1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

6 năm không có thêm kilomet đường sắt quốc gia nào

Thế Kha

(Dân trí) - "Từ khi Luật Đường sắt 2017 có hiệu lực đến nay, chưa xây dựng thêm được kilomet đường sắt quốc gia nào", Bộ GTVT nêu trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Đường sắt 2017 vừa gửi Bộ Tư pháp.

Kết cấu hạ tầng đường sắt chắp vá, chưa đồng bộ

Theo Bộ GTVT, đường sắt quốc gia đi qua 34 tỉnh, thành phố, gồm 7 tuyến chính: Hà Nội - TPHCM, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Quán Triều, Kép - Lưu Xá, Kép - Hạ Long và một số tuyến nhánh.

Tổng chiều dài đường sắt là 3.143km, có 297 ga, 3 loại khổ đường (khổ 1.000mm chiếm 85%; còn lại là khổ đường 1.435mm và khổ đường lồng).

Mật độ đường sắt đạt khoảng 7,9km/1000km2.

6 năm không có thêm kilomet đường sắt quốc gia nào - 1

Đường sắt quốc gia đi qua 34 tỉnh, thành phố, chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt chắp vá, chưa đồng bộ (Ảnh: Mạnh Thắng).

"Hiện tại, chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt chắp vá, chưa đồng bộ: Còn nhiều cầu yếu, hầm yếu, độ dốc cao, bán kính nhỏ; ray, tà vẹt nhiều chủng loại; hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu; nhiều điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, tốc độ chạy tàu hạn chế, năng lực thông qua thấp,... tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông", Bộ GTVT nêu thực trạng.

Hệ thống đường sắt quốc gia chưa có sự kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác. Một số khu vực kinh tế quan trọng như Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên chưa có đường sắt.

Hệ thống đường sắt nối vào khu vực cảng biển còn hạn chế. Hiện tại chỉ có 2 cảng biển có đường sắt kết nối trực tiếp là cảng Hải Phòng và cảng Cái Lân - Quảng Ninh.

Chưa có đường sắt kết nối trực tiếp với các cảng hàng không.

Bộ GTVT phản ánh, hệ thống ga đường sắt phần lớn có quy mô nhỏ, hạ tầng cũ, chỉ có 2-3 đường, chiều dài đường ga ngắn, gây khó khăn cho khai thác vận tải.

Phần lớn nhà ga là cấp IV có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, trang bị nội thất sơ sài. Số lượng ga nằm ở các thành phố lớn có tài sản có thể khai thác kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng, có lợi thế thương mại không nhiều, chỉ đảm bảo sử dụng vào mục đích phục vụ trực tiếp việc chạy tàu.

Kho ga đường sắt, bãi hàng chủ yếu đã đầu tư từ nhiều năm trước, bị xuống cấp, không bảo đảm yêu cầu tập kết, bảo quản hàng hóa. Không có kho nào đạt tiêu chuẩn để lưu trữ, bảo quản các mặt hàng tươi sống, hàng hóa có giá trị cao.

Báo cáo của Bộ GTVT cũng cho thấy, trên đường sắt quốc gia hiện nay có 8 ga liên vận quốc tế hàng hóa gồm Lào Cai, Yên Viên, Hải Phòng, Hải Phòng Cảng, Đồng Đăng, Giáp Bát, Đà Nẵng, Sóng Thần; gần đây bổ sung ga Kép được phép tạm thời khai thác.

Lĩnh vực đường sắt chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức

Đường sắt với những đặc tính ưu việt về năng lực vận tải, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, đóng vai trò xương sống trong hệ thống giao thông vận tải của quốc gia.

Bộ GTVT cho rằng, Luật Đường sắt 2017 đã có quy định về ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì và ưu tiên phân bổ ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm với tỉ lệ thích đáng.

Nhưng thực tế việc bố trí kinh phí chưa đáp ứng được nhu cầu, cho thấy lĩnh vực đường sắt chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức để phát huy hết tiềm năng.

6 năm không có thêm kilomet đường sắt quốc gia nào - 2

Ga Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Trường).

"Các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ cho phát triển công nghiệp đường sắt mới chỉ nêu nguyên tắc chung, chưa có quy định cụ thể các nội dung, danh mục sản phẩm được ưu đãi, mức ưu đãi nên khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư phát triển.

Các địa phương chưa thống nhất trong việc áp dụng quy định về miễn tiền thuê đất cho doanh nghiệp công nghiệp đường sắt dẫn đến doanh nghiệp công nghiệp đường sắt gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh", Bộ này nêu thực trạng.

Ngoài ra, chính sách phát triển công nghiệp đường sắt chưa đề cập đến khuyến khích nội địa hóa, làm chủ công nghệ trong sản xuất lắp ráp. Chưa có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp trong nước thực hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược, làm tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt.

Doanh nghiệp lớn kinh doanh vận tải trên đường sắt quốc gia vẫn do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt) giữ cổ phần chi phối.

Các doanh nghiệp vận tải đường sắt thuê sức kéo và điều hành giao thông vận tải đường sắt lại của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, dẫn đến dịch vụ vận tải đường sắt thiếu tính cạnh tranh, không thu hút được tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh vận tải đường sắt.

Mới chỉ có một tuyến đường sắt đô thị đưa vào khai thác

Đường sắt chuyên dùng do các doanh nghiệp đầu tư, quản lý, khai thác với tổng chiều dài khoảng 258km phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ GTVT đánh giá, các tuyến đường sắt chuyên dùng đã góp phần quan trọng trong việc vận tải hàng hóa của các doanh nghiệp, giảm áp lực lên vận tải đường bộ ở địa phương.

Tuy nhiên, mạng lưới đường sắt chuyên dùng còn hạn chế, chưa phát triển được các tuyến mới kết nối với đường sắt quốc gia.

Đối với đường sắt đô thị, cả nước chỉ có Hà Nội, TPHCM đang đầu tư xây dựng một số tuyến và mới chỉ có một tuyến ở Hà Nội được đưa vào khai thác (Tuyến số 2A, Cát Linh- Hà Đông).

Một số tuyến đang chạy thử và chuẩn bị đưa vào khai thác thương mại như Nhổn - Ga Hà Nội (Hà Nội), Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM).