1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

539 luật sư bị kỷ luật xóa tên

Phùng Minh

(Dân trí) - Các đoàn luật sư đã kỷ luật xóa tên 539 luật sư; kỷ luật bằng hình thức khác như tạm đình chỉ tư cách thành viên; cảnh cáo, khiển trách 105 trường hợp.

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Luật sư của Bộ Tư pháp cho thấy, cả nước có 5.500 tổ chức hành nghề luật sư. Với quy định mở rộng phạm vi hành nghề, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động tham gia tố tụng của luật sư, từ năm 2007-2022 các luật sư đã tham gia trên 1,4 triệu vụ việc.

Thực tiễn cho thấy tỷ lệ vụ án có luật sư tham gia tố tụng đang tăng theo từng năm. 100% các vụ án theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng đều có luật sư tham gia để bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.

"Thông qua hoạt động tham gia tố tụng, các luật sư đã tự khẳng định mình bằng năng lực chuyên môn, thể hiện được quyền bình đẳng với kiểm sát viên trong tranh tụng", Bộ Tư pháp nhận định.

539 luật sư bị kỷ luật xóa tên - 1

Giai đoạn 2007-2022, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được 2.084 đơn thư có nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến luật sư, người tập sự hành nghề luật sư. Các đoàn luật sư đã kỷ luật xóa tên 539 luật sư và kỷ luật bằng hình thức khác 105 trường hợp (Ảnh minh họa).

Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, giảm tình trạng oan sai, làm sáng tỏ sự thật khách quan, xét xử đúng người, đúng tội và cơ bản thực hiện đúng nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa.

Các luật sư, tổ chức hành nghề luật đã tích cực, chủ động tham gia trợ giúp, hợp tác với các công ty luật nước ngoài trong quá trình giải quyết vụ việc tranh chấp quốc tế mà trong đó một bên tham gia là Chính phủ Việt Nam.

Bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, đội ngũ luật sư đã góp phần vào ngân sách nhà nước một nguồn thu không nhỏ. Theo báo cáo chưa đầy đủ của 63 tỉnh, thành phố, trong 15 năm (2007-2022) tổng doanh thu của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam đạt hơn 21.000 tỷ đồng, đã nộp thuế gần 3.000 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Trong giai đoạn 2007-2022, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được 2.084 đơn thư có nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến luật sư, người tập sự hành nghề luật sư.

Các đoàn luật sư đã xử lý kỷ luật xóa tên 539 luật sư và kỷ luật bằng hình thức khác (tạm đình chỉ tư cách thành viên, cảnh cáo, khiển trách) 105 trường hợp.

Báo cáo của Bộ Tư pháp phản ánh tổ chức hành nghề luật sư chủ yếu tập trung tại Hà Nội, TPHCM (hơn 66% các tổ chức hành nghề luật trên cả nước). Trong khi đó, khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, các tổ chức hành nghề luật sư rất ít.

"Đa số các tổ chức hành nghề có quy mô nhỏ, chỉ có từ 1-2 luật sư, cơ sở vật chất thiếu thốn, trụ sở thường đặt tại nhà riêng của cá nhân luật sư, công tác quản trị, điều hành còn lỏng lẻo, thiếu tính chuyên nghiệp", Bộ Tư pháp nêu thực tế.

Bộ này cho rằng Luật Luật sư hiện nay thiếu các quy định tạo điều kiện cho tổ chức hành nghề luật sư phát triển thành các tổ chức hành nghề luật sư có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh với tổ chức hành nghề luật sư trong khu vực và trên thế giới.

Luật còn thiếu hoặc chưa rõ dẫn đến bất cập, khó khăn hoặc chưa thống nhất trong tổ chức thực hiện như cấp, cấp lại, thay đổi và thu hồi giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư, quyền của tổ chức hành nghề luật sư…

Hơn 300 luật sư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam

Thống kê của Bộ Tư pháp cho biết, đến cuối năm 2022 có 93 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài (37 chi nhánh, 56 công ty luật) và hơn 300 luật sư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia khác nhau đang hoạt động tại Việt Nam.

Giai đoạn từ 2007-2022, doanh thu của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đạt hơn 21.000 tỷ đồng và nộp thuế vào ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương với kết quả hoạt động hành nghề luật sư Việt Nam.