1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

80 lao động lao đao vì trót tin... nguyên chủ tịch xã

(Dân trí) - Từng có 15 năm làm cán bộ xã, nay ông Vĩnh đứng ra giới thiệu đi XKLĐ, ai cũng tin tưởng, sẵn sàng cắm sổ, vay tiền nộp để đi. Nhưng tiền nộp đã lâu mà công ty nhận tiền không hiểu sao lại... biến mất.

Trong đơn thư của chị Phạm Thị Hoa (SN 1972), trú tại Đông Hưng Thuận, TPHCM, đang làm việc cho vợ chồng anh Vinh ở xã Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, Nghệ An, trình bày như sau:  

Khoảng đầu tháng 5/2008, chị cùng một số người dân xã Nghi Thịnh được ông Võ Văn Vĩnh (nguyên là Chủ tịch xã Nghi Thịnh) giới thiệu cho đi xuất khẩu lao động tại Bungari qua đường dây của ông Trần Văn Hạnh (SN 1979), thường trú tại khối 2, phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò - Giám đốc công ty TNHH một thành viên T.T dạy nghề và cung ứng lao động.
 
80 lao động lao đao vì trót tin... nguyên chủ tịch xã - 1
Chị Võ Thị Loan, một trong những lao động đã nộp 15 triệu đồng cho công ty T.T trình bày sự việc với PV.

Đến cuối tháng 5/2008, chị Hoa và một số người nữa lên công ty đóng tại Xí nghiệp 19-5 (ở khối Hải Triều, phường Nghi Hải, TX Cửa Lò) làm thủ tục đi XKLĐ theo nghề may công nghiệp, tổng chi phí đi là 23 triệu đồng/người. Tháng 6/2008 ông Vĩnh  đề nghị mỗi người nộp thêm 5 triệu đồng tiền làm visa và được chính ông Hạnh là giám đốc công ty hứa chậm nhất 3 tháng sẽ đi được.

Tháng 10/2008, công ty tiếp tục thông báo cho các lao động nộp thêm mỗi người 10 triệu đồng để làm thủ tục bay. Để tạo niềm tin, ông Hạnh viết cam kết sau tờ biên lai thu tiền: "Công ty chúng tôi cam kết với người lao động là từ khi nạp tiền, trong vòng 3 tuần lao động sẽ được xuất cảnh sang Bungary làm việc, nếu không công ty chúng tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm".

Kể từ ngày ông Hạnh ký cam kết (tháng 6/2008) đến khoảng đầu tháng 9/2008 mọi người vẫn không thấy có động tĩnh gì. Sau đó, chị Hoa cùng một số người trong xóm lên công ty gặp giám đốc Hạnh để hỏi cho rõ ngọn ngành thì được trả lời: "Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên giờ không đi được nữa".

Nhận thấy có dấu hiệu mập mờ, ngày 2/3/2009, nhóm lao động kéo đến công ty của ông Hạnh đóng tại Xí nghiệp 19-5 để đòi lại tiền. Tại đây ông Hạnh đã ký kết và hứa sẽ trả lại tiền, hộ chiếu cho người lao động trong tháng 3. Nhưng chỉ sau đó ít ngày, ông Hạnh đã “biến mất” và công ty cũng không thấy mở cửa từ đó đến nay.
 
80 lao động lao đao vì trót tin... nguyên chủ tịch xã - 2
Trụ sở công ty TNHH một thành viên T.T không một bóng người đã mấy tháng nay
 
Để tìm hiểu thực hư sự việc, chúng tôi đã có mặt tại công ty ông Hạnh. Tại đây chỉ còn lại một ngôi nhà cấp bốn vắng tanh, biển trưng bày xuất khẩu lao động cũng đã bị tháo dỡ. Duy nhất chỉ có một người bảo vệ Xí nghiệp 19-5, khi được hỏi đã cho biết: Công ty của ông Hạnh đã trả mặt bằng rồi, còn chuyển đi đâu thì không rõ. Chúng tôi cố gắng liên lạc theo số điện thoại của ông Hạnh nhưng không được.

Sau đó, chúng tôi tìm gặp chị Hoa cùng hơn 10 lao động khác để hiểu rõ hơn về sự việc thì mới biết còn rất nhiều người nghèo khác cũng bị "mất tiền oan" với công ty xuất khẩu lao động này.

Trao đổi với phóng viên, nhóm lao động bức xúc: "Chúng tôi tin tưởng ở ông Vĩnh bởi ông ấy đã có 15 năm làm cán bộ xã (5 năm làm chủ tịch xã, 10 năm làm bí thư). Thấy ông ấy bảo cứ yên tâm nên chúng tôi ai cũng mừng, giờ mới vỡ lẽ…".

Ông Vĩnh còn hứa công ty này bảo đảm đi được 100%, không phải là công ty lừa đâu, vì đi qua liên đoàn lao động Việt Nam, cứ yên tâm. Chính vì vậy nên hàng chục người lao động đã sẵn sàng thế chấp sổ đỏ, nhà cửa, vay mượn để có tiền nộp cho công ty T.T, mong có cơ hội đổi đời.

Trao đổi với chúng tôi về sự việc này, ông Võ Văn Vĩnh lý giải: "Tôi có quen biết với ông Hạnh, lúc đầu chỉ là "giới thiệu hộ", sau đó thì làm nhân viên cho công ty này". Chúng tôi xin được xem hợp đồng của ông với Công ty T.T thì ông Vĩnh bảo không có, tin tưởng nhau là chính (?).

Đề cập về vấn đề văn phòng của công ty đóng cửa đã mấy tháng nay, ông Vĩnh trả lời chắc nịch: "Do người ta lấy lại mặt bằng nên công ty phải trả, tạm thời đang kiếm mặt bằng mới rồi công ty sẽ họat động lại".

Về số tiền người dân đã nộp để được đi XKLĐ, ông giải thích: "Theo ông Hạnh cho biết thì tiền đã chuyển cho công ty Sông Hồng ở Hà Nội để làm thủ tục bay. Do thời gian qua khủng hoảng kinh tế nên không đi được, họ (công ty Sông Hồng-PV) chưa trả lại nên ông Hạnh không có tiền trả lại cho các lao động".

Cùng thời điểm này, chị Hoa cho biết bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại của ông Hạnh. Chị Hoa thuật lại nguyên văn lời ông này: "Sau khi anh về sẽ trả lại số tiền cho các lao động, còn nếu báo cho công an hay nhà báo đến thì đừng hòng mà lấy được một đồng nào".

Được biết, khóa học đi Bungari trong đợt này có hơn 80 người. Đa số các gia đình làm nông nghiệp, phải vay mượn tiền từ ngân hàng, hàng tháng vẫn phải trả nợ tiền lãi suất.
 

Nguyễn Duy