75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến: Giữ vững lời thề Độc lập
(Dân trí) - Cách đây 75 năm, chỉ 3 tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam độc lập, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, quyết trở lại xâm lược nước ta lần nữa...
Với vũ khí thô sơ nhưng tinh thần quật cường sôi sục, quân và dân Sài Gòn-Gia Định đã anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ.
Mở ra trang sử oanh liệt mới: Nam Bộ kháng chiến
Với chính sách bảo thủ phản động, thực dân Pháp huy động lực lượng trở lại tái chiếm Đông Dương. Chúng hy vọng với vũ khí trang bị cùng phương tiện chiến tranh hiện đại, đội quân xâm lược nhà nghề sẽ nhanh chóng phát huy sức mạnh, đè bẹp mọi sự kháng cự của cách mạng Việt Nam, thiết lập lại nền cai trị thuộc địa hà khắc, tàn bạo trước đây.
Được sự giúp đỡ của quân đội Anh, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp tiến công Sài Gòn mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.
Chưa kịp hưởng niềm vui thanh bình, nhân dân Nam Bộ đã phải tiếp tục cầm súng chiến đấu. Đây là thời điểm lịch sử buộc cả dân tộc Việt Nam một lần nữa đoàn kết một lòng, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, giữ vững nền độc lập vừa giành được.
Tiên lượng trước âm mưu của các thế lực thù địch, Đảng ta đã có quyết sách phù hợp. Ngay buổi sáng ngày 23/9/1945, khi thực dân Pháp vừa nổ súng tại Sài Gòn, Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ đã tiến hành họp khẩn cấp, phân tích những âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp, đế quốc Anh, từ đó quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ và thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”.
Trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ ra lệnh phát động toàn dân triệt để tổng đình công, bãi công, bãi chợ, không hợp tác với giặc Pháp; phát động cuộc chiến tranh du kích rộng khắp, bao vây địch trong thành phố, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ đã đồng lòng nhất trí, nhất tề đứng lên, mở ra trang sử oanh liệt mới: Nam Bộ kháng chiến. Từ dao, súng, gậy tầm vông, giáo mác, từ những vũ khí thô sơ, ít ỏi, quân và dân Nam Bộ kiên cường chống lại sức mạnh quân sự hùng hậu của kẻ thù bằng nhiều biện pháp.
Chiều 23/9/1945, cả Sài Gòn đình công. Các công sở, xí nghiệp, hãng buôn đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Đêm 23/9/1945, công nhân Sài Gòn-Chợ Lớn đã cắt toàn bộ điện, nước. Trên khắp các đường phố đều dựng các chiến lũy. Bàn, ghế, giường, tủ, các loại xe và những vật dụng cồng kềnh đều được huy động làm thành các chướng ngại vật cản bước tiến quân địch. Mọi sinh hoạt trong thành phố ngưng trệ.
Các đội xung phong công đoàn cùng các đội tự vệ, thanh niên xung kích nhanh chóng triển khai chiến đấu. Hàng trăm xí nghiệp và công sở, hàng chục kho tàng, bến bãi… bị phá hủy, không để rơi vào tay Pháp. Với ý chí “Độc lập hay là chết”, đồng bào Nam Bộ tạo nên một vòng vây quân sự kết hợp với vòng vây kinh tế, làm cho kẻ địch bị động, bất ngờ và chùn bước, tạo điều kiện để quân và dân ta bước vào giai đoạn thực hiện toàn quốc kháng chiến.
Cả nước sát cánh cùng “Thành đồng” ra trận
Trước sức mạnh của nhân dân Nam Bộ, gần 4 vạn quân địch bị giam chân ở miền Nam, không thực hiện được tăng viện cho chiến trường miền Bắc. Trên chiến trường Tây Nguyên, quân và dân ta phối hợp tổ chức những trận phục kích địch trên các trục đường lớn, kết hợp với từng đợt bao vây uy hiếp đồn bốt, phá hoại cầu đường. Lực lượng vũ trang Cực Nam Trung Bộ cũng tổ chức các trận đánh giao thông trên đường số 1, đường số 11, đường xe lửa Phan Thiết - Sài Gòn, Tháp Chàm-Đà Lạt, đánh địch cơ động trên sông Phan…
Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư “Gửi đồng bào Nam Bộ” khẳng định cuộc đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp là chính nghĩa, nhân dân cả nước đoàn kết một lòng thì cuộc kháng chiến giữ nước nhất định thắng lợi. Người chỉ rõ quyết tâm của nhân dân ta: “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ!”.
Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành lời hiệu triệu uy dũng, thành tiếng kèn xung trận, để nhân dân Việt Nam ở mọi miền Tổ Quốc, ở trong nước cũng như ngoài biên giới Việt Nam, đều đồng lòng sẵn sàng chia lửa với đồng bào Nam bộ trong buổi đầu khó khăn.
Ở khắp các địa phương miền Trung, miền Bắc, những cuộc mít tinh, biểu tình liên tiếp được tổ chức, lôi cuốn hàng chục triệu lượt người. Những cán bộ và chiến sĩ ưu tú cùng vũ khí tốt nhất đã nhanh chóng đến với chiến trường Nam Bộ, bổ sung sức mạnh và tinh thần chiến đấu với nhân dân Nam Bộ.
Kết quả, ngay trong những ngày đầu tái xâm lược nước ta, quân Pháp đã liên tục bị tấn công và bao vây chặt trong thành phố. Chúng lâm vào tình trạng khốn đốn: Không điện, không nước, thiếu vũ khí, thiếu lương thực-thực phẩm, thiếu quân và luôn bị quân dân ta tập kích, tiêu hao, tiêu diệt và buộc phải tìm cách hoãn binh.
Sau 7 ngày, ngày 30/9/1945, thực dân Pháp phải nhờ đại diện của quân Anh xin điều đình với Ủy ban nhân dân Nam bộ. Tin chiến thắng của quân và dân Sài Gòn càng làm nức lòng đồng bào cả nước. Thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ náo nức tham gia phong trào Nam tiến, với khí thế hăng say chưa từng có.
Hơn 4 tháng kháng chiến (từ ngày 23/9/1945 đến ngày 9/2/1946), quân dân Nam Bộ đã tiêu diệt và làm bị thương hơn 1.600 tên địch, làm thất bại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ quân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc.
Tháng 12/1946, cuộc kháng chiến Nam Bộ anh hùng đã hòa vào cuộc kháng chiến Toàn quốc theo lệnh của Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất của quân dân Nam Bộ, tháng 2/1946, thay mặt Chính phủ và đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.
75 năm trôi qua nhưng tinh thần của Ngày Nam Bộ kháng chiến vẫn hừng hực hào khí cách mạng, vẫn luôn rực sáng trong lịch sử của đất nước. Đó là động lực to lớn, cổ vũ mỗi người dân Việt Nam đều đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo, tiếp tục thắp sáng ngọn lửa kháng chiến năm xưa trong công cuộc xây dựng đất nước, quê hương hôm nay./.