51 tỉnh, thành ghi nhận nắng nóng kỷ lục trong tháng 4
(Dân trí) - Nắng nóng gay gắt đến sớm và diễn biến bất thường khiến hơn 100 trạm quan trắc trên cả nước ghi nhận kỷ lục nhiệt độ trong tháng 4. Có nơi xuất hiện mức nhiệt cao chưa từng có trong vòng 44 năm qua.
Thông tin được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết trong bản tin dự báo khí hậu trên phạm vi toàn quốc trong tháng 5.
Phân tích và đánh giá thời tiết giai đoạn vừa qua, cơ quan khí tượng nhận định đợt nắng nóng trong ngày 26-30/4 xảy ra trên diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Riêng Tây Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng gay gắt, đặc biệt gay gắt với nền nhiệt 39-42 độ C, có nơi trên 43 độ C.
"Cả nước đã ghi nhận nhiều trạm có giá trị nhiệt độ cao nhất ngày, vượt giá trị lịch sử cùng kỳ tháng 4, có nơi còn cao hơn giá trị cao nhất năm từng quan trắc được", cơ quan khí tượng nhận định.
Thống kê cho thấy cả nước có 110 điểm quan trắc tại 51 tỉnh, thành phố có nắng nóng kỷ lục trong tháng 4.
Trong đó, hầu hết địa phương tại miền Bắc ghi nhận nhiệt độ vượt giá trị lịch sử vào ngày 27/4 với mức nhiệt dao động 38-41 độ C.
Tại Hà Nội, đồng loạt 5 điểm quan trắc (Ba Vì, Sơn Tây, Láng, Hoài Đức, Hà Đông) cho mức nhiệt dao động 40,5-41,2 độ C, vượt xa kỷ lục nhiệt độ cao nhất tháng 4 từng được thiết lập vào năm 1998, 1996, 2015 và 2019.
Các tỉnh, thành phố ở miền Bắc ghi nhận kỷ lục nhiệt độ vào ngày 27/4: Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Sơn La, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn.
Với miền Trung, kỷ lục nhiệt độ cũng được thiết lập chủ yếu vào các ngày 23/4 và 25-30/4, ở các địa phương: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Khánh Hòa, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định.
Riêng tại Đông Hà (Quảng Trị), mức nhiệt 44 độ C vào ngày 28/4 vượt kỷ lục 42,1 độ C ghi nhận vào tháng 4/1980 và tiệm cận mức nhiệt lịch sử của cả nước tại Tương Dương (Nghệ An) là 44,2 độ C hồi tháng 5/2023.
Tây Nguyên có 3 điểm ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong lịch sử tháng 4 gồm: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, với nhiệt độ cao nhất 38-38,9 độ C vào ngày 27-29/4.
Với Nam Bộ, nền nhiệt cao nhất trong tháng tập trung vào ngày 9/4 và 14-16/4. Các tỉnh, thành phố có trạm quan trắc ghi nhận mức nhiệt cao chưa từng có trong cùng kỳ tháng 4 gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Nai, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Tháp.
Tổng kết lại, chuyên gia đánh giá trong tháng 4, nhiệt độ trung bình ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ cao hơn 2-4 độ C so với cùng kỳ nhiều năm, có nơi cao hơn trên 4 độ C. Các khu vực khác cao hơn 1-3 độ C, riêng Tây Nguyên cao hơn 3 độ C.
Ngày 27/4 là thời điểm xác lập nhiều kỷ lục nhất về nhiệt độ, khi nắng nóng gay gắt và cực kỳ gay gắt lan rộng khắp cả nước. Chuyên gia đánh giá đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, cả nước trải qua một kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 với thời tiết "đặc biệt" như vậy.
Ngoài nắng nóng, nhiều nơi cũng ghi nhận thiên tai dông, lốc, sét và đặc biệt là mưa đá trong tháng 4. Các hiện tượng này gây ra thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường.
Dự báo xu hướng thời tiết thời gian tới, cơ quan khí tượng cho biết trong tháng 5, áp thấp nóng phía tây tiếp tục hoạt động mạnh nên khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên xuất hiện nhiều ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với tần suất nhiều hơn so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng tập trung trong 20 ngày đầu tháng. Cuối tháng 5, gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh dần nên hai khu vực trên xuất hiện mưa dông kèm nguy cơ lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Lúc này, mùa mưa có thể bắt đầu.