1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

60 ngư dân Việt bị tạm giữ: “Cuộc sống tạm giữ” ở Úc như thế nào?

(Dân trí) - Các ngư dân đang ngủ miên man thì một chiếc tàu quân sự bất ngờ tiến sát, 2 ca nô cặp mạn tàu. Tàu cá QNg-90350-TS do ông Trương Văn Đức làm thuyền trưởng cùng 13 ngư dân khác được lai dắt về một cầu cảng của Úc sau 2 ngày 2 đêm.

60 ngư dân Việt bị tạm giữ: “Cuộc sống tạm giữ” ở Úc như thế nào?
Anh Nguyễn Văn Hòa (SN 1981), 1 trong 60 ngư dân bị Úc tạm giữ, kể lại thời gian bị tạm giữ ở Úc với PV Dân trí.

Sáng sớm 7/5, anh Nguyễn Văn Hòa (SN 1981, trú thôn Xuân Thọ, xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), một trong 60 ngư dân bị Úc tạm giữ, đã về đến địa phương sau gần 3 tháng bị bắt trên biển. Căn nhà anh Hòa đông kín người tới thăm hỏi.

Anh kể, ngày 19 tháng Giêng, anh cùng 13 ngư dân khác trên tàu cá QNg-90350-TS hành nghề lặn khơi rời cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) ra khơi đánh bắt. Tàu nhắm thẳng biển rồi chạy 2 đến 3 ngày. Chưa kịp hành nghề thì vào một buổi sáng, bất ngờ xuất hiện một tàu quân sự tiến sát, cho 2 ca nô cặp vào mạn tàu. Lúc này các ngư dân trên tàu cá QNg-90350-TS vẫn đang miên man ngủ, họ choàng tỉnh vì có tiếng ca nô inh ỏi và tiếng người lạ xì xào lúc sáng sớm.

Chưa kịp hiểu chuyện gì, các ngư dân được yêu cầu tập trung về phía mũi, một số hoạt động kiểm tra được thực hiện sau đó. Sau hoạt động kiểm tra ban đầu, tàu cá QNg-90350-TS cùng 3 tàu cá Quảng Ngãi khác được lai dắt chạy về một cảng gần đó của Úc. Trên đường đi, 2 tàu cá bị chìm, 2 chiếc khác về đến cảng của Úc sau khoảng 2 đêm 2 ngày.

Sau đó 60 ngư dân được đưa lên xe buýt để về một khu tạm giữ chuyên biệt. Sau một số thủ tục ban đầu, các ngư dân Việt Nam được bố trí 2 người ở chung một phòng, được phát giày dép, quần áo và sinh hoạt thập thể.

Một số người lúc đầu có cảm giác lo sợ, nhưng sau đó cảm thấy yên tâm hơn vì được đối xử khá chu đáo. Mỗi ngày các ngư dân được ăn 3 bữa, trong đó buổi trưa và buổi tối là 2 bữa chính.

Họ được ăn cơm với các món ăn như ở Việt Nam. Trong thời gian bị tạm giữ, ngư dân được hướng dẫn học tiếng Anh, chơi các môn thể thao như bóng bàn, bóng chuyền, bida…

Theo ngư dân Nguyễn Văn Hòa, mỗi tuần các ngư dân được cho 25 điểm (tương đương 25 đô Úc) để dùng vào việc mua sắm đồ dùng cá nhân tại căng-tin. Trong một tuần, nếu ngư dân nào hoàn thành việc học tiếng Anh và tham gia chơi các môn thể thao nói trên thì được cộng thêm 25 điểm nữa.

Số điểm này được quy đổi tương đương số tiền nhưng không phát tiền mặt mà trừ dần khi ngư dân mua đồ. Kết thúc mỗi tuần, đến ngày chủ nhật, nếu ngư dân nào không sử dụng hết số điểm thì sẽ bị đưa về “0” và đến tuần mới lại được cộng 25 điểm khác.

“Sau này tôi mới nghĩ ra rằng chúng tôi được phía Úc cho chơi các môn thể thao và học tiếng Anh là để giải trí, giảm bớt sự nhàm chán và tâm trạng nhớ nhà trong thời gian ở lại đây”, anh Hòa nói.

Cuộc sống của 60 ngư dân Việt Nam khi bị tạm giữ ở Úc đã diễn ra như thế suốt gần 3 tháng.

“Bây giờ về đến nhà rồi mà vẫn còn nhớ nước Úc! Chúng tôi là những ngư dân lao động, khi bị tạm giữ họ nói là chúng tôi đã vi phạm vùng biển của họ. Nhưng cũng thật cảm ơn Chính phủ Úc vì đã quan tâm, đối xử với anh em chúng tôi rất tốt”, ngư dân Hòa bộc bạch.

Anh Hòa kể thêm: “Sáng sớm qua (6/5-PV), anh em chúng tôi thu dọn đồ đạc ra máy bay để về nước. Máy bay bay khoảng 5 giờ đồng hồ thì đến TPHCM. Sau khi làm một số thủ tục tại đây, vì nhớ vợ con quá nên tôi bắt xe về luôn. Trong thôn có 5 người, nhưng mấy anh em khác bận việc nên còn ở lại TPHCM”.

Cũng như 60 ngư dân khác, tâm trạng anh Hòa ngày về nước đan xen 2 cảm xúc trái ngược, vừa mừng vừa buồn vì đi 3 tháng mà về trắng tay.

Sau gần 3 tháng bị tạm giữ, anh Hòa đã đoàn tụ với vợ con.
Sau gần 3 tháng bị tạm giữ, anh Hòa đã đoàn tụ với vợ con.

“Được về nước để đoàn tụ với gia đình, vợ con… chúng tôi rất mừng, nhưng cũng rất buồn! Buồn là vì đi biển 3 tháng nhưng về không có một đồng nào, để vợ con đói ở nhà nên rất áy náy”, anh Hòa đăm đăm nhìn sang vợ nói như mếu.

Nhìn con trai mạnh khỏe về đoàn tụ với gia đình, mẹ anh Hòa chia sẻ: "Nó về trọn vẹn thế này là mừng lắm rồi! Tui ở nhà cứ lo bị người ta bắt rồi bị phạt, đánh đập… biết sao mà lường. Cảm ơn Nhà nước đã bảo lãnh cho thằng Hòa và các ngư dân được về mạnh giỏi như thế này…".

Liên quan đến vụ việc này, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng huyện Bình Sơn tiếp nhận, xác minh nguyên nhân 60 ngư dân bị phía Úc tạm giữ.

Ông Phan Đình Chí, Chánh Văn phòng UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết: “Số ngư dân này được Đại sứ quán Việt Nam ở Úc can thiệp. Họ bị phía Úc tạm giữ vì nhiều nguyên nhân, để cụ thể từng trường hợp, địa phương và cơ quan chức năng sẽ xác minh sau khi tiếp nhận 60 ngư dân về nước an toàn”.

Thủy Nguyên