9 điệu múa dân gian đặc sắc dưới cơn mưa tầm tã
(Dân trí) - 9 điệu múa cổ truyền thể hiện tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân mang đến sự bất ngờ cho tất cả những ai có mặt trong buổi biểu diễn. Mỗi điệu múa, mỗi động tác đều thể hiện truyền thống, những tích truyện và phong tục riêng có cổ xưa của từng vùng đất.
Buổi biểu diễn đặc biệt diễn ra tối qua 4/10, bên tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội). Các điệu múa dân gian đều còn khá nguyên bản, rất dân dã cho thấy sự cố gắng gìn giữ nét văn hóa của những nghệ nhân.
Dưới trời mưa tầm tã, cả nghệ nhân và khán giả đều ướt sũng, nhưng cơn mưa không chiến thắng nổi niềm say mê nghệ thuật dân gian của người dân Thủ đô.
Mưa ngày càng nặng hạt, nhưng khán giả vẫn yên vị hướng lên sân khấu.
Múa Bài Bông: Là điệu múa mang ý nghĩa chúc tụng, nghiêm trang với đèn hoa sen, vừa múa vừa hát, gồm những khúc hát: giáo đầu, bái chúc, rước chải, chúc bình an
Múa Lục Cúng: Là sản phẩm của Phật giáo, được sử dụng vào dịp lễ Phật Đản, lễ Vu Lan bồn, lễ khánh thành chùa, lễ hô thần nhập tượng, thể hiện lòng tôn kính dâng lên Tam Bảo.
Múa Trống Hội: Tiếng trống đình, trống hội đã là những âm hưởng, những tín hiệu thông báo với nhiều ý nghĩa của cư dân vùng châu thổ sông Hồng, đã trở thành linh hồn của lễ hội. Điệu múa do các nghệ nhân xã Phú Mỹ, Phú Xuyên trình diễn.
Múa Giảo Long: Kể lại tích truyện công chúa con vua Phật mã tức Lý Thái Tông du thuyền trên sông Thiên Đức bị Giảo Long hãm hại. Chàng trai họ Hoàng làng Lệ Mật xin vua đi cứu công chúa và chiến thắng trở về.
Múa Hội Gióng: Là hình thức nghệ thuật diễn xướng anh hùng ca, biểu tượng sức mạnh dân tộc trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Liên khúc Hội Gióng do nghệ nhân làng Phù Đổng trình diễn.
Múa Trống Bồng Triều Khúc: Là điệu múa cổ có tính cách, được sử dụng trong nghi lễ và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Động tác múa phóng khoáng, mạnh mẽ, giàu tính tạo hình. Điệu múa do các nghệ nhân làng Triều Khúc trình diễn.
Múa "Lễ Chữ" - chạy chữ: Những người múa còn có tên gọi "con chữ". Múa mang tính nghi lễ của cư dân nông nghiệp mong ước được sống bình yên, thân ái, ấm no, thịnh vượng. Sau hình thức nghi lễ, chạy, xếp tạo hình những người múa xếp theo thứ tự chữ: Thiên - Hạ - Thái - Bình. Điệu múa này còn có trong ngày lễ thánh Chử Đồng Tử. Điệu múa do các nghệ nhân Chử Xá, Văn Đức, Gia Lâm trình diễn.
Múa Giải oan thích kết: Là điệu múa nghi lễ của Phật giáo mang tính nhân văn cao. Lập đàn tràng bình đẳng giải oan để cầu siêu độ, giải trừ oan khổ cho tất cả các vong hồn quá cố, các bậc tổ tiên, ông bà đã khuất, những người hy sinh cho đạo pháp, những chiến sỹ trận vong trên mọi nẻo đường. Điệu múa do Đại đức Thích Thanh Phương trụ trì và tăng ni phật tử chùa Đống Lim, Long Biên, Hà Nội trình diễn.
Múa chạy cờ: Là điệu múa đặc trưng trong lễ hội làng Triều Khúc, một điệu múa biểu hiện khí thế tượng trưng tinh thần thượng võ.
Hữu Nghị