5 năm, hơn 4.000 phụ nữ, trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài

(Dân trí) - Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, 5 năm qua, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ với gần 2.900 đối tượng lừa bán hơn 4.000 nạn nhân (hơn 3.500 phụ nữ, gần 500 trẻ em...) ra nước ngoài.

5 năm, hơn 4.000 phụ nữ, trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài - 1

Tại hội thảo, Bộ Công an đã cho biết có hơn 4.000 phụ nữ và trẻ em đã bị lừa bán sang nước ngoài mà chủ yếu là Trung Quốc, trong vòng 5 năm qua.
 

Ngày 14/12, tại TP Huế, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Dự án Hỗ trợ thực hiện chính sách của Canada (PIAP) tổ chức khai mạc Hội thảo quốc tế về “Dự án Luật Phòng, chống mua bán người”. Hơn 100 đại biểu, các chuyên gia về tư pháp trong và ngoài nước đã tham dự hội thảo.

 

Trong những năm gần đây, tình hình mua bán phụ nữ, trẻ em xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng với tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động ngày càng ngiêm trọng, tinh vi; đặc biệt, có nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia. Ở Việt Nam, tình trạng này không còn là hiện tượng đơn lẻ mà gần đây đã có cơ sở để khẳng định tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nam giới xảy ra ngày càng nhiều ở một số địa phương.

 

Đây là vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm và đang có nhiều nỗ lực, cố gắng cả về mặt xây dựng thể chế lẫn thực thi pháp luật và hợp tác quốc tế  để ngăn chặn, xóa bỏ tình trạng này.

 

Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, 5 năm qua, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ với gần 2.900 đối tượng lừa bán hơn 4.000 nạn nhân (hơn 3.500 phụ nữ, gần 500 trẻ em...) ra nước ngoài. Trong đó trên 60% được đưa sang Trung Quốc, 11% sang Cam Pu Chia...

 

Các lực lượng chức năng giải cứu, tiếp nhận gần 4.000 nạn nhân trở về, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an đã xóa nhiều đường dây tội phạm, xử lý nghiêm minh những đối tượng vi phạm trước pháp luật. Tuy nhiên, tình hình tội phạm buôn bán người ở nước ta vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng với nhiều hình thức, quy mô mới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đạo đức xã hội.

 

Trong 2 ngày diễn ra hội thảo, nhiều tham luận của các đại biểu thuộc các ngành chức năng trong nước và quốc tế tập trung chia sẽ những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người; trong đó, tập trung thảo luận về các nhóm vấn đề như: phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi liên quan; tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân; hỗ trợ nạn nhân; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ và địa phương trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua, bán người...   

 

Đại Dương