1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

5 góp ý cho Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi

Nguyễn Nhàng

(Dân trí) - Một số định hướng cụ thể trong Chiến lược cải cách thuế liên quan đến thuế giá trị gia tăng chưa được triển khai trong Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) do Bộ Tài chính soạn thảo.

5 góp ý cho Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi - 1

(Ảnh: Thư viện pháp luật).

Được ban hành lần đầu vào năm 1997 thay thế cho thuế doanh thu, Luật Thuế giá trị gia tăng được sửa đổi toàn diện vào năm 2008 và được tiếp tục sửa đổi, bổ sung vào các năm 2013, 2015 và 2016.

Qua 15 năm thực hiện từ thời điểm sửa Luật năm 2008, cách thức thực hiện thuế giá trị gia tăng cho đến nay đã có những thay đổi cơ bản, gắn với thay đổi trong quản lý, sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp cũng như những thay đổi trong cách thức tiêu dùng, cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên cơ sở sự phát triển của khoa học công nghệ, các dịch vụ nền tảng số.

Đây là những bước tiến lớn song cũng đặt ra yêu cầu xem xét lại về tính phù hợp của nhiều quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng.

Về mặt chính sách, Luật Thuế giá trị gia tăng qua một thời gian dài thực hiện cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định.

Nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế như: phạm vi các đối tượng không chịu thuế tương đối rộng, dẫn đến nhiều trường hợp không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng; cơ cấu các mức thuế suất cũng cần được đánh giá lại để phù hợp với Chiến lược cải cách và xu thế chung.

Nhiều vướng mắc, bất cập cũng đã được ghi nhận trên thực tế trong công tác quản lý thu như việc cho phép không kê khai nộp thuế đầu ra nhưng được khấu trừ thuế đầu vào, các vướng mắc trong quản lý thu thuế giá trị gia tăng đối với thương mại điện tử, các bất cập trong thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng…

Có 4 nội dung kiến nghị chính liên quan đến sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng được nêu trong Tờ trình của Bộ Tài chính gửi đến Chính phủ.

Thứ nhất là đề nghị đưa mặt hàng phân bón ra khỏi đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng để thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh trong nước và thúc đẩy doanh nghiệp tái đầu tư.

Thứ hai là đề nghị bổ sung quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng cho hoạt động giao dịch hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn qua Sở Giao dịch hàng hóa (xác định hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng).

Thứ ba là đề nghị sửa đổi quy định về việc xác định sản phẩm xuất khẩu đã chế biến thành sản phẩm khác hay chưa chế biến thành sản phẩm khác và sửa quy định trong việc xác định tỷ trọng giá trị tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trên 51% giá thành sản xuất sản phẩm bán ra khi xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Thứ tư là sửa đổi quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng "đối với doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động" để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và đề nghị hoàn thuế và để phù hợp với trách nhiệm của công ty chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Tờ trình đã xác định quan điểm, mục đích sửa đổi mang tính định hướng chung cho mọi Dự án Luật, song chưa bám sát các mục tiêu cụ thể của Chiến lược cải cách thuế đối với Luật Thuế giá trị gia tăng.

Đối chiếu với nội dung sửa đổi thể hiện trong Dự thảo Luật, có thể thấy một số định hướng cụ thể trong Chiến lược cải cách thuế liên quan đến thuế giá trị gia tăng chưa được triển khai.

Đơn cử như định hướng bao quát, mở rộng cơ sở thu; nhóm hàng hóa chịu thuế suất 5% chưa được thu hẹp đáng kể, chưa cho thấy quyết tâm tiến tới lộ trình áp dụng một mức thuế suất; nội dung nghiên cứu, quy định lộ trình tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng chưa được đề cập trong Dự án Luật, dẫn đến một số mục tiêu, định hướng quan trọng của Chiến lược chưa được thể hiện đầy đủ, nhất là các nội dung về định hướng tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất, thực hiện tăng thuế suất theo lộ trình.

5 góp ý nhằm hoàn thiện Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi):

Thứ nhất, đề nghị bổ sung thêm thuế suất 0% áp dụng cho dịch vụ bán tại khu cách ly. Nguyên nhân do dịch vụ 0% tại khu cách ly hằng năm thu về nguồn ngoại tệ rất lớn cho doanh nghiệp nói riêng và cho ngân sách nhà nước nói chung. Thuế suất 0% áp dụng cho dịch vụ tại khu vực cách ly nhằm khuyến khích doanh nghiệp tăng cường mở rộng các loại hình dịch vụ để ngày càng đa dạng và chuyên nghiệp phục vụ nhu cầu đa dạng khách hàng.

Thứ hai, đối với hàng hóa, dịch vụ bán tại khu cách ly và hàng hóa đã bán tại cửa hàng miễn thuế, ngoài các điều kiện quy định hiện hữu, khoản này còn phải có hóa đơn giá trị gia tăng bán ra; bảng kê hàng hóa, dịch vụ bán lẻ tại khu cách ly có xác nhận của cơ quan Hải quan và bảng kê lượng tiền mang vào/ra khu cách ly, khu hạn chế có xác nhận của cơ quan hải quan.

Lý do là hiện chưa có quy định rõ điều kiện khấu trừ đầu vào cho hàng hóa, dịch vụ bán tại khu cách ly nên quá trình vận hành trong thực tiễn doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.

Thứ ba, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng; mục tiêu, quan điểm thể hiện trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, bảo đảm nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, áp dụng mức thuế suất hợp lý, tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất và thực hiện tăng thuế suất theo lộ trình.

Điều này cũng bảo đảm đáp ứng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của việc sửa Luật, khắc phục các vướng mắc của Luật hiện hành và hoàn thiện các quy định để bảo đảm tính bao quát trong trung hạn của hệ thống chính sách thuế giá trị gia tăng.

Cụ thể như việc giải trình rõ căn cứ pháp lý và thực trạng quản lý thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định pháp luật về thuế xuất nhập khẩu và hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ theo kênh chuyển phát nhanh, đánh giá tác động của chính sách dự kiến; rà soát để bảo đảm sự thống nhất về mặt nguyên tắc cho các trường hợp được áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; cân nhắc khả năng quy định lộ trình tăng thuế suất trong dự thảo Luật; cân nhắc để áp dụng thuế suất 10% đối với hàng hóa, dịch vụ được cung cấp qua sàn thương mại điện tử và nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài...

Thứ tư, các nội dung thuộc phạm trù về quản lý thuế và đã được quy định đầy đủ trong Luật Quản lý thuế hiện hành. Việc bổ sung quy định về luật quy định về chính sách là không cần thiết và không phù hợp.

Ngoài ra, hiện nay cơ quan thuế mới ban hành Bộ tiêu chí và chỉ số về phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo quản lý rủi ro và bắt đầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro.

Khi việc này đi vào thực hiện, cơ quan quản lý thuế ban hành đầy đủ các quy định về quản lý rủi ro, các quy trình nội bộ và triển khai sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để tự động phân loại và đánh giá hồ sơ hoàn thuế và công chức thuế thực hiện đúng các quy trình quản lý thì về cơ bản sẽ bảo đảm được tính minh bạch, công khai và khách quan trong công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế.

Việc đưa vào Luật Thuế giá trị gia tăng quy định công chức thuế chỉ chịu trách nhiệm "trong phạm vi hồ sơ, tài liệu của người nộp thuế cung cấp" trong từng lần hoàn thuế là không phù hợp với cơ chế áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, không phát huy được việc phối hợp với các cơ quan chức năng khác trong phòng chống gian lận hóa đơn (như cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán, hải quan, cơ quan quản lý đăng ký doanh nghiệp...) đã thực hiện trong thời gian qua.

Thứ năm, về điều khoản thi hành, nhiều nội dung trong Dự thảo Luật được quy định theo hướng giao "Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định", trong đó có những nội dung quan trọng như điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, chi tiết nhóm hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng theo tỷ lệ %, chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng thay cho phía nước ngoài.

Đây là những nội dung đang cần được Cơ quan soạn thảo làm rõ về nội hàm để thống nhất về cách tiếp cận khi xây dựng chính sách. Vì vậy, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ hướng dẫn cụ thể các vấn đề về quy trình, thủ tục. Đối với những nội dung quan trọng, đề nghị quy định trực tiếp trong Dự thảo Luật, không giao Bộ Tài chính quy định chi tiết.

Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát về kỹ thuật văn bản, vị trí các điều khoản, quy định chuyển tiếp để các nội dung thể hiện trong Dự thảo Luật bảo đảm tính nhất quán với cách thức thể hiện của văn bản quy phạm pháp luật.

TS Đỗ Đức Hồng Hà

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội