xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển thị trường nội địa.
Hơn lúc nào hết, đây là dịp để các doanh nghiệp sản xuất trong nước tự đánh giá lại mình và có những thay đổi bản lề nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, giá cả cạnh tranh với hàng ngoại.
Hy vọng trong tương lai gần, người Việt Nam sẽ đón nhận hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra một cách tự nguyện, đầy cảm hứng và sẽ không còn lưỡng lự về cụm từ “ưu tiên” trong chủ trương Bộ Chính trị phát động.
5 - Giá vàng biến động mạnh
Vàng có 1 năm bão giá (ảnh: Hữu Nghị).
Năm 2009 ghi nhận những biến động dữ dội đối với thị trường vàng. “Xông đất” thị trường đầu năm, giá vàng trong nước giao dịch ở mức 1,8 triệu đồng/chỉ, còn giá vàng thế giới đạt 874 USD/ounce. Tuy nhiên, đến ngày 11/11, khi giá vàng thế giới giao dịch ở mức trên 1.100 USD/ounce, giá vàng đã phá vỡ kỷ lục mọi thời đại khi đạt mức 2,93 triệu đồng/chỉ.
Cũng trong ngày 11/11, giá vàng liên tiếp điều chỉnh theo hướng tăng nhưng người dân vẫn không ngừng mua vào. Để làm dịu cơn sốt vàng, ngay trong chiều 11/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đồng ý cho phép nhập vàng trở lại.
Trong những ngày cuối năm 2009, giá vàng biến động quanh ngưỡng 2,7 triệu đồng/chỉ, giao dịch trên thị trường khá trầm lắng.
6 - Lãi suất và tỷ giá bất ngờ thay đổi
Doanh nghiệp phàn nàn khó tiếp cận nguồn ngoại tệ từ ngân hàng (ảnh: Hữu Nghị).
Sáng 25/11, Thống đốc NHNN đã bất ngờ ký ban hành Quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 8%, sau 10 tháng liên tiếp duy trì ở mức 7%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất tái cấp vốn cũng tăng từ 7% lên 8%/năm, lãi suất chiết khấu tăng từ 5%/năm lên 6%/năm.
Cũng trong ngày 25/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 17.961 VND/USD và áp dụng biên độ tỷ giá mới cho giao dịch mua bán giao ngay giữa USD và VND là +/-3%, thay cho +/-5%. Với các điều chỉnh này, mức tỷ giá sàn giao dịch là 17.422 VND/USD và tỷ giá trần giao dịch sẽ là 18.500 VND/USD.
Các quyết định về điều chỉnh lãi suất cơ bản và tỷ giá này được xem là bất ngờ, bởi trước đó người đứng đầu NHNN khẳng định sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, không có sự phá giá VND, không điều chỉnh lãi suất cơ bản và dự trữ bắt buộc cho đến hết năm 2009.
Sau khi có những thay đổi trong chính sách tiền tệ, đầu tháng 12, dư luận xôn xao với thông tin Việt Nam sẽ phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng và mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ. Những thông tin đồn thổi này ngay sau đó đã được NHNN bác bỏ nhưng nó cũng khiến lãi suất liên ngân hàng tăng vọt và là một phần nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán giảm sàn.
7 - Kiều hối sụt giảm và nỗi lo cán cân thanh toán
Ngân hàng thế giới nhận định Việt Nam đứng thứ 10 trong số các nước nhận được lượng kiều hối nhiều nhất thế giới.
Đến cuối tháng 10/2009, tổng lượng kiều hối chuyển về nước vẫn tiếp nối bước sụt giảm so với các tháng cùng kỳ năm 2008. Dự báo kiều hối năm nay sẽ đạt khoảng 6,8 tỷ USD, phần lớn trong số này được chuyển về nước trong những tháng cuối năm.
Với con số dự báo này, kiều hối năm này sẽ giảm so với mức 7,2 tỷ USD của năm 2008. Đầu năm 2009, do lo ngại trước những tác động của khủng hoảng kinh tế, các cơ quan quản lý Việt Nam dự báo, kiều hối sẽ giảm mạnh từ 15 - 20% và xuống mức khoảng 5,8 - 6 tỷ USD.
Kiều hối gửi về nước là một trong những nguồn cân đối quan trọng trong cán cân ngoại hối Việt Nam. Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, cùng với kiều hối, các nguồn cân đối ngoại tệ của Việt Nam trong năm 2009 như xuất khẩu dự báo giảm 9,9%, FDI giảm mạnh và du lịch sụt giảm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cân đối ngoại hối.
8 - Chứng khoán “lình xình” với nhiều biến động khó lường
Nhà đầu tư hi vọng sang năm 2010 chứng khoán sẽ khởi sắc hơn (ảnh: Quý Đoàn).
Thị trường chứng khoán Việt Nam “khai xuân” trong bối cảnh Vn-Index giảm mạnh 5,69 điểm, xuống 297,52 điểm, nhưng xét tổng thể qua các phiên giao dịch trong năm, kênh đầu tư này tạo ra khả năng sinh lời khá cao.
Từ mức đáy 235 điểm vào ngày 24/2, Vn-Index đã vượt ngưỡng 600 điểm vào giữa tháng 10. HNX-Index cũng vượt ngưỡng 200 điểm thành công với sự tăng mạnh trở lại của cổ phiếu ngân hàng.
Tính trung bình một nhà đầu tư, nếu bỏ vốn vào cổ phiếu với một danh mục an toàn cùng quan điểm đầu tư trung hạn (giữ cổ phiếu từ 3 - 6 tháng) thì mức sinh lời tối thiểu cũng đạt khoảng 50%/vốn.
Tuy nhiên, sau một loạt kỷ lục về khối lượng giao dịch khớp lệnh thành công, các cổ phiếu tăng trần, Vn-Index từ trên 600 điểm đã “lao dốc” mạnh trong 2 tháng cuối năm.
Thị trường chứng khoán giảm điểm, một phần do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi việc ngân hàng thắt chặt tín dụng, nhiều ngân hàng thu tiền về để giảm dư nợ cho vay xuống. Hiện tại, giới đầu tư kỳ vọng nhiều vào sự phục hồi của thị trường để đón đầu năm 2010, khi các ngân hàng, công ty tài chính công bố kế hoạch giải ngân theo hạn mức tín dụng của năm mới.
9 - Xuất khẩu gạo đạt mức kỷ lục
Bội thu lúa gạo nhưng nỗi lo “mất mùa” vì giá thấp vẫn hiện hữu.
Năm 2009, ước tính Việt Nam xuất khẩu tới 6 triệu tấn gạo, mang lại giá trị kim ngạch khoảng 2,8 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay.
Theo nhận định của giới chuyên môn, với những vựa lúa lớn, trải đều trong cả nước, dù thiên tai có gây tổn thất mùa màng một số vùng, thì cân đối lương thực cả nước vẫn có đủ gạo ăn cho hơn 89 triệu dân và còn thừa từ 4 đến 5 triệu tấn gạo/năm để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, có một số lượng gạo từ Campuchia bán sang Việt Nam cả triệu tấn/năm và hơn triệu tấn bột mì nhập khẩu/năm cũng được đưa vào cân đối lương thực. Do vậy, việc xuất khẩu 6 triệu tấn gạo không ảnh hưởng tới nguồn lương thực quốc gia.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế, Việt Nam đang chạy theo số lượng xuất khẩu gạo mà quên mất lợi ích của việc xuất khẩu gạo và lợi ích của người nông dân. Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) không nên tham gia điều hành xuất khẩu gạo mà nên làm đúng chức năng của hiệp hội ngành nghề.
Nhóm PV