1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

6 tháng cuối năm GDP phải đạt trên 9%

(Dân trí) - Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm đạt 7,87%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm gần đây. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm (8,5%) thì tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt trên 9%.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, trình bày trước Quốc hội chiều 19/7.

 

Một số sản phẩm công nghiệp quan trọng tăng thấp

 

Báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì ở mức cao, tạo tiền đề để có thể đạt và vượt mức tăng trưởng Quốc hội giao cho cả năm 2007. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm đạt 7,87%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm gần đây.

 

Xuất khẩu tiếp tục đạt mức tăng trưởng khả quan cả về kim ngạch và mở rộng thị trường.

 

Hoạt động tài chính, ngân sách tiếp tục phát triển với chiều hướng thuận lợi và ổn định dần. Tổng mức đầu tư xã hội tiếp tục duy trì ở mức cao. Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2007 tăng 5,2%, cao hơn cùng kỳ năm trước (4%), nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức cao nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu phấn đấu của kế hoạch cả năm 2007 là 8,5%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm thì tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt trên 9%, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao.

 

Một số sản phẩm công nghiệp có giá trị sản xuất lớn, có khả năng đóng góp nhiều vào tăng trưởng chung của nền kinh tế nhưng tăng trưởng thấp hơn tốc độ tăng của toàn ngành, thậm chí giảm so với cùng kỳ như dầu thô giảm 1 triệu tấn, mức tăng trưởng ngành điện 11,6%, khí đốt thiên nhiên 7,7%, xi măng 11,6% chưa theo kịp nhu cầu xã hội và sản xuất kinh doanh.

 

Khối lượng thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng nhà nước đạt thấp. Nhập khẩu ước tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, làm cho tỷ lệ nhập siêu tăng cao hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm 2006, bằng 21,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Mức tăng giá tuy vẫn trong tầm kiểm soát nhưng đã ở mức cao, trong khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây biến động bất thường.

 

Việc gia tăng tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, những bất cập trong quản lý và sử dụng vắc xin đang gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân; tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng công dân tập trung đông người khiếu kiện tại Hà Nội và TPHCM đặt ra yêu cầu cần có biện pháp tập trung chỉ đạo giải quyết.

 

Bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt

 

Theo Phó Thủ tướng, trong những tháng còn lại của năm 2007, Chính phủ sẽ thực hiện 7 giải pháp lớn trong chỉ đạo điều hành. Đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế để tiếp tục tăng trưởng nhanh, vững chắc.

 

Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trong và ngoài nước, tổ chức tốt công tác phân tích, dự báo, chủ động thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường khi có biến động bất thường. Tăng cường các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, phấn đấu để đạt mức tăng xuất khẩu lên 22 - 23%, kiềm chế nhập siêu.

 

Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án có khả năng tạo động lực phát triển kinh tế. Thực hiện các biện pháp đồng bộ để bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt của nhân dân.

 

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để xóa đói giảm nghèo một cách tích cực và vững chắc. Sớm ban hành quy định để miễn, giảm các khoản đóng góp của nhân dân, nhất là nông dân...

 

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo tăng cường kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát hiện và công bố kịp thời các thông tin về các loại thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc có chứa chất cấm, chất lạ chưa được kiểm định để cảnh báo sớm cho người tiêu dùng. “Đình chỉ hoạt động và xử phạt nghiêm những cơ sở sản xuất, chế biến vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Tập trung chỉ đạo, đảm bảo an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông. Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong nông nghiệp và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai là những nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới.

 

Cấn Cường - Hồng Hạnh