1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

6 người 30 năm ở trong rừng sâu: Cái nghèo đẩy vào rừng!

(Dân trí) - Người dân xã Hải Ninh (Bắc Bình, Bình Thuận) kể rằng, gia đình ông Gịp A Dưởng nghèo lắm. Cái nghèo đeo đẳng họ từ đời này qua đời khác, từ năm này qua năm khác. Vì nghèo ông phải lên rừng kiếm sống, cũng vì nghèo mà ở luôn trong rừng.

Câu chuyện người đàn ông cùng gia đình hơn 30 năm sống trong rừng sâu những ngày này đang là đề tài thời sự ở thị trấn Chợ Lầu và ở xã Hải Ninh - quê hương ông Gịp A Dưởng. Nói về gia đình ông A Dưởng, người dân xã Hải Ninh kể rằng, gia đình ông nghèo lắm. Cái nghèo đeo đẳng họ từ đời này qua đời khác, từ năm này qua năm khác.

Thời mẹ của ông A Dưởng, bà phải đi làm thuê để lo cho mấy anh em ông. Đến đời ông, ông cùng mấy anh em trong nhà cũng phải đi làm thuê. Rồi cũng vì kế sinh nhai, ông phải lên rừng kiếm sống, bám rừng rồi ở hẳn trong đấy.

Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, ông Bùi Mạnh Nguyên, cho biết: “Để lấy nhựa thông làm dầu rái, ông Gịp A Dưởng phải đi sâu vào rừng. Loại nhựa thông ấy vốn không thể tìm thấy ở bìa rừng, mà phải lên tận vùng rừng giáp với địa phận tỉnh Lâm Đồng mới có”.

Căn nhà vách đất xiêu vẹo, nơi gia đình ông Gịp A Dưởng vẫn sống mấy chục năm qua (ảnh: Trọng Vũ)
Căn nhà vách đất xiêu vẹo ở xã Hải Ninh, nơi anh trai ông A Dưởng sống (ảnh: Trọng Vũ)

“Ở sâu trong rừng đi lại khó khăn nên cuộc sống của ông A Dưởng từ đó cũng gắn chặt với rừng. Nói ông A Dưởng không về nhà thì không đúng. Thỉnh thoảng ông cũng có về khi nhà ông có việc, hoặc cần giao dịch, mua thuốc men mang lên rừng. Nhưng chỉ tội cho mấy đứa nhỏ, chúng không thể xa cha mẹ, vợ chồng ông A Dưởng cũng không thể để chúng ở xa mà không chăm sóc nên từ bé đến giờ chúng ở hẳn trong rừng” - ông Nguyên nói thêm.

Theo sự hướng dẫn của cán bộ xã Hải Ninh, phóng viên Dân trí men theo con đường nhỏ dẫn đến ngôi nhà người thân ông Gịp A Dưởng đang sinh sống. Đó là một căn nhà tranh vách đất xiêu vẹo, nơi anh trai ông Dưởng là ông Gịp Nàm Sáng sinh sống.

Căn nhà vách đất xiêu vẹo, nơi gia đình ông Gịp A Dưởng vẫn sống mấy chục năm qua (ảnh: Trọng Vũ)
Ông Gịp Nàm Sáng - anh trai ông Gịp A Dưởng, cho biết em mình thỉnh thoảng vẫn về nhà khi cần tiếp tế nhu yếu phẩm (ảnh: Trọng Vũ)

Ông Sáng kể: “Gia đình tôi có 4 anh em, thằng Dưởng thứ hai, tôi là anh cả. Từ hôm báo chí đưa tin đến giờ, anh em tụi tôi bàn với nhau phải thuyết phục thằng Dưởng về xuôi. Nó vào rừng từ năm 1985 đến giờ, khi nó mới 18 - 19 tuổi. Thằng em thứ ba của tôi mai mốt sẽ về đây, rồi tôi với nó kêu thằng Dưởng về. Tôi thấy tội cho mấy đứa nhỏ, ở trong rừng, đời sống không chỉ thiếu thốn, mà đến cái chữ chúng nó cũng không biết”.

“Thằng A Dưởng nói với tôi tháng 10 này nó sẽ về đây cất nhà, cất nhà xong nó sẽ đưa toàn bộ gia đình về đây sống, không ở trong rừng nữa. Nhưng nếu được chính quyền địa phương giúp, có khi nó sẽ về sớm hơn” – nói rồi, ông Gịp Nàm Sáng dẫn tôi ra phía sau nhà, chỉ vào lô đất để trống, mà ông bảo là đất để dành cho ông A Dưởng cất nhà.

Mảnh đất phía sau nhà, nơi ông Nàm Sáng dự định sẽ để cho ông A Dưởng về cất nhà (ảnh: Trọng Vũ)
Mảnh đất phía sau nhà, nơi ông Nàm Sáng dự định sẽ để cho ông A Dưởng về cất nhà (ảnh: Trọng Vũ)

Cả nhà rất mong 6 thành viên trong gia đình ông Gịp A Dưởng bỏ rừng về xuôi
6 người ở trong rừng sâu

Khi PV ngỏ ý dẫn đường lên núi, tìm đến nơi ở của ông Gịp A Dưởng trong rừng, ông Gịp Nàm Sáng chỉ tay về những rặng núi phía xa, nói: “Mấy hôm trước hoặc vài hôm nữa thì được, tôi sẽ dắt chú đi. Nhưng riêng bây giờ thì không, hiện giờ đang có mưa rừng, nước đang lên, không băng qua mấy con suối rừng được đâu”.

Theo hướng dẫn của ông Gịp Nàm Sáng, tôi tiếp tục nhờ người dẫn đi thêm hơn 25km nữa để đến hồ Cà Dây. Từ đây, nếu vượt qua hồ này, đi thêm khoảng 20km đường rừng mới đến được nơi ở hiện tại của 6 thành viên trong gia đình của ông Gịp A Dưởng. Tuy nhiên, đúng như người anh của ông Gịp A Dưởng nói, con nước đang lên, vượt hồ Cà Dây vào lúc này cũng như băng qua mấy con suối rừng ở thời điểm hiện tại là rất nguy hiểm.

Chúng tôi quay trở lại xã Hải Ninh, trò chuyện với mấy người dân trong xóm, được biết ông A Dưởng dù ở trong rừng nhưng chưa bao giờ quên mấy dịp đám giỗ ở gia đình. Những dịp ấy, hay dịp Tết Thanh minh ông đều về nhà thắp hương cho ông bà tổ tiên. Thỉnh thoảng người ta cũng thấy ông về mua thuốc men lên rừng dự phòng.

Chính quyền địa phương bàn phương án giúp ông A Dưởng về xuôi

Trong tuần này, UBND huyện Bắc Bình sẽ có buổi làm việc với UBND xã Hải Ninh về trường hợp của gia đình ông Gịp A Dưởng với mong muốn giúp gia đình ông về với địa phương, tái hòa nhập cuộc sống.

Hiện tại, chính quyền địa phương cũng bàn đến phương án cấp đất cho ông Gịp A Dưởng làm nhà. Trong khi đó, một số cán bộ xã Hải Ninh cho biết có thể ông A Dưởng sẽ được cấp đất dự án ở huyện Bắc Bình.

 Trọng Vũ