1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

6 doanh nghiệp xin góp vốn điều tra vàng gốc ở Quảng Nam

(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố công khai 8 khu vực do 6 công ty đề nghị tham gia góp vốn đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản vàng gốc và các khoáng sản đi kèm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

6 doanh nghiệp xin góp vốn điều tra vàng gốc ở Quảng Nam - 1

Thông tin cụ thể về 6 doanh nghiệp không được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiết lộ. Tuy nhiên 6 doanh nghiệp này đang đề nghị tham gia góp vốn đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản vàng gốc tại các khu vực: xã Tư, huyện Đông Giang; xã Trà Leng, huyện Nam Trà My; xã Đăk Pring huyện Nam Giang; xã Trà Nú huyện Bắc Trà My; Phước Năng-Phước Mỹ huyện Phước Sơn; khu vực Khâm Đức, huyện Phước Sơn; Phước Sơn-Trà My, huyện Phước Sơn; khu vực Nước Vin xã Trà Gác, huyện Bắc Trà My.

Tỉnh Quảng Nam được đánh giá là nơi có khoảng sản vàng thuộc hàng nhiều nhất nước. Tuy nhiên suốt thời gian qua việc khai thác vàng ở đây đã khiến chính quyền địa phương nơi đây đau đầu, đặc biệt trong việc thu thuế.

Trả lời báo chí, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho rằng cơ chế cho doanh nghiệp tự kê khai sản lượng khai thác là lỗ hổng lớn nhất gây khó cho ngành thuế trong việc kiểm soát sản lượng khai thác thực của doanh nghiệp. Ngành thuế có thanh tra thì cũng chỉ tranh tra trên hồ sơ, không ai dám chắc lời khai của doanh nghiệp có đúng không. Nhiều doanh nghiệp hết hạn khai thác vẫn nghiễm nhiên được khai thác trong thời gian xin gia hạn mà không bị đánh thuế.

Tại Hội nghị tổng kết ngành thuế 2016 vừa diễn ra ngày 11/1 vừa qua, ông Ngô Bốn- Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết, đã thu được khoảng 150 tỷ đồng tiền thuế tại Công ty Vàng Phước Sơn. Tuy nhiên số nợ thuế của hai công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu còn 300 tỷ đồng. Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu trong 6 tháng nữa sẽ thu được nợ đối với công ty Vàng Phước Sơn.

Việc xử lý đến nay vẫn chưa xong, nhưng theo ông Bốn, nhìn chung nhân dân ủng hộ việc cưỡng chế thuế với hai doanh nghiệp này. Nhờ việc cưỡng chế thuế với 2 công ty vàng mà tác động đến việc truy thu nợ của các doanh nghiệp khác.

Trước đó, giữa năm 2016 báo chí đồng loạt phản ánh việc Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, thuộc Tập đoàn Besra) vẫn vô tư khai thác vàng dù giấy phép khai thác đã hết hạn. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản yêu cầu Tổng giám đốc Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu dừng ngay các hoạt động khai thác vàng cho đến khi các cơ quan có thẩm quyền trả lời về gia hạn hoạt động dự án (điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) và cho phép gia hạn cấp phép hoạt động khai thác.

Sau đó thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc kiểm tra, xử lý các thông tin báo chí phản ánh về quản lý, khai thác vàng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc phối hợp kiểm tra, làm rõ.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cơ quan chuyên môn lập báo cáo về tình hình công tác quản lý khoáng sản vàng trên địa bàn địa phương thời gian qua, gồm các nội dung: công tác quy hoạch khoáng sản liên quan đến các khu vực có khoáng sản vàng thuộc thẩm quyền; tình hình cấp phép thăm dò, khai thác quặng vàng trên địa bàn từ năm 2005 đến nay, trong đó thống kê số lượng các Giấy phép thăm dò/khai thác đã cấp, hiện trạng (đã hết hạn; đang gia hạn; đã đóng cửa mỏ; đang hoạt động); tình hình thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép thăm dò, khai thác quặng vàng trên địa bàn địa phương (gồm cả Giấy phép do cơ quan Trung ương cấp và UBND tỉnh cấp phép).

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam báo cáo về công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan; công tác bảo vệ khoáng sản vàng chưa khai thác trên địa bàn; đề xuất, kiến nghị về các biện pháp quản lý khoáng sản nói chung và quặng vàng nói riêng trong thời gian tới.

Thế Kha