1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

6 thuyền viên nhảy xuống biển: Muốn ở lại Nhật Bản làm việc?

(Dân trí) - “Trước đây trong xã cũng có người nhảy từ tàu cá xuống biển rồi ở lại Nhật Bản để làm việc với mức lương cao. Rất có thể con tôi cũng muốn thế. Gia đình rất hy vọng như vậy nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được tin con”.

Chiều tối ngày 15/10, chúng tôi có mặt tại Bắc Hải, xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, tìm đến nhà chị Trần Thị Chung (40 tuổi), mẹ của Phạm Lương Khánh (20 tuổi), 1 trong 6 thuyền viên nhảy xuống biển mất tích tại Nhật Bản.

Căn nhà nhỏ của chị Chung buồn đến não lòng. Ai cũng cố nén nỗi đau, dõi mắt theo chiếc màn hình nhỏ với hi vọng nghe được mẩu thông tin về tung tích của Khánh. Ngoài sân, chồng chị Chung cũng liên tục điện thoại cho công ty đã đưa con mình đi xuất khẩu lao động để nắm tình hình.

Người nhà các thuyền viên đứng ngồi mong tin con

Người nhà các thuyền viên đứng ngồi mong tin con

Chị Chung gạt nước mắt kể, ngày 4/8 vừa qua, Khánh (con trai đầu lòng của chị) thông qua một người môi giới tên Khiêm (ngụ thị trấn Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh) làm hợp đồng lao động với Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động, Thương mại và Du lịch (TTLC).

TTLC đã phái cử Khánh sang lao động trên một tàu cá Đài Loan với mức lương 400 USD/tháng. Công việc chủ yếu là bưng bê hải sản và lau dọn vệ sinh trên tàu.

“Trước lúc lên tàu cá làm việc, con tôi phải đóng cho người môi giới số tiền 16 triệu đồng. Ngoài, ra theo đồng lao động ký với công ty TTLC thì tiền lương 3 tháng đầu sẽ bị phía chủ sử dụng lao động giữ lại và con tôi chỉ được nhận tiền lương kể từ tháng làm việc thứ 4”, chị Chung nói.

Cũng theo chị Chung, ngày 4/10, Khánh có điện thoại về cho gia đình thông báo rằng lao động trên tàu cá Đài Loan tuy có phần vất vả nhưng không đến mức quá nặng nhọc. Làm việc cùng Khánh trên tàu cá này còn có 6 thuyền viên Việt Nam khác (5 người cùng quê ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh và 1 người quê ở Quảng Bình). Trên tàu còn có nhiều thuyền viên đến từ các nước khác như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Chị Chung nói, thấy con nói công việc không đến nỗi nào gia đình mừng lắm. Vậy mà đến khoảng 16h chiều 15/10, cả gia đình chị như chết lặng khi nhận được điện thoại của người thân gọi về báo tin Khánh đã cùng 5 thuyền viên Việt Nam khác nhảy khỏi tàu cá Đài Loan vào ngày 11/10 khi tàu đang trên đường vào một cảng biển ở Nhật Bản để “xả hàng”.

“Hiện gia đình tôi rất lo lắng, không biết số phận con trai như thế nào. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng vào cuộc hỗ trợ, giúp xác minh thông tin về cháu”, chị Nhung nói.

Theo điện thoại người dân cung cấp, PV

Theo điện thoại người dân cung cấp, PV Dân trí cũng đã nối máy với chị Hà Thị Liêm (43 tuổi, trú xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh), mẹ của thuyền viên Trần Đình Diệm, 19 tuổi, cũng là 1 trong 6 thuyền viên Việt Nam nhảy khỏi tàu cá Đài Loan.

Giọng chị Liêm đầy lo lắng: “Thực tế trước đây trong xã cũng có một số người nhảy từ tàu cá xuống biển rồi sau đó ở lại Nhật Bản để làm việc với mức lương cao. Rất có thể con tôi cũng nhảy tàu để ở lại Nhật Bản làm việc. Nghĩ vậy và mong muốn vậy nhưng thực ra gia đình hiện cũng rất lo lắng vì chưa biết thông tin cụ thể về cháu”.

Cũng giống như gia đình 2 thuyền viên trên, gia đình 3 thuyền viên còn lại quê ở huyện Kỳ Anh là Nguyễn Tiến Tình (23 tuổi, xã Kỳ Phú), Thiều Sinh Song (18 tuổi, ngụ xã Kỳ Khang), Nguyễn Văn Tứ (23 tuổi, xã Kỳ Hà) cũng đang rất lo lắng cho số phận của con em mình. Tất cả đều cho biết, kể từ ngày 11/10 đến nay, con em họ vẫn chưa liên lạc gì về cho gia đình.

Ông Nguyễn Thăng Long, Trưởng Công an xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh cho biết, hiện chính quyền địa phương vẫn chưa nhận được thông tin cụ thể về vụ việc trên. Xã có khoảng 100 lao động đang làm việc ở nước ngoài.

Trao đổi với PV Dân trí sáng 16/10, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Sở LĐ-TB&XH tỉnh này đã nắm được sơ bộ vụ việc. “Hiện chúng tôi đang cho kiểm tra để xác nhận chính xác số thuyền viên này đi theo đơn vị nào. Chúng tôi cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, hỗ trợ tối đa khi người nhà các thuyền viên cần sự giúp đỡ” - ông Sơn nói.

Thông tin mà PV Dân trí có được từ BQL Lao động Việt Nam tại Nhật Bản, lúc 20h50 tối 11/10, khi tàu cá Đài Loan của đối tác Liên Toàn Thịnh vào vùng biển Nhật Bản, cách cảng khoảng 20km, trưởng ca tàu phát hiện 2 thuyền viên nhảy xuống biển. Sau đó, trực ca cho kiểm tra trên toàn tàu phát hiện thêm 4 thuyền viên khác đã rời tàu. Cả 6 thuyền viên nhảy khỏi tàu đều là người Việt Nam.

Văn Dũng - Xuân Sinh