1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

9 ngày nghỉ Tết: Hơn 400 vụ tai nạn giao thông, 300 người chết

(Dân trí) - Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, toàn quốc xảy ra 408 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 300 người, bị thương 380 người. So với cùng kỳ tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 TNGT giảm cả 3 tiêu chí.

Cụ thể, TNGT so với cùng kỳ năm 2015 giảm 128 vụ (-23,8%), giảm 17 người chết (-5,4%), giảm 129 người bị thương (-25,3%). Trong đó tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 2 vụ làm 6 người chết và 14 người bị thương, so với cùng kỳ 2015 giảm 2 vụ, giảm 8 người chết, tăng 3 người bị thương.

Một số tỉnh không để xảy ra TNGT trong dịp Tết gồm: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Đồng Nai. Một số tỉnh không có người chết vì TNGT dịp Tết là Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ninh, Yên Bái, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc. Một số tỉnh thành công trong việc kéo giảm sâu số lượng người chết vì TNGT dịp Tết: (Giảm trên 10 người): An Giang, Nghệ An.

Trong dịp Tết, không tỉnh nào có số người chết tăng trên 10 người. Một số tỉnh có số người chết tăng trên 5 người so với cùng kỳ năm trước: Bắc Giang, Cà Mau, Bình Dương, Kiên Giang, Sóc Trăng, Phú Yên, Sơn La.

Số liệu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho thấy, trong 8 ngày Tết (từ sáng ngày 6/2 đến sáng 14/2/2016) đã thực hiện khám, cấp cứu 43.787 lượt cho các nạn nhân TNGT, trong đó 5.401 lượt khám cho các nạn nhân TNGT được ghi nhận chấn thương sọ não từ nhẹ đến nặng. Tổng hợp từ các bệnh viện cho thấy tổng số có 224 người bị tử vong do TNGT.

TNGT dịp Tết Bính Thân 2016 đã giảm cả số vụ, số người chết và bị thương so với Tết Ất Mùi 2015
TNGT dịp Tết Bính Thân 2016 đã giảm cả số vụ, số người chết và bị thương so với Tết Ất Mùi 2015

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, trong dịp Tết vừa qua, một số tỉnh thực hiện rất tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông như: Vĩnh Phúc (năm 2015 chỉ có 1-2 vụ, năm nay không để xảy ra TNGT), Quảng Ninh (năm 2015 không có TNGT, năm nay không có người chết); Ninh Bình (không có TNGT và không có người chết); có tỉnh có tiến bộ lớn: Nghệ An là tỉnh năm ngoái có số người chết cao (13 người) nhưng năm nay đã kéo giảm TNGT rất sâu (giảm trên 10 người).

Về ùn tắc giao thông, trong 9 ngày (từ ngày 28 đến mùng 7 Tết Bính Thân), do nghỉ Tết dài ngày và kéo dài sau Tết, bên cạnh đó các trường Đại học và một số khu công nghiệp cho sinh viên và công nhân nghỉ Tết sớm nên áp lực vận tải và lưu lượng phương tiện tại các thành phố lớn về nông thôn và ngược lại không bị tập trung quá tải nên chỉ xảy ra ùn tắc cục bộ tại một số địa phương;

Cao điểm 2 ngày trước Tết, các tuyến đường trục chính ra vào thành phố Hà Nội như đường Nguyễn Trãi, đường Xuân Thủy - Cầu Giấy, Lê Văn Lương, Giải Phóng, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng, Huỳnh Thúc Kháng, Bưởi… mật độ phương tiện rất đông nên xảy ra hiện tượng ùn tắc kéo dài, đặc biệt tại các tuyến đường xung quanh khu vực các bến xe.

Tương tự như các tuyến ra vào thủ đô Hà Nội, tại thành phố Hồ Chí Minh các tuyến giao thông kết nối với các tỉnh miền Tây, tỉnh Miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Miền Bắc như quốc lộ 1, 51, 22, 13, 14 xảy ra ùn tắc cục bộ. Trong các ngày 13 và 14/02/2016 là cao điểm người dân từ các địa phương trở lại thành phố làm việc sau đợt nghỉ Tết khiến nhiều tuyến đường bị ùn tắc, đặc biệt là chiều ngày 13/2/2016 tại Hà Nội, tuyến cao tốc Ninh Bình-Cầu Giẽ-Pháp Vân và đường trên cao từ đầu cao tốc Pháp Vân đến đường Phạm Hùng bị ùn tắc kéo dài, tại thành phố Hồ Chí Minh tuyến QL 1A hướng từ Miền Tây lên và từ Bình Thuận vào thành phố cũng có mật độ lớn, tốc độ giao thông chậm, xảy ra ùn tắc cục bộ.

Trong những ngày tết, tại thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh về cơ bản không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài mà chỉ xảy ra tình trạng ùn ứ tại một số tuyến phố qua đoạn có các đền, chùa do người dân đi lễ đầu năm, không có tình trạng đua xe trái phép, nhất là tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông giảm so với các ngày thường. Tuy nhiên, tình trạng đi xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, uống rượu bia điều khiển phương tiện còn xảy ra khá phổ biến.

Về công tác xử lý vi phạm giao thông trong 9 ngày nghỉ Tết, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 27.672 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu nộp kho bạc Nhà nước 7 tỷ 700 triệu đồng; tạm giữ 76 xe ô tô, 7.343 xe mô tô. Xử lý vi phạm đường thủy nội địa: 266 trường hợp, thu nộp kho bạc Nhà nước 70,85 triệu đồng.

Trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, số lượt phản ánh qua đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia gần 280 lượt/9 ngày, giảm đột biến so với cùng kỳ Tết Ất Mùi năm 2015, giảm 920 lượt (-76,67%); chủ yếu tập trung vào ngày cao điểm từ mùng 05 - 06/02/2016 (nhằm ngày 27 và 28 Tết) và từ ngày 12 -14/02/2016 (là thời điểm người dân về quê ăn tết và những ngày sau tết khi người dân quay trở lại thành phố sinh sống làm việc).

Riêng trong ngày 14/02/2016 là ngày cuối cùng trong đợt nghỉ Tết đường dây nóng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nhận được 44 cuộc gọi và tin nhắn phản ánh của người dân. Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, nhồi nhét và chèn ép hành khách, tăng giá trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người quy định, ùn tắc giao thông.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh gia, trong 9 ngày nghỉ Tết, công tác vận tải hành khách được tăng cường trên lĩnh vực đường bộ, đường sắt và hàng không đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp tết; việc đổi mới, cải tiến phương thức bán vé tàu hỏa, ô tô, máy bay đã tạo thuận tiện cho hành khách, giảm áp lực cho hành khách mua vé. Tình hình an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định, thông suốt, không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng. Tình trạng chậm, hủy chuyến bay được khắc phục, giảm nhiều so với năm trước.

Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ được nâng cao, bảo đảm an toàn và giao thông thông suốt, ngay cả trong các ngày cao điểm phục vụ tết, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại. Công tác quản lý giá cước vận tải, giảm giá cước, công khai niêm yết giá cước, chuẩn bị phương tiện tăng cường, ký cam kết bảo đảm ATGT, tổ chức các đoàn kiểm tra được các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường trước, trong và sau dịp Tết Nguyên Đán.

C.N.Q

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm