1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

50% người dân TPHCM dùng nước giếng khoan sinh hoạt

(Dân trí) - Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, hiện nay có khoảng 220.000 hộ gia đình và trên 9.000 cơ sở sản xuất lớn nhỏ đang có giếng khoan để khai thác và sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt và sản xuất.

50% người dân TPHCM dùng nước giếng khoan sinh hoạt  - 1
Người dân vẫn dùng nước giếng khoan phục vụ sinh hoạt
 
Theo ghi nhận của PV, tại một số quận huyện như Củ Chi, Thủ Đức, quận 7… có rất nhiều người dân đang sử dụng nguồn nước từ giếng khoan để sinh hoạt. Phần lớn họ đều sử dụng cho việc nấu ăn, tắm giặt và uống. Nước không xử lý, nước nhiễm khuẩn trở thành nỗi lo lắng của rất nhiều người dân.

 

Số người sử dụng nguồn nước khoan chưa qua xử lý chủ yếu là các sinh viên và công nhân thuê trọ. Một người dân trọ ở quận Thủ Đức tâm sự: “Hằng ngày chị phải dùng nước giếng khoan chưa qua xử lý cho việc nấu ăn, tắm giặt. Nhiều khi nước bị đóng váng, đục ngàu chị lại phải cho ra thau để lắng đi rồi dùng tiếp. Biết sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe về sau nhưng cũng không còn cách nào khác”.

 

Hiện nay, nguồn nước sạch cung ứng cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu từ hai nguồn là nguồn nước sạch của SAWACO (Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn) với tổng công suất phát nước khoảng 1,25 triệu m3/ngày đêm và nguồn nước ngầm do các hộ và cơ sở sản xuất tự khai thác từ các giếng khoan lớn nhỏ với tổng khối luợng khoảng 600.000 m3/ngày đêm. 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, do việc quản lý  khai thác nước ngầm hiện nay trên địa bàn thành phố chưa chặt và việc xử lý nạn khai thác nước ngầm trái phép chưa nghiêm nên đã ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của người dân.

 

Ông Phước cho biết thêm, gần đây, nhiều khu vực quận, huyện đã gia tăng tự phát nạn khai thác nước ngầm trái phép ngày càng nhiều và vượt ngoài tầm quản lý của cơ quan chức năng, gây nhiều nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm của thành phố do luợng nước ngầm bổ trợ tự nhiên chỉ vào khoảng 200.000 m3/ngày đêm và gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm do khai thác không đúng quy trình, không đảm bảo an toàn nguồn nước. 

 

Để khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm hiệu quả, thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều biện pháp như tiến hành quy hoạch nguồn nước ngầm ở nhiều khu vực để làm cơ sở khai thác, sử dụng nguồn nước tối ưu, khoa học, giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nước thay thế nước ngầm.

 

Theo đó, từ nay đến năm 2010, thành phố sẽ đầu tư thêm hàng ngàn tỷ đồng để lắp đặt hàng trăm km đường ống dẫn nước sạch về các khu vực chưa có nước sạch để hạn chế việc người dân, các cơ sở sản xuất sử dụng nước ngầm, phấn đấu giảm khai thác nước ngầm xuống còn khoảng 100.000 m3/ngày đêm vào năm 2010.

 

Minh Hải